Hé lộ góc khuất cuộc sống của những người đứng sau máy quay

Thứ sáu, ngày 24/09/2021 10:05 AM (GMT+7)
Lao động gần 14 tiếng mỗi ngày, thường phải bỏ bữa trưa, thức xuyên đêm, suy nhược cơ thể... là cuộc sống của những người đứng sau máy quay.
Bình luận 0

Theo Daily Beast, những người làm công việc sau máy quay ở Hollywood như điều phối kịch bản, trợ lý biên kịch, trợ lý của nhà sản xuất, trợ lý sản xuất phim... thường nhận mức lương hàng năm dưới 50.000 USD.

Với thu nhập thấp, họ phải sống tằn tiện mới đủ chi phí ăn uống, sinh hoạt, tiền thuê nhà trên đất Mỹ. Hơn 1.516 người làm việc ở hậu trường cảm thấy bất công vì lương thấp nhưng lịch làm việc dày đặc và yêu cầu chuyên môn cao.

Một điều phối viên trên phim trường Hollywood chia sẻ: "Điều khiến tôi bực mình nhất là làm việc điên cuồng bất kể ngày đêm chỉ vì yêu cầu phát sinh của các bên. Họ không coi tôi là con người mà là cỗ máy luôn sẵn sàng phục vụ 24/7".

Không có thời gian cho hạnh phúc riêng

Trong chương trình podcast Scriptnotes, nhà biên kịch John August đã hé lộ sự thật bạc bẽo về nghề đứng sau máy quay. Ông nói đa số trợ lý sản xuất, điều phối kịch bản ngày nay được trả lương thấp và cần ít nhất 10 năm mới có cơ hội thăng tiến.

Sau tập này, hàng loạt trợ lý Hollywood đã kể lại câu chuyện của mình và sử dụng hashtag #IASolidarity, #IALivingWage để lan tỏa thông tin trên Twitter.

Cùng thời điểm, Liz Alper và Deirdre Mangan - hai biên kịch truyền hình đi lên từ vị trí trợ lý đạo diễn - tạo ra hashtag #PayUpHollywood, thu hút 1.516 trợ lý Hollywood lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng cho mình.

Hầu hết người được khảo sát tâm sự rằng họ đã bỏ qua những cột mốc quan trọng nhất cuộc đời vì áp lực công việc quá lớn, song đồng lương thì chẳng bao nhiêu. Họ chọn sống độc thân và không sinh con vì tình hình kinh tế eo hẹp.

Hé lộ góc khuất cuộc sống của những người đứng sau máy quay - Ảnh 1.

Nhân viên hậu kỳ tập trung cho một cảnh quay của phim The Queen's Gambit. Ảnh: Lostfilm.

Một trợ lý sản xuất có 10 năm kinh nghiệm trao đổi với Daily Beast rằng cô lên kế hoạch tạo dựng sự nghiệp ở tuổi 20 và sau đó mới kiếm bạn trai. Tuy nhiên, cô đã bỏ ý định vì mỗi tháng còn phải canh cánh nỗi lo tiền nhà.

"Với thu nhập của tôi, tiền thuê nhà đã khó chứ chưa bàn tới việc tậu căn hộ ở Los Angeles. Hơn nữa, tính chất công việc của tôi bận đến nỗi không thể gặp gỡ hay hẹn hò với ai", cô trải lòng.

Trợ lý biên kịch khác (cũng giấu tên) khóc trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phóng viên. Cô tủi thân khi nhắc chuyện kết hôn trong thời buổi công việc chất chồng.

Nhiều phụ nữ trong ngành được khuyên trữ đông trứng để chủ động thời điểm mang thai về sau, dù không biết phải đến khi nào. Nhưng theo một trợ lý sản xuất, để làm điều này cần ít nhất 10.000 USD - con số mà không phải ai cũng sẵn sàng chi ra.

Hoảng loạn và có ý định tự tử

Jayce Jurado - một phụ nữ người Mỹ gốc Philippines - cảm thấy như đã trút bỏ gánh nặng dù bị cho thôi việc sau 6 năm làm trợ lý sản xuất phim.

Hồi tưởng về chuỗi ngày "lao động không thấy ánh mặt trời" ở Studio71 - nơi cô chịu trách nhiệm chăm sóc cặp diễn viên Jake và Logan Paul, Jurado vẫn không khỏi ám ảnh.

Chuỗi ngày căng não đó, Jurado thường bỏ bữa trưa vì bị cấp trên biến thành công cụ sai vặt mọi lúc. Cô làm việc từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày, hầu như không ngủ đủ trong 3 tuần, khiến cơ thể bị suy nhược. Tính chất công việc phải ghi hình xuyên đêm và thường trở về nhà vào 15h ngày hôm sau, Jurado không thể nhớ nổi đã bao ngày cô chưa được tắm.

Hé lộ góc khuất cuộc sống của những người đứng sau máy quay - Ảnh 2.

Jayce Jurado - nhân vật không giấu tên khi trả lời phỏng vấn. Ảnh: Projectcasting.

"Tôi gần như ốm liệt giường trong nhiều tuần. Với một phụ nữ sống đơn độc trên đất Mỹ mà không ai chăm sóc, cảnh tượng đó quả thực đau lòng", Jurado tâm sự.

Khi Jurado bắt đầu bị hoảng loạn, bác sĩ đã kê cho cô thuốc chống trầm cảm. Sau hai năm dùng thuốc, cô trở nên phụ thuộc và bị ảnh hưởng đến tim, suýt tử vong.

"Tôi mệt đến mức không nói chuyện nổi. Bác sĩ liên tục hỏi tôi có ổn không nhưng tôi chẳng thốt ra được một lời nào. May mắn rằng sau cùng tim của tôi cũng đã hồi phục", cô nhớ lại.

Công việc cuối cùng trước khi Jurado rời khỏi ngành giải trí là tại đài CBS, với mức lương 25 USD/giờ. Cô phải đối mặt với sếp luôn vắt kiệt sức lao động của nhân viên.

Theo khảo sát của Daily Beast, khoảng 20% những ông chủ làm việc trong hậu trường Hollywood cảm thấy không thoải mái khi nhân viên rời bàn làm việc để giải khuây. Và chủ của Jurado là một ví dụ.

Jurado đã bị chẩn đoán mắc rối loạn stress sau chấn thương (PTSD). Đó là hậu quả của chuỗi ngày lao động đầu tắt mặt tối. Cô hay lên cơn hoảng loạn vào buổi đêm, thậm chí nhiều lần muốn tự tử.

Hướng giải quyết

Theo Daily Beast, IATSE Local 871 (Liên minh quốc tế về nhân viên sân khấu) được thành lập như tổ chức đại diện cho các công việc hậu trường, gồm điều phối sản xuất, điều phối bộ phận kỹ thuật, trợ lý biên kịch, điều phối kịch bản...

Marisa Shipley - phó chủ tịch IATSE Local 871 - cho biết đơn vị hiện có khoảng 3.000 người tham gia. IATSE dự kiến sẽ tiếp tục thương lượng với Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình, đại diện cho các hãng phim, về một hợp đồng mới đảm bảo quyền lợi cho nhân viên.

Trong tuyên bố vào tháng 7, IATSE đã kêu gọi mức lương đủ sống, lương hưu và phúc lợi sức khỏe, cũng như điều kiện làm việc tốt hơn và "nghỉ ngơi hợp lý" cho thành viên đoàn phim.

“Quyền cơ bản của người lao động là nền tảng của sự thành công. Tất cả chúng tôi cam kết đấu tranh để tạo ra nơi làm việc nhân đạo và bình đẳng”, tuyên bố viết.

Mặt khác, một số trợ lý sản xuất đã kêu gọi sự vào cuộc của những biên kịch và người dẫn chương trình uy tín để tiếng nói của họ có sức nặng hơn.

"Không có lý do gì Ryan Murphys, Shondas hay tất cả những đạo diễn làm việc cho Netflix lại được mặc trang phục sang trọng, trong khi nhân viên của họ phải khổ sở với mức lương dưới ngưỡng trung bình ở California", một cựu trợ lý phát biểu.

Trong khi đó, một trợ lý có 8 năm kinh nghiệm chỉ yêu cầu quyền lợi cơ bản: "Tôi chỉ muốn có thời gian xả stress và tắm rửa sau khi xong việc".

Hé lộ góc khuất cuộc sống của những người đứng sau máy quay - Ảnh 3.

Các nhân viên trong ê-kíp In The Heights đang bàn luận cho một cảnh quay. Ảnh: Nycgo.

Theo ghi nhận của Daily Beast, Krystal Dinsberg thuộc số ít trường hợp thỏa thuận thành công mức lương cô mong muốn. Hiện tại, Dinsberg vừa đảm nhận vị trí tư vấn kinh doanh, vừa làm công việc sản xuất phim Hollywood.

Sau cái chết thương tâm của George Floyd, Dinsberg quyết định đưa nhiều hơn nữa những câu chuyện của người da đen lên màn ảnh, đặc biệt là trong các bộ phim hài.

Ngoài kinh nghiệm dày dặn, Dinsberg nhận ra rằng các mối quan hệ ở Hollywood thực sự quan trọng như thế nào. Nhờ vào lợi thế quen biết những người đầu ngành nên cô mới dễ thành công hơn đồng nghiệp.

Theo Quốc Minh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem