Hé lộ lý do Đạm Cà Mau (DCM) báo lãi quý III tăng gần 4 lần, cao nhất kể từ khi cổ phần hóa

27/10/2021 07:37 GMT+7
Đạm Cà Mau (DCM) ghi nhận lãi sau thuế trong quý III/2021 lên tới 374 tỷ đồng, cao gấp 3,7 lần kết quả cùng kỳ năm trước.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021. Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 1.812 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vốn hàng bán giảm 30% so sản lượng tiêu thụ giảm đồng thời giá các sản phẩm phân bón tăng cao trong quý III. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm ure tăng hơn 64% dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chi phí tăng không đáng kể nên quý III, Đạm Cà Mau lãi rò gần 374 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp kể từ khi cổ phần hoá (2015).

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng 14% đạt 6.048 tỷ đồng, khấu trừ chi phí DCM đạt lãi ròng 819 tỷ đồng, tăng 78% so với 9 tháng đầu năm ngoái. 

Hé lộ lý do Đạm Cà Mau (DCM) báo lãi quý III tăng gần 4 lần, cao nhất kể từ khi cổ phần hóa - Ảnh 1.

Nguồn Báo cáo tài chính quý III của Đạm Cà Mau

Năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu 7.839 tỷ đồng tổng doanh thu, hơn 197 tỷ đồng lãi sau thuế. Với gần 823 tỷ đồng lãi sau thuế quý III, Đạm Cà Mau đã vượt gấp hơn 4 lần chỉ tiêu lợi nhuận đề ra và đạt gần 81% kế hoạch doanh thu năm.

Về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản của công ty cuối quý III là 9.632 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm. Chỉ tiêu biến động mạnh là khoản tiền và tiền gửi có kì hạn tại ngày 30/9 là 4.075 tỷ, tăng gần 45% so với đầu năm và chiếm 42% tài sản.

Một chỉ tiêu khác biến động mạnh khi tăng 73% so với đầu năm là hàng tồn kho ghi nhận 1.446 tỷ đồng cuối tháng 9 và so với cuối quý II hàng tồn kho đã tăng tới 63%.

Nợ phải trả cũng tăng nhẹ từ mức 2.391 tỷ lên 2.968 tỷ đồng. Dù vậy, Công ty đã tiếp giảm phân nửa nợ vay ngắn hạn xuống 340 tỷ đồng và giảm vay dài hạn từ 137 tỷ xuống 36 tỷ đồng. Vốn chủ vào mức 6.664 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang có gần 674 tỷ đồng.

Thời gian qua, DCM hưởng lợi từ việc giá than tăng do tình trạng thiếu nguồn cung than tại Trung Quốc - liên quan đến việc quốc gia này đặt mục tiêu nền kinh tế cacbon thấp (decarbonization) và các vấn đề khác như lũ lụt nặng nề và tai nạn lao động tại mỏ than.

Dự báo cho quý IV, theo Công ty Chứng khoán SSI (SSI) thì tình trạng thiếu nguồn cung than sẽ mất thêm nhiều thời gian để giải quyết, qua đó giữ giá than tiếp tục neo ở mức cao như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhà máy Ure của DCM sẽ khấu hao hết vào cuối 2023, giúp tăng lợi nhuận ròng và trả cổ tức đáng kể sau đó.

Trên thị trường, cổ phiếu DCM đóng cửa phiên giao dịch 26/10 ở mức 31.800 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 300 đồng.


An Vũ
Cùng chuyên mục