Hé lộ "báu vật" trong hai ngôi mộ cổ tại Ciputra

Thứ tư, ngày 20/04/2011 10:34 AM (GMT+7)
Trong ngôi mộ bé phát hiện năm hiện vật gốm, trong đó có một chiếc bình rất đẹp hình đầu gà (thấy rõ mắt, mào, đuôi) và bốn chiếc bát gốm. Trong mộ lớn còn phát hiện được khoảng 40 viên gạch rìa cạnh có chữ Hán...
Bình luận 0
 img
Hai ngôi mộ cổ thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6

Sau hơn 10 ngày khai quật, Viện khảo cổ thu được 28 hiện vật ở mộ lớn và năm hiện vật ở mộ nhỏ. Các hiện vật chủ yếu là đồ gốm; chín chiếc đinh sắt đã bị gỉ; một số hạt thóc, gạo cháy... Cả hai ngôi mộ đều không hề có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt người do có thể đã bị tiêu hết. Một bát đồng rất mỏng đã bị vỡ nát, một hạt chuỗi bằng thủy tinh màu xanh, một phiến đá dẹt hình chữ nhật vuông vắn màu xanh nhạt, mà theo nhà thạch học Lê Thị Thu Hương thuộc loại đá phiến xanh.

Đặc biệt ở lớp bùn đáy mộ lớn, phát hiện một lớp gạo, thóc cháy. Trong hai chiếc bát cổ cũng còn lại các hạt gạo và thóc đã cháy đen lẫn trong trầm tích. Ths Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Khảo cổ học đang tiến hành nghiên cứu các hạt thóc gạo trên bằng phương pháp sàng nước, quan sát các đặc điểm và chụp ảnh những mẫu hạt thu được dưới kính lúp với độ phóng đại lớn. Qua kết quả đo đạc ban đầu thì các hạt thóc, gạo này thuộc dạng hạt bầu đến tròn (tỉ lệ dài/rộng 1,7 - 2,5mm).

Trong ngôi mộ bé phát hiện năm hiện vật gốm, trong đó có một chiếc bình rất đẹp hình đầu gà (thấy rõ mắt, mào, đuôi) và bốn chiếc bát gốm. Trong mộ lớn còn phát hiện được khoảng 40 viên gạch rìa cạnh có chữ Hán.

Theo phỏng đoán của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, những chiếc đinh trong ngôi mộ lớn có thể là đinh đóng quan tài. Với ngôi mộ nhỏ, có thể quan tài được làm từ thân cây nên không có đinh.

PGS TS Nguyễn Lân Cường cho rằng: "Dựa vào cấu trúc mộ, các hiện vật chôn theo, hai ngôi mộ thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6, mộ lớn có sớm hơn ngôi mộ bé một chút. Hai ngôi mộ được xây theo phong cách Hán, niên đại vào thời Bắc thuộc, nhưng chủ nhân của chúng không loại trừ có thể là người Việt. Quý nhất trong lần khai quật này là chiếc bình đầu gà bằng gốm rất đẹp còn rõ cả mào, mắt và đuôi gà".

Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc vì có thể ngay sau khi xuất lộ, một số hiện vật khác cùng bài vị trong ngôi mộ đã bị mất vì thế không xác định được danh tính người được chôn trong mộ.

Cách hai ngôi mộ cổ không xa, chiều 14.4, đơn vị thi công đường giao thông nội bộ khu đô thị Ciputra tiếp tục phát hiện một chiếc giếng cổ giống như các giếng được phát hiện trong Hoàng thành Thăng Long. Máy xúc đã làm bạt hơn một mét phía trên song thân giếng phía dưới vẫn còn khá nguyên vẹn. Đến chiều 18.4, đào sâu thêm hơn 2m, cán bộ Viện khảo cổ vẫn chưa khám phá hết thân giếng. Cũng theo ông Cường, nhiều khả năng giếng có cùng niên đại với hai ngôi mộ.

Ông Cường nói: "Bên dưới khu vực mộ và giếng cổ còn những quần thể di tích, rất có thể là cả một ngôi làng ven sông Hồng. Ở nước ngoài, khi gặp được những công trình quý báu này, người ta thường giữ nguyên hiện trường, bảo tồn tại chỗ, quây hàng rào để người dân có thể chiêm ngưỡng.

Đối với chiếc giếng, hiện Bảo tàng Hà Nội đã có kế hoạch di dời về khuôn viên Bảo tàng. Còn lại, nhiều khả năng sau khi kết thúc thời gian khai quật với hai ngôi mộ (vào hôm nay 20-4), đơn vị thi công sẽ tiếp tục san phẳng và đặt ống cống. Theo suy đoán, người thợ xây nên các kiến trúc mộ táng này có thể cũng chính là người Việt Nam.

Theo PL&XH
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem