Hậu thuẫn cho ngư dân: Nghĩa vụ thiêng liêng

Thứ bảy, ngày 25/08/2012 20:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngư dân, tàu và lưới của họ chính là những cột mốc biên giới trên biển. Ngư dân có quyền được sức mạnh của đất liền bảo vệ, có quyền đòi hỏi sự hậu thuẫn về tinh thần và vật chất xứng đáng...
Bình luận 0

Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển chủ quyền của Việt Nam là lãnh hải thiêng liêng cha ông đã từ xa xưa quản lý và để lại cho con cháu chúng ta, là tài sản quốc gia với cá với dầu và những đặc quyền kinh tế khác.

Sự có mặt của người Việt là liên tục và đương nhiên. Ngư dân, xưa cũng như nay, chính là những chủ nhân góp sức thực thi chủ quyền bất khả xâm phạm ấy. Nói bằng hình ảnh nhưng chính xác trăm phần trăm, ngư dân, tàu và lưới của họ chính là những cột mốc biên giới trên biển. Ngư dân có quyền được sức mạnh của đất liền bảo vệ, có quyền đòi hỏi sự hậu thuẫn về tinh thần và vật chất xứng đáng với những đóng góp hy sinh vô giá của mình.

img
Kéo cá trên biển Hoàng Sa

Những ngày gần đây, Trung Quốc tiếp tục bộc lộ mưu đồ độc chiếm Biển Đông, đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, mời đấu thầu trên biển của láng giềng. Tàu “hải giám” của Trung Quốc ngang nhiên diễu võ giương oai ở Biển Đông... Nhân dân cả nước đang hướng về biển đảo, trước hết, về những con người đang thực thi quyền làm chủ thiêng liêng, sẵn sàng trả giá bằng tài sản và cả mạng sống của mình. Những đóng góp tới tấp gửi về, nào tiền, nào gạo, nào máy móc, vật tư... làm chúng ta cảm động.

Nhưng không được quan niệm đó là nghĩa cử từ thiện. Cũng không phải truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Mà là nghĩa vụ thiêng của mỗi người dân, cuộc bảo vệ Tổ quốc có tính nhân dân truyền thống, ai có gì đóng góp nấy cho Tổ quốc khi hữu sự.

Nghĩa vụ là trách nhiệm, ràng buộc thiêng liêng không thể chối từ. Như hình tượng “hũ gạo kháng chiến” ngày trước, ngọn gió dù nhỏ nhưng biết góp lại cũng thành bão. Chính phủ cần có chính sách mạnh hơn hỗ trợ ngư dân, thành pháp lệnh về trách nhiệm, nghĩa vụ của đất liền cả nước với ngư dân, chứ không thể chỉ trông mong vào lòng “từ thiện” được chăng hay chớ.

Nước láng giềng có cả một quốc sách cho việc xâm lấn, đang gây khó muôn bề và lâu dài cho ngư dân trên chính ngư trường của họ, thì tại sao chúng ta không có “quốc sách” đáp lại bằng sự hỗ trợ có tính pháp lệnh đối với ngư dân vốn đang rất nghèo của ta?

Pháp lệnh ấy phải huy động được tiềm lực đất liền để duy trì được sự có mặt của ngư dân trên vùng biển của ta. Phải huy động được sức mạnh nhân dân, tiềm lực quốc gia có hiệu quả và liên tục để bảo vệ và phát triển nghề cá truyền thống cũng như công cuộc khai thác tài nguyên trong vùng biển đặc quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem