Hậu Lê Hùng Dũng, Eximbank vẫn chưa thoát khủng hoảng, sóng ngầm chưa dứt

Trần Giang Thứ năm, ngày 29/03/2018 09:31 AM (GMT+7)
Một kịch bản tương tự lại xảy ra trong cuộc họp đại hội cổ đông năm nay của Eximbank, giống như trong năm 2017: chọn thêm thành viên vào HĐQT. Như vậy, nhiều năm sau khi ông Lê Hùng Dũng rời Eximbank, ngân hàng này vẫn chưa ổn định xong nhân sự. Sóng ngầm vẫn diễn ra và chưa thoát khỏi khủng hoảng.
Bình luận 0

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank- mã chứng khoán EIB) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2018 vào ngày 27.4 tới. Một nội dung được quan tâm, đó là bầu bổ xung thêm 2 nhân sự vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Hiện tại, Eximbank đang có 9 thành viên HĐQT, tăng số thành viên HĐQT quản trị lên 11 người trong nhiệm kỳ 2015-2020 - công việc mà trong nhiều đại hội thường niên và bất thường trước đó đã thực hiện nhưng bất thành.

Sóng ngầm chưa dứt

Còn nhớ, tại ĐHĐCĐ năm 2017, Eximbank cũng tiến hành bầu thêm 3 đại diện để nâng tổng số thành viên HĐQT lên 11 người cho nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy nhiên, cuộc chiến khốc liệt giữa các phe phái khiến chỉ có 1 người trúng cử là ông Yutaka Moriwaki, với tỷ lệ không cao như thường thấy: chỉ hơn 55%.

Như vậy, kể từ ĐHCĐ 2015 của Eximbank (hồi cuối tháng 7.2015) khi mà cựu chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank luôn nóng bỏng. Các nhóm cổ đông vẫn chưa tìm được sự đồng thuận trong vấn đề lựa chọn người vào HĐQT.

img

Eximbank vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng và sóng ngầm nhân sự (Ảnh: IT)

Trong năm 2016, Eximbank đã 2 lần tổ chức đại hội cổ đông nhưng đầu không xuôi đuôi không lọt. Cả 2 lần đại hội của ngân hàng này kết thúc trong bế tắc và cuộc chiến quyền lực “hậu Lê Hùng Dũng” vẫn chưa được định đoạt rõ ràng.

Công ty Âu Lạc được thành lập từ ngày 4.9.2002 với các hoạt động chính là kinh doanh vận tải nhiên liệu đường thủy nội địa, ven biển và viễn dương; dịch vụ hàng hải - kinh doanh vận tải biển, đại lý tàu biển, dịch vụ đại lý vận tải biển, hoạt động của các đại lý làm thủ tục hải quan và các hoạt động khác có liên quan.

Công ty Âu Lạc không có một cổ phiếu nào của Eximbank và Eximbank không có sở hữu một cổ phần nào của Âu Lạc. Ngày 30.6.2015, Âu Lạc vay ngắn hạn 37,62 tỷ đồng và 1.727.803 USD (38,9 tỷ đồng) với hình thức bảo đảm là tín chấp, lãi suất chỉ 3%/năm, ngày đáo hạn từ ngày 5.9-28.11.2015.

Năm nay, Eximbank lại tiếp tục vấn đề nhân sự, bầu thêm 2 người vào HĐQT. Hiện HĐQT Eximbank có 9 thành viên bao gồm: ông Lê Minh Quốc (Chủ tịch HĐQT), ông Đặng Anh Mai (phó chủ tịch), ông Yasuhiro Saitoh (phó chủ tịch), ông Cao Xuân Ninh, ông Nguyễn Quang Thông, Hoàng Tuấn Khải, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Yutaka Moriwaki.

Điểm đáng lưu ý trong cơ cấu cổ đông của Eximbank cho thấy, ngân hàng này có cơ cấu cổ đông cá nhân chiếm đa số và chủ yếu là dưới 5%. Cụ thể, cơ cấu cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ chiếm 76,81%, trong đó cổ đông cá nhân chiếm đến 33,08%.

Trong cuộc chiến nhân sự tại Eximbank, một công ty được nhắc đến đó là Công ty CP Âu Lạc do bà Ngô Thu Thúy làm Chủ tịch HĐQT. Hiện nay, bà Ngô Thu Thúy xuất hiện ở Eximbank với vai trò cố vấn cao cấp HĐQT Eximbank, tham gia góp ý cho chiến lược phát triển của ngân hàng này.

HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) hiện tại có đến 2 người đến từ Công ty Âu Lạc gồm ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng. Trong đó, ông Lê Minh Quốc đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT.

Không chỉ lao đao vì sóng ngầm nhân sự, gần đây, Eximbank liên tục đối mặt với các thông tin bất lợi. Trong đó, có vụ khách hàng VIP là bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ ở Eximbank chi nhánh TP.HCM. Vụ kiều nữ 8x rút ruột 50 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank Đô Lương (Nghệ An) cũng khiến uy tín của ngân hàng bị suy giảm.

Trong cả 2 vụ tiền của người gửi bị “bốc hơi” vì sự biển thủ, chiếm đoạt của cán bộ nhân viên Eximbank, người gửi tiền vẫn chưa rút được tiền và phải chờ phán quyết của tòa.

Trái ngược với sự sôi động của thị trường chứng khoán nói chung và nhóm ngân hàng nói riêng, cổ phiếu EIB của Eximbank liên tục giảm mạnh. Vốn hóa EximBank bốc hơi khoảng 2,5 ngàn tỷ đồng trong hơn 1 tháng qua. Trong phiên 26.3, cổ phiếu EIB giảm hơn 4,4%, xuống 14.100 đồng/cổ phiếu.

Kinh doanh chưa thoát khỏi khủng hoảng

Bên cạnh khủng hoảng là sự tụt dốc trong hoạt động kinh doanh của Eximbank. Từ một ngân hàng top đầu, thuộc “câu lạc bộ ngàn tỷ” về lợi nhuận, Eximbank chứng kiến lợi nhuận tụt giảm, thậm chí thua lỗ.

Trong đó, 2016 là năm khó khăn nhất bởi lợi nhuận chỉ hoàn thành khoảng 40% kế hoạch năm. Trong khi, lợi nhuận năm 2014 và 2015 của Eximbank bị điều chỉnh hồi tố từ lãi xuống lỗ hơn 800 tỷ đồng nên cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4.2016.

Nếu tính về hoạt động, Eximbank bắt đầu rơi vào khủng hoảng từ 2011 với tổng sản sản tụt giảm liên tục từ hơn 180 ngàn tỷ đồng xuống còn 160 ngàn tỷ đồng vào cuối 2014 và tới 2015 còn 126 ngàn tỷ đồng.

img

Tình hình hoạt động kinh doanh của Eximbank theo chiều hướng đi xuống được cho là do mẫu thuẫn giữa các nhóm cổ đông sau khi ông Lê Hùng Dũng từ nhiệm. Xung đột khiến việc xây dựng các chiến lược kinh doanh dài hạn khó thực thi. Tái cơ cấu nhân sự cao cấp là vấn đề sống còn với ngân hàng này, nhưng rất khó giải quyết.

Cuộc tranh giành quyền lực tại Eximbank bắt đầu từ năm 2015 được cho là xuất phát từ sự liên minh giữa các nhóm cổ đông.

Trước đó, giới đầu tư còn chứng kiến một thế lực tham gia vào Eximbank sau tin đồn Eximbank sáp nhập với NamABank. Tại ĐHĐCĐ năm 2015, NamABank cũng đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank.

Các lãnh đạo Eximbank hiện tại hầu hết không nắm giữ hoặc sở hữu rất ít cổ phiếu EIB, mà là đại diện cho phần vốn của các cổ đông khác. Theo báo cáo 2017, cổ đông lớn nhất của Eximbank hiện là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) với 15% vốn, đại diện là ông Yutaka Moriwaki; Vietcombank nắm giữ 8,19% vốn (Trần Lê Quyết đại diện); VOF gần 5%..

Trong năm 2017, hoạt động của Eximbank ấm áp trở lại theo sự khởi sắc chung của hệ thống ngân hàng nhờ nợ xấu được xử lý ráo riết với các chính sách hỗ trợ tích cực, tín dụng cho nền kinh tế tăng mạnh... Giá cổ phiếu trên TTCK tăng cao khiến vụ thoái vốn khỏi Sacombank cũng giúp EIB mang về khoản lãi 500 tỷ đồng.

Ở thời điểm hiện tại, theo đánh giá của BVSC: tất cả các tài sản xấu nhất của Eximbank đã được phơi bày, nên nếu thu hồi được nợ xấu theo kế hoạch, ngân hàng có thể ghi nhận một số khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro đáng kể.

Với đà tăng trưởng tín dụng mạnh chung trên toàn hệ thống và kế hoạch trung bình 20% của riêng mình, EIB được dự báo sẽ thu được những kết quả hoạt động tốt trong năm 2018.

Để có thể hồi phục và phát triển mạnh trở lại, Eximbank phải thực hiện xong tái cơ cấu lãnh đạo cao cấp, ổn định lại các nhóm cổ đông trong ngân hàng. Đây làmục tiêu quan trọng nhất tại đại hội cổ đông 2018. Eximbank cần một dàn lãnh đạo mới gắn bó hơn để bước qua giai đoạn khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem