Theo ông Nguyễn Quý Dương, sở dĩ có hiện tượng ùn ứ hàng trăm xe container chở thanh long đợi xuất khẩu sang Trung Quốc là do thanh long đang ở giai đoạn chính vụ, sản lượng tăng đột biến, theo chu kỳ, vài ngày lại có một đợt thu hoạch rộ thanh long nên sản lượng tăng cao là khó tránh khỏi.
Theo thống kê, những ngày qua, mỗi ngày có đến 300 xe chở thanh long lên cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc, trong khi phía Hải quan Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên thời gian thông quan kéo dài.
Xe chở thanh long thông quan tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành. Ảnh: Báo Lào Cai.
"Hiện, phía Trung Quốc đã tạo thuận lợi hơn đối với mặt hàng thanh long, các khâu kiểm duyệt và thông quan nhanh chóng. Các lô hàng xuất khẩu nông sản, trong đó có thanh long đều được giải quyết thủ tục hải quan điện tử" - ông Dương nói.
Cụ thể, đối với mặt hàng nông sản, trong đó có quả thanh long, các lô hàng xuất khẩu được hệ thống phân luồng xanh, khi doanh nghiệp xuất khẩu truyền thủ tục vào hệ thống thông quan tự động, thì sau 3 giây được giải quyết thông quan.
Ông Dương cho biết, thanh long là một trong những loại quả xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc nên ngay khi Trung Quốc thông báo sẽ siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng; cơ sở đóng gói cũng phải cấp mã số để truy xuất nguồn gốc, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc này để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận thông tin thêm, hiện, gần như 100% diện tích thanh long tại Bình Thuận đã được cấp mã số vùng trồng.
Việc tiêu thụ thanh long tại Bình Thuận vẫn ổn định, giá thanh long đạt 9.000 - 10.000 đồng/kg. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Cũng theo ông Tấn, thông tin hàng trăm xe container thanh long ùn ứ tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành không làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thanh long ở "thủ phủ" thanh long Bình Thuận.
"Hiện, chúng tôi đang bước vào cuối vụ thanh long, tuy nhiên, do đây là vụ mùa nên sản lượng thanh long tăng đáng kể so với vụ nghịch. Mặc dù có thông tin xe chở thanh long ùn ứ tại cửa khẩu mấy ngày qua nhưng hiện tại, việc tiêu thụ thanh long vẫn diễn ra bình thường, người dân bán được với giá 9.000 - 10.000 đồng/kg" - ông Tấn nói.
Ông Tấn đánh giá, người dân Bình Thuận đã có một vụ thanh long khá thuận lợi, giá bán ổn định, đảm bảo người dân có lãi khá.
Ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định, sau vài ngày ùn ứ do lượng xe dồn về cửa khẩu quá nhiều, đến hôm nay, việc thông quan cho thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đã bình thường trở lại, cảnh tắc nghẽn, ùn ứ đã hết.
"Trước những yêu cầu mới của phía Trung Quốc, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh đều thực hiện rất nghiêm túc việc đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nên không có nhiều vướng mắc trong quá trình xuất khẩu" - ông Kính cho biết thêm.
Ngoài ra, hiện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái thanh long. "Trung Quốc vẫn là thị trường chính và quan trọng của thanh long Bình Thuận, tuy nhiên, chúng tôi muốn tìm kiếm, mở rộng thị trường để trái thanh long có thể thâm nhập vào những thị trường khó tính hơn, đồng thời đẩy mạnh chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho trái thanh long" - ông Kính nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.