Hành trình của những bà mẹ "tìm đường sống" cho con là tử tù

Hòa Nguyễn (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 18/03/2016 14:00 PM (GMT+7)
Lịch sử tư pháp Việt Nam từng ghi nhận một số trường hợp tử tù sắp phải thi hành án, nhưng do một vài lý do đặc biệt đã được tạm hoãn thi hành án ở “phút cuối”. Trong những lý do ấy, không thể không nhắc tới những người mẹ với hành trình gian nan kêu oan hoặc giúp giảm tội chết cho con...
Bình luận 0

Thu thập chục nghìn chữ ký giúp con thoát án tử

Dư luận đang hồi hộp theo dõi vụ việc liên quan tới bị cáo Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước), người tham gia vào vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước cùng với hai bị cáo khác là Nguyễn Hải Dương và Trần Đình Thoại.

Ngày 17.12.2015, TAND tỉnh Bình Phước đã đưa ra xét xử lưu động, tuyên phạt Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến mức án tử hình; Trần Đình Thoại 16 năm tù. Ngày 22.12.2015, Vũ Văn Tiến đã gửi đơn đến TAND cấp cao tại TP.HCM xin giảm án tử hình về 2 tội Giết người và Cướp tài sản.

Kể từ đó đến nay, gia đình Tiến, đặc biệt là bà Vũ Thị Thi - mẹ Tiến, đã lặn lội khắp nơi xin chữ ký của nhiều người dân với hy vọng tìm cho Tiến một con đường sống. Lá đơn cứu xét có kèm chữ ký của hơn chục nghìn người xin giảm án cho Tiến là kết quả của những tháng ngày lặn lội đi khắp nơi của bà Thi cùng người thân trong gia đình.

img

Cha mẹ Vũ Văn Tiến (người bị TAND tỉnh Bình Phước kết án tử hình) cầm trên tay cuốn sổ có 10.000 chữ ký của người dân xin cho Tiến một con đường sống.

Để gom được hàng chục ngàn chữ ký này, gia đình bà đã lặn lội hơn 2 tháng trời, từ trước Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3.2016. Bà Thi và người nhà phải chia nhau đi các ngả để xin chữ ký. Trong đó, bà cùng chồng do sức khỏe yếu nên chỉ đi ở các khu dân cư trong huyện Hóc Môn (TP.HCM). Còn con gái bà thì xin chữ ký ở chỗ làm, rồi lên tận Bình Phước, Bình Dương…

Bà Thi mỗi tuần chỉ đi làm 1 đến 2 ngày để có tiền mua gạo. Thời gian còn lại bà đi xin chữ ký của người dân xung quanh. Đến giờ phút này, gia đình Vũ Văn Tiến vẫn đang tiếp tục trên hành trình tìm cho Tiến một con đường sống.

“Ngày nào tôi còn sống tôi còn kêu oan cho con”

Trước đó, tử tù Lê Văn Mạnh (SN 1982, Yên Thịnh, Yên Định, Thanh Hóa; có 1 vợ và 2 con) cũng đã được hoãn thi hành án ở phút cuối. Mạnh bị bắt ngày 20.4.2005, sau đó bị cáo buộc phạm tội hiếp dâm, cướp của và giết nạn nhân Hoàng Thị Loan là người cùng xã.

Từ năm 2005-2008, Lê Văn Mạnh trải qua tổng cộng 7 phiên tòa bao gồm 3 lần sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm và 1 lần giám đốc thẩm. Trong tất cả các phiên tòa có mặt, Mạnh đều phản cung, tố cáo rằng mình bị đánh đập dã man bởi các phạm nhân cùng phòng và điều tra viên.

Phiên xử phúc thẩm ngày 25.11.2008 của TAND tại Hà Nội vẫn kết án tử hình đối với Lê Văn Mạnh. Ngày 22.10.2015, một số luật sư nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Việt - mẹ của Mạnh - nhờ các luật sư giải oan cho con trai.

img

Bà Nguyễn Thị Việt. Ảnh: VNE

Ngày 26.10, tại buổi làm việc với Ban Thanh tra TAND Tối cao, bà Việt đã nộp đơn kêu oan cho con trai Lê Văn Mạnh - phạm nhân bị kết án tử hình về tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em. Ngoài việc đề nghị TAND Tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm ra ngày 25.11.2008, bà còn đề nghị hoãn thi hành án tử hình với Mạnh.

Suốt thời gian hơn 10 năm (từ 2005 - 2015) bà Việt đã phải ngủ ở vỉa hè chờ đến sáng để tới các cơ quan có thẩm quyền gửi đơn kêu cứu. Cứ lúc nào chăn nuôi tốt, gom được kha khá tiền bà lại ra Hà Nội. Có lúc túng bấn, bán từng mớ rau, phải mấy tháng mới đủ tiền trang trải một chuyến đi kêu oan cho con.

Ngoài con trai Mạnh (đang học lớp 6) được bà Việt nuôi, cô con gái của Mạnh (đang học lớp 5) hiện được ông bà ngoại nuôi vì mẹ đã đi lấy chồng. "Hai anh em chúng nó mỗi đứa mỗi nơi vì tôi chỉ đủ sức nuôi thằng lớn”, bà Việt thở dài nhìn cháu trai và quả quyết "ngày nào còn sống tôi vẫn còn kêu oan cho con. Nếu chết đi rồi, tôi sẽ dặn cháu nội tiếp tục" - bà Việt nói.

Vừa qua, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá cho biết đã quyết định hoãn thi hành án tử đối với Lê Văn Mạnh (Yên Thịnh, Yên Định, Thanh Hoá) để điều tra lại.

Gửi gần 170 lá đơn kêu oan cho con trong 7 năm

Trường hợp của tử tù Hồ Duy Hải (huyện Thủ Thừa, Long An) - người bị tòa buộc tội giết hai nữ nhân viên Bưu Điện Cầu Voi (Long An) năm 2008 - cũng khá ly kỳ.

Tháng 4.2009, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm mức án tử hình với Hồ Duy Hải. Tháng 5 và tháng 10.2011, lần lượt Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao đều không có kháng nghị đối với bản án. Sau đó, Chủ tịch nước cũng bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải, quyết định thi hành án vào ngày 5.12.2014.

Từ ngày con trai bị kết án tử, gia đình của Hải và đặc biệt là bà Nguyễn Thị Loan - mẹ Hải - luôn tin con trai bà vô tội. Để minh oan cho con trai, bà Loan vay mượn khắp nơi để có tiền cho cuộc hành trình từ Nam ra Bắc gõ cửa cầu cứu cơ quan chức năng. Những đơn thư cầu cứu đều đặn được bà Loan gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền 2 lần/tháng trong suốt 7 năm (tính ra là khoảng gần 170 lá thư).

img

Bà Nguyễn Thị Loan. Ảnh: Zing

Ngần ấy năm trôi qua, bà Loan dần héo mòn, tiều tụy khi phải chờ đợi sự hồi đáp từ cơ quan chức năng, nhiều lúc như tuyệt vọng. Nhưng mỗi khi nghĩ về đứa con trai, tình mẫu tử lại thôi thúc bà tiếp tục hành động.

Không ít đêm bà Loan và người nhà phải ngủ lăn lóc ngoài công viên để dành tiền thuê trọ kêu oan cho con. Nhiều đêm mùa đông lạnh giá ở Hà Nội, bà Loan cùng chị gái co ro ở một góc đường nào đó. Bà Loan gần như chỉ biết làm theo bản năng của một người mẹ để che chở cho con.

Và cuối cùng, đến ngày 4.12.2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản hoãn thi hành án đối với Hải đến ngày 4.1.2015. Sau khi kết thúc thời hạn tạm hoãn thi hành án đối với tử tù Hồ Duy Hải, Chủ tịch nước đã đề nghị Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải. Đồng thời, yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem