Hầu hết thủy điện chưa được cấp phép

Thứ hai, ngày 18/04/2011 15:11 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chế độ vận hành của các nhà máy thủy điện đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường, gây thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số khu vực trong mùa khô.
Bình luận 0

Bà Trần Thị Huệ - Trưởng phòng quản lý, quy hoạch và khai thác tài nguyên nước (Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trao đổi với NTNN xung quanh tình trạng tranh chấp nguồn nước và công tác quản lý trên lĩnh vực tài nguyên nước mà NTNN đã có loạt bài phản ánh trong tuần qua.

Tại sao ngày càng xảy ra nhiều vụ tranh chấp nguồn nước giữa người dân, doanh nghiệp và các nhà máy thuỷ điện, thưa bà?

- Việc xây dựng, vận hành ở hầu hết các hồ chứa vừa và nhỏ, đặc biệt là các hồ thủy điện thời gian qua cho thấy chủ công trình mới chỉ chú trọng chủ yếu đến các nhiệm vụ phát điện mà chưa quan tâm đầy đủ đến nhiệm vụ điều tiết nước, bảo đảm các nhu cầu sử dụng nước, duy trì dòng chảy, bảo vệ môi trường ở dưới hạ du; chưa bảo đảm sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu, đạt hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội và môi trường.

img
Sông Tranh (sông Thu Bồn chảy qua huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) trơ đáy khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước.

Đặc biệt, phần lớn các công trình thủy điện vừa và nhỏ, không có giải pháp kỹ thuật (cống, tràn xả sâu...) để bảo đảm xả nước duy trì dòng chảy tối thiểu cho hạ du trong mùa cạn, vì vậy thường tạo ra các đoạn sông "sông chết" sau đập.

Thêm vào đó, chế độ vận hành của các nhà máy thủy điện (phát điện vào giờ cao điểm, ngừng phát điện vào giờ thấp điểm) đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường, gây thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số khu vực trong mùa khô, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

img
Bà Trần Thị Huệ - Trưởng phòng quản lý, quy hoạch và khai thác tài nguyên nước (Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Thiết kế kỹ thuật, chế độ vận hành nhà máy thuỷ điện và tình trạng phá rừng làm mất nguồn sinh thuỷ đã dẫn đến việc tranh chấp nguồn nước như các vụ việc đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Thưa bà, giữa sản xuất nông nghiệp và phát điện, nguồn nước cần ưu tiên cho lĩnh vực nào?

- Sản xuất nông nghiệp và phát điện thuộc hai lĩnh vực khác nhau nhưng đều rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Nước ta là nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, nhu cầu về nước cho nông nghiệp là rất lớn nhằm bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Thực tế đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, nhất là Bộ NNPTNT và Công Thương trong việc tích nước cho thủy điện và lấy nước cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vào thời điểm phát điện. Việc vận hành các hồ, đập, công trình thuỷ điện vừa qua thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý về điện và cơ quan quản lý về thuỷ lợi. Ngay khâu quy hoạch cũng có tình trạng chồng chéo dẫn đến tranh chấp.

Vậy sự tham gia của cơ quan quản lý tài nguyên nước trong việc này đến đâu?

- Hầu hết các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện từ lớn tới nhỏ đã và đang đưa vào vận hành trong thời gian qua đều chưa được cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) theo quy định. Chính vì vậy, quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện thiếu sự tham gia chặt chẽ của cơ quan quản lý tài nguyên nước.

Cục Quản lý tài nguyên nước (QLTNN) chịu trách nhiệm cấp phép cho các nhà máy thuỷ điện. Nhưng thời gian qua, nhiều hồ sơ đưa đến để Cục xem xét cấp phép thì nhà máy đã và đang xây dựng rồi. Đáng lẽ ra, Cục phải được tham gia ngay từ khâu thẩm định, nhất là thẩm định các thông số kỹ thuật, trong đó có lưu lượng xả; đánh giá tác động môi trường. Ngay Nhà máy thuỷ điện An Khê-Kanak (Gia Lai) khi xây dựng cũng chưa xin phép Cục QLTNN.

Với tình trạng các nhà máy thuỷ điện xây không phép như vậy, Bộ TNMT, Cục QLTNN xử lý thế nào?

- Bộ TNMT đã có ý kiến quyết liệt về vấn đề này với các bộ, ngành và các địa phương có liên quan. Bộ cũng chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước trực tiếp thanh tra, kiểm tra, xử phạt, hướng dẫn các địa phương thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ khai thác các nguồn tài nguyên và môi trường các hồ chứa.

Bộ TNMT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ 5 hồ chứa trên lưu vực sông Ba, tiếp tục hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San, Srê-Pốk để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi xây dựng gần đây đều có ý kiến tham gia của Bộ TNMT, có sự thẩm định, cấp phép của Cục QLTNN...

Xây dựng nhà máy thủy điện không phép, nhưng khi xảy ra tranh chấp nguồn nước thì cơ quan nào đứng ra làm trọng tài giải quyết, thưa bà?

- Theo Luật Tài nguyên nước, với các công trình thuỷ điện do tỉnh cấp phép, khi xảy ra tranh chấp nguồn nước thì UBND tỉnh chủ trì, các Sở Công Thương, TNMT, NNPTNT phối hợp giải quyết. Ở mức độ lớn hơn, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước giữa các bộ, ngành, giữa các bộ, ngành với các UBND các tỉnh và giữa các tỉnh với nhau.

Vừa qua, Chính phủ giao cho Bộ TNMT giải quyết một số vụ tranh chấp nguồn nước trên sông Vu Gia giữa Nhà máy thuỷ điện Đăk Min 4 xây dựng ở Quảng Nam với chính quyền, người dân thành phố Đà Nẵng; vụ tranh chấp giữa công trình thuỷ điện La Ngâu và công trình thuỷ điện La Ngà trên sông La Ngà...

Trong thời gian qua, khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép nhà máy thuỷ điện, Bộ TNMT đều có yêu cầu chủ đầu tư bổ sung thiết kế cống xả dòng chảy tối thiểu cho hạ du, phê duyệt quy trình vận hành cống xả tối thiểu này. Bộ cũng khuyến cáo các chủ đầu tư không nên thi công tích nước trong mùa khô, nếu có tích nước thì phải duy trì dòng chảy tối thiểu về phía hạ du...

Thưa bà, Luật Tài nguyên nước (1998) liệu có giải quyết được những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực tài nguyên nước trong thời gian vừa qua?

- Qua thời gian thực hiện Luật Tài nguyên nước từ năm 1999 đến nay cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy tác dụng điều chỉnh trong thực tế và đang được sửa đổi, bổ sung.

img Hầu hết các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện từ lớn tới nhỏ đã và đang đưa vào vận hành trong thời gian qua đều chưa được cấp phép của Bộ TNMT theo quy định. Chính vì vậy, quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện thiếu sự tham gia chặt chẽ của cơ quan quản lý tài nguyên nước. img

Để công tác quản lý tài nguyên nước có hiệu quả hơn, Luật Tài nguyên nước đang được Bộ TNMT sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện. Các quy định về quy hoạch tài nguyên nước nêu rõ: Quy hoạch các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng tài nguyên nước...

Các quy định về bảo vệ tài nguyên nước cần nhấn mạnh đến việc duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông và phòng, chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước cần đặc biệt chú trọng bổ sung về điều hòa, phân bổ nguồn nước và quản lý các công trình khai thác, sử dụng nước, đặc biệt là các công trình đã và đang tồn tại.

Và còn một điều không thể thiếu, đó là quy định việc giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước, tạo tiền đề, cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp ở các văn bản dưới luật trong những năm tiếp theo.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem