Hậu dịch tả lợn châu Phi: Giảm đàn lợn, tăng đàn gà, thủy sản

Phương Thảo Thứ tư, ngày 28/08/2019 15:43 PM (GMT+7)
Dịch tả lợn châu Phi không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân mà nếu không tính toán kỹ, không có những giải pháp tổng thể sẽ ảnh hưởng ngay đến giỏ thực phẩm cuối năm. Phải tính toán lại chiến lược chăn nuôi, xoay trục từ cơ cấu 70% là thịt lợn sang phát triển gia cầm, đại gia súc, thủy sản...
Bình luận 0

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường bên lề Hội nghị phổ biến Hiệp định tự do Thương mại EVFTA về những cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong số các mặt hàng thực phẩm, tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn vào thời gian cao điểm chiếm tới 70%.

Dịch tả lợn Châu Phi kéo dài trong thời gian vừa qua, với diễn biến phức tạp và hiện chưa có dấu hiệu bị khống chế, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của người chăn nuôi, tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi mà còn đe dọa đến giỏ thực phẩm khi những ngày cuối năm đang cận kề.

Thường những ngày cuối năm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng rất nhanh, đặc biệt là thịt lợn. Nếu chúng ta không có tính toán kỹ, không triển khai các giải pháp đồng bộ thì sẽ mất cân đối cung cầu.

img

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần triển khai các giải pháp đồng bộ không để khan hiếm thực phẩm dịp cuối năm.

Đứng trước tình hình đó, ngay từ khi mới xảy ra dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Quan trọng nhất là phát triển, đẩy mạnh các nhóm thực phẩm thay thế thịt lợn như nhóm thực phẩm gia cầm, đại gia súc và thủy sản. Hiện nhóm thực phẩm gia cầm đã tăng lên 12%, có thể thấy khá cao so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Để đảm bảo ổn định thị trường, không trượt từ rủi ro này tới rủi ro khác thì khi mở rộng sản xuất, khâu quan trọng trước tiên là phải chú ý đến vấn đề bảo đảm dịch bệnh và cân đối thị trường ngay từ khâu sản xuất.

Không thể cứ ồ ạt sản xuất, rồi từ vấn đề dự báo quý IV thiếu thực phẩm dẫn đến ế, dư thừa…

Song song với đó, cùng với việc quyết liệt dập dịch bùng phát, lây lan và khống chế, khi điều kiện cho phép phải tính vấn đề tăng đàn trở lại để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

img

Phải tính toán lại chiến lược chăn nuôi, xoay trục từ cơ cấu 70% là thịt lợn sang phát triển gia cầm, đại gia súc, thủy sản...

Đặc biệt trong 10 năm tới đây, phải tính toán lại chiến lược chăn nuôi, xoay trục từ cơ cấu 70% là thịt lợn sang phát triển gia cầm, đại gia súc, thủy sản... và phải tính câu chuyện bền vững hơn về mặt thị trường, dịch tễ, bảo vệ môi trường…

Cơ cấu nhóm thực phẩm khác phải tính toán tương thích. Ví dụ nhóm gia cầm phải đẩy mạnh, nhóm thủy sản phải chế biến, quảng bá làm sao hướng tiêu dùng nhiều hơn. Một cường quốc về thủy sản nhưng tiêu thụ trong nước lại yếu là một thực tế đang diễn ra…

 “Cùng với các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, tổng thể, chúng ta hy vọng trong thời giai tới đây không để xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm vào giai đoạn cuối năm, quan trọng hơn nữa là tạo ra các nhóm giải pháp mới thúc đẩy phát triển sản xuất cân bằng hơn, bền vững hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Hiện, cả nước đã có khoảng 4 triệu con lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi. Nguồn cung cuối năm dự báo thiếu hụt khoảng 0,5 triệu tấn thịt lợn, tương đương 20% nhu cầu và giá có thể tăng lên 60.000 đồng/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem