Hệ lụy từ đầu tư ồ ạt nhà máy điện mặt trời

06/07/2019 17:40 GMT+7
“Sức nóng” từ điện mặt trời chưa bao giờ giảm, tuy nhiên việc nhiều nhà máy điện mặt trời vận hành cùng lúc trong thời gian qua đã khiến mạng lưới truyền tải điện quốc gia trở nên quá tải.

Gia tăng nhiều dự án nhà máy điện mặt trời khiến mạng lưới truyền tải điện quốc gia quá tải.

Quý II, số nhà máy điện mặt trời đã lên tới 81 nhà máy được đi vào vận hành, tăng 76 nhà máy so với quý I. Điều này đã gây nên tình trạng quá tải lưới điện quốc gia khiến nhiều nhà máy điện mặt trời bị yêu cầu phải cắt giảm công suất gây ra tổn thất nặng nề cho các nhà đầu tư.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là bởi các nhà đầu tư muốn được hưởng chính sách ưu đãi giá điện cao theo quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng. Tại quyết định này, mức giá 9,35 UScent/kWh được công bố sẽ áp dụng đến hết ngày 30/6/2019. Điều này đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời, tạo ra cuộc đua cạnh tranh khốc liệt trong ngành điện.

Để kịp hưởng chính sách ưu đãi điện, các nhà đầu tư gia sức đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án điện mặt trời, nhiều chủ đầu tư mặt trời còn phải chấp nhận bổ sung thêm các điều khoản phụ về sa thải phụ tải khi quá tải lưới khi ký hợp đồng mua bán điện.

81 dự án điện mặt trời hoạt động kể từ tháng 4/2019 phần nào cũng giải quyết được tình trạng cung cấp điện khi nắng nóng dâng cao trong tháng 6. Theo ghi nhận của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), công suất phát điện của các nhà máy điện mặt trời cao nhất trong ngày thường rơi vào tầm 14g và đạt 3.200MW.

Tuy nhiên việc đưa vào vận hành đồng loạt nhà máy điện trong một thời gian ngắn cũng gây ra không ít sức ép lên mạng lưới truyền tải điện quốc gia. Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất cả nước, trong 2 tháng qua, nhiều dự án điện tại 2 tỉnh này liên tiếp nhận được nhiều văn bản của A0 yêu cầu cắt giảm công suất truyền tải điện.   

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây, đại diện Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) cho biết, trong tháng 6, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã yêu cầu các dự án điện gió phải cùng cắt giảm 38-64% công suất với các dự án điện mặt trời mới hòa lưới.

Chịu chung tình trạng này, đại diện một nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Hữu (Ninh Thuận) cũng cho biết, ngày nào cũng nhận được văn bản của trung tâm điều độ đề nghị cắt giảm 30-60% công suất.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/7, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: “Mặc dù các công trình lưới điện 110kV như nâng công suất, xây dựng mạch 2 các đường dây 110kV Tháp Chàm – Ninh Phước – Phan Rí, Phan Thiết – Lương Sơn – Phan Rí – Tuy Phong... đã được phê duyệt quy hoạch, nhưng đến nay các công trình này vẫn chưa vào vận hành dẫn đến việc không đồng bộ giữa nguồn và lưới điện gây ra hiện tượng quá tải tại Bình Thuận và Ninh Thuận”.

Hiện tại, Ninh Thuận có 15 nhà máy với tổng công suất hơn 1.000 MW, còn Bình Thuận có 19 nhà máy với tổng công suất 871 MW. Nhiều máy biến áp, trục đường dây đã dẫn tới tình trạng quá tải ở mức hơn 200%. Điển hình Trục đường dây 110kV Tháp Chàm – Hậu Sanh – Tuy Phong – Phan Rí quá tải hơn 260-360%,...

Ông Hùng cũng thừa nhận việc phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời. Để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, Cục Điện lực cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép xã hội hóa, tư nhân vào xây dựng đường dây truyền tải. Dự kiến sẽ có thêm nhiều công trình được đầu tư vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đáp ứng cơ bản công suất của các nhà máy điện mặt trời, điện gió trong những năm tới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho hay, Bộ đã lập đoàn thị sát tại các địa phương để sớm có phương án giải quyết nhằm tăng năng lực và sản lượng.

Nhằm giải quyết tình trạng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang nỗ lực triển khai hàng loạt dự án đầu tư lưới điện truyền tải ở khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận.

Thu Trà
Cùng chuyên mục