Hành xử của người có quyền, có tiền hay sức nặng của… gậy golf

Chủ nhật, ngày 06/10/2013 16:22 PM (GMT+7)
Đại gia Nguyễn Đức Sơn, (phố Đặng Tất, Ba Đình, Hà Nội), người mấy ngày qua được báo chí “ưu ái” nhắc đến khá nhiều vì đã cầm chiếc gậy chơi golf gõ sưng đầu nhân viên sân golf Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Bình luận 0
Phát biểu trên báo chí, đại gia Sơn hậm hực bảo là chuyện “bé xé ra to” và nếu ông là người bình thường thì chắc chẳng ai nhắc đến cái chuyện “cỏn con” ấy cả.

Sức nặng của… gậy golf

Khoảng 13 giờ ngày 15.9.2013, ông Nguyễn Đức Sơn cùng với ông Nguyễn Văn Thanh có mặt tại sân golf Tam Đảo để tham gia chơi golf.
Ông Nguyễn Đức Sơn
Ông Nguyễn Đức Sơn
Tại đây, ông Sơn và ông Thanh được bố trí 2 nhân viên caddie (người được thuê để kéo, bảo quản những bao đựng gậy đánh golf cho khách chơi trên sân) phục vụ. Một nữ caddie số 13 phục vụ ông Sơn và một nam caddie là anh Công phục vụ ông Nguyễn Văn Thanh. Sự việc xảy ra do một mâu thuẫn nhỏ. Theo ông Sơn: “Lúc đó, caddie của tôi thông báo với tôi là 5 “on” (thuật ngữ trong chơi golf) nhưng anh Công lại báo là 6 “on”. Do 2 “két” báo nhầm nên tôi có nói gay gắt và bực tức với anh Công: “ Mày phải báo cho anh Thanh, tao đã có caddie của tao, không phải việc của mày”.

Sân golf 8 lỗ Tam Đảo khai trương vào ngày 7.1.2007, có diện tích 136ha, thuộc xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là khu nghỉ mát và sân golf đầu tiên tại Việt Nam hoàn toàn được đầu tư bởi doanh nghiệp trong nước.

Vừa nói với anh Công xong, ông Sơn tiến sát gần Công dùng trực tiếp cây gậy đang đánh golf gõ lên đầu anh Công. Ông Sơn nói, mục đích lúc đấy chỉ để cảnh cáo Công, thậm chí chỉ là hình thức đùa cợt (!?). Nhìn thấy Công quằn quại, ôm đầu gục ngay dưới nền cỏ, ông Sơn hốt hoảng ngay lập tức gọi mọi người đưa anh Công ra xe, dùng đá lạnh chườm vết thương và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Sơn cũng thừa nhận hành động của mình với anh Công là sai. Ông cũng đã gặp gia đình và cá nhân anh Công để bày tỏ lời xin lỗi ngay trong chiều ngày 15/9/2013. Theo đó, ông Sơn bồi thường số tiền 5 triệu đồng tiền mặt để gia đình anh Công lo thuốc men, chi phí chữa chạy vết thương vùng đầu. Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên thăm hỏi về tình hình sức khỏe của Công trong thời gian Công điều trị, không có ý định bỏ mặc.

Ông Sơn không phủ nhận việc làm của mình với Công. Nhưng ông cho biết, sự việc không hoàn toàn nặng nề như phía ban điều hành sân golf Tam Đảo đã tung lên website. Lúc cầm gậy đánh Công, ông không cố ý gây thương tích mà chỉ “đánh nhẹ” nhưng không ngờ chiếc gậy gõ vào trán lại làm Công bất tỉnh ngay tại chỗ, nằm khuỵu xuống nền cỏ như vậy. Ông Sơn cũng lấy làm tiếc. Và có lẽ, theo như phân trần của vị “sếp” này thì nhân viên caddie phải cảm ơn ông vì ông đã dùng cái gậy giá trị gần bằng cả năm lương của người lao động để “dạy bảo”.

Dư luận bỗng ngạc nhiên vì ông Sơn nói chỉ dùng gậy golf “đánh nhẹ” như kiểu “dạy trẻ con” mà anh Công cũng bất tỉnh. Điều này, đặt ra nhiều giả thuyết hài hước. Thứ nhất, do sức khỏe của anh Công quá yếu, yếu đến nỗi gió nhẹ cũng có thể đổ ngã. Nếu nói thế thì anh Công có khác gì người giấy. Thứ 2 là “nội công” của ông Sơn quá “thâm hậu” và mạnh mẽ, bởi ông mới chỉ “xuất chiêu” rất nhẹ mà đến một thanh niên cũng phải bất tỉnh, vội vàng cho đi cấp cứu. Thế thì ông Sơn mà “dạy trẻ con” kiểu ấy thì chắc chắn nhiều đứa trẻ sẽ mất mạng chứ chẳng chơi. Nếu không tin được vào cả hai giả thuyết ấy, thì ông Sơn là người chỉ nói dối được với trẻ con.

Quyền của người giàu

Ngay sau khi ông Sơn “đánh nhẹ” nhân viên của sân golf Tam Đảo, được báo chí phản ảnh thì dư luận đặt ra câu hỏi, một cán bộ công ích nhà nước thì lấy đâu ra tiền mà thường xuyên đi chơi golf. Thậm chí, nhiều người không biết rằng chẳng những thường xuyên đi chơi golf mà ông Sơn còn là khách VIP của sân golf 18 lỗ vào loại cao cấp này.

Ai cũng biết rằng, chơi golf là môn thể thao xa xỉ. Người có tiền chưa hẳn có thể đu theo được môn thể thao này mà phải là đại gia chính hiệu. Mà có khi đại gia có tiền cũng chưa chắc đã chơi được golf mà phải có thời gian. Vì chơi golf còn gắn liền với các hoạt động khác như giao lưu, ăn uống, nghỉ dưỡng… Vậy thì, đại gia của một công ty nhà nước cỡ ông Sơn, xem ra rất phù hợp với môn thể thao này.

Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) thì việc ông Sơn dùng gậy đánh vào đầu nhân viên là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Tuy nhiên, không rõ anh nhân viên trên có bị thương tật gì không, tỷ lệ tổn hại sức khỏe là bao nhiêu phần trăm. “Nếu thương tích từ 11% trở lên sẽ đủ điều kiện để xử lý hình sự, tuy nhiên với tội danh này, CQĐT chỉ khởi tố khi bị hại có yêu cầu” – LS Tiến cho hay.

Sau sự việc này, nhiều người bắt đầu hỏi “Ông Nguyễn Đức Sơn là ai?”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Sơn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Làm cán bộ quản lý của một công ty 100% vốn nhà nước thì ông Sơn có phải là đại gia không?

Nhìn vào bảng giá của sân golf Tam Đảo sẽ trả lời được câu hỏi này. Mỗi lần chơi ở sân golf Tam Đảo, người chơi lẻ cũng phải mất 82USD (hơn 1,6 triệu đồng) vào ngày thường, 172USD (hơn 3,5 triệu đồng) vào ngày Chủ nhật. Phí hội viên 25 năm là 38.000 USD, 48 năm 74.000USD (tương đương hơn 1,5 tỷ đồng) cùng phí bảo dưỡng bắt buộc là 17 triệu đồng/năm.

Còn các nhân viên caddie ở sân golf thu nhập bao nhiêu một tháng? Theo chúng tôi được biết thì nếu mới vào học việc họ được trả khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Còn nếu làm lâu có thể là 4 - 5 triệu đồng/tháng sau đó có thể cao hơn nhưng không quá 2 ngày chơi golf của khách. Mức lương đó với một người lao động ở quê là đủ ăn, thậm chí là vào mức khá. Còn ở thành phố người ta gọi với cái tên nhẹ nhàng và “văn học” hơn, là lao động thu nhập thấp. Nhưng dù sao, trong thời buổi kinh tế khó khăn này, có công ăn việc làm và có thu nhập, dù là thu nhập thấp cũng là quý đối với đại đa số người dân rồi.
img
Trở lại sự việc, ông Sơn trong lúc cay cú, tuy chỉ mới “đánh nhẹ” mà nhân viên đã lăn đùng ra bất tỉnh sau đó vội vã đưa đi viện cấp cứu, rồi vội vã “nhét” cho gia đình 5 triệu đồng để làm đơn bãi nại cho ông thì thực tình 5 triệu đồng để giúp ông Sơn hả giận trong chốc lát thì với một đại gia quả là mức giá quá rẻ. Nhưng với người lao động thu nhập thấp thì đó là mức bồi thường chấp nhận được cho một cái “đánh nhẹ” vào trán đến bất tỉnh.

Đối với họ 5 triệu là cả một tháng dầm mưa, dãi nắng nhưng với cá nhân ông Sơn thì số tiền đó chưa hẳn đủ cho một ngày chơi golf. Người có tiền thì bao giờ cũng chọn cách giải quyết mọi việc bằng tiền. Gia đình nạn nhân chấp nhận cách giải quyết nhanh chóng, gọn nhẹ của ông Sơn có lẽ cũng muốn mọi chuyện không bị đẩy đi quá xa, nhưng dư luận lại đặt ra rất nhiều câu hỏi sau cái chuyện “bé” này, đó là tiền, là thời gian, là lối hành xử của một vị cán bộ nhà nước.

Ngày 24.9, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu ông Sơn phải giải trình việc lùm xùm của ông ở sân golf Tam Đảo. Nhiều người còn muốn ông Sơn sẽ trả lời việc ông lấy tiền đâu ra để thường xuyên đi chơi golf. Chẳng mấy ai tin hay hy vọng gì vào kết quả của việc giải trình vốn dĩ cho có thủ tục này. Còn cá nhân ông Sơn, dù ban quản lý sân golf Tam Đảo có “cắn răng” truất quyền chơi golf của ông trong thời gian một năm thì ông cũng giận mà bảo “sẽ không bao giờ chơi golf ở đó nữa”.

Đất nước chúng ta có hàng trăm sân golf, thiếu gì chỗ cho các đại gia “đốt tiền” đâu riêng gì Tam Đảo mà cấm ông chứ? Làm đại gia nhà nước quả là sung sướng thật!
Thảo Linh (Dòng Đời) (Thảo Linh (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem