Hiện thực hóa giấc mơ nhà ở xã hội cho người lao động TP.HCM

Gia Linh Chủ nhật, ngày 08/12/2024 16:24 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh số lượng người lao động không ngừng gia tăng, quỹ nhà ở xã hội hạn chế, TP.HCM đang gấp rút triển khai loạt giải pháp kêu gọi nhà đầu tư tập trung vào mô hình này.
Bình luận 0

Thiếu trầm trọng nhà ở xã hội cho người lao động

TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế. Thành phố thu hút hàng triệu người lao động với phần lớn là dân nhập cư. Lượng lao động dồi dào, trong đó có nhiều người đặt mục tiêu gắn bó lâu dài khiến nhu cầu về chỗ ở tăng cao. Chính vì vậy, mô hình nhà ở xã hội trở nên cần thiết và cấp bách để ổn định cuộc sống người dân, an cư cho người lao động.

Nhiều lao động, công nhân tại TP.HCM rất mong chờ vào nhà ở xã hội. Chị Thủy (38 tuổi, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình) cho biết nhiều năm qua, cả gia đình 4 người chị phải sống chen chúc trong căn nhà trọ chỉ 20m2.

"Vợ chồng tôi nhiều năm qua cũng dành dụm được một ít, mong muốn có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, với số tiền tích luỹ từ đồng lương công nhân chúng tôi không dám mơ có thể mua được nhà phố hay chung cư, chỉ mong chờ có thể mua nhà ở xã hội mà nhà nước ưu đãi cho công nhân. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy có dự án nào được xây dựng gần khu vực mình làm việc để đăng ký mua", chị Thủy chia sẻ.

Hiện thực hoá giấc mơ nhà ở xã hội cho người lao động TP.HCM- Ảnh 1.

Số lượng nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng và các dự án đang triển khai tại TP.HCM rất hạn chế. Ảnh: Gia Linh

Thực tế, số lượng nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng và các dự án đang triển khai tại TP.HCM rất hạn chế, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM được đánh giá là khá khiêm tốn. Nguyên nhân là còn nhiều vướng mắc từ quy hoạch, quy trình, thủ tục chấp thuận đầu tư...

Theo các chuyên gia, việc kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực này rất khó khăn, trong đó nguyên nhân chính đến từ các vướng mắc trong thủ tục pháp lý. Doanh nghiệp bị ràng buộc rất nhiều quy định về quỹ đất, quy định xây dựng… Ngoài ra, so với các phân khúc khác thì lợi nhuận khi đầu tư vào nhà ở xã hội không cao, không đủ sức hút với doanh nghiệp.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành (một đơn vị phát triển nhiều nhà ở xã hội tại TP.HCM) cho biết hiện nay việc phát triển mô hình này tồn tại ba vấn đề lớn không khuyến khích nhà đầu tư.

Thứ nhất, lợi nhuận giới hạn ở mức 10% là quá thấp khi thủ tục kéo dài đến 5 năm, giai đoạn đầu tư mất thêm 2 năm. Thứ hai, thủ tục xin làm ở xã hội còn phức tạp hơn so với nhà ở thương mại. Thứ ba, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra và kiểm tra khiến doanh nghiệp gặp nhiều áp lực.

Cấp thiết gỡ vướng thủ tục, xây dựng nhà ở xã hội tại TP.HCM

Đánh giá được tầm quan trọng của việc phát triển nhà ở xã hội tại địa phương, chính quyền TP.HCM đã có nhiều động thái để thông tin đến nhà đầu tư cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… nhằm thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.

Liên quan đến việc phát triển mô hình nhà ở cấp thiết này, UBND TP.HCM đã mời gọi đầu tư vào 2 dự án nhà ở xã hội và xúc tiến đầu tư vào 5 khu đất dự kiến xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 3.800 căn hộ. Hai dự án được thành phố mời gọi đầu tư gồm: Khu nhà ở phường Trường Thạnh (TP.Thủ Đức) với diện tích 9.804m2, quy hoạch xây 6 tầng với 300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 868 tỷ đồng; lô số 6 Khu tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất (quận 12), diện tích 11.836m2, quy hoạch xây dựng 12 tầng với 540 căn hộ, tổng mức đầu tư dự kiến 616 tỷ đồng.

Trong khi đó, 5 khu đất dự kiến xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích 252.140m2, gần 2.962 căn hộ. Khu vực quận 4 có 2 khu đất là Ụ Stic-360 Bến Vân Đồn, diện tích 7.284m2, dự kiến xây 315 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 347 tỷ đồng; khu đất 61B đường số 16, diện tích 3,784m2, dự kiến xây 230 căn hộ với mức đầu tư khoảng 253 tỷ đồng.

Hiện thực hoá giấc mơ nhà ở xã hội cho người lao động TP.HCM- Ảnh 3.

TP.HCM yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết tất cả các thủ tục liên quan đến nhà ở xã hội. Ảnh: Gia Linh

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành, quận huyện phải rà soát và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để rút ngắn thời gian giải quyết tất cả các thủ tục trong vòng 6 tháng và nhà đầu tư thực hiện công trình nhà ở xã hội trong vòng 1 năm.

Đối với các chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội mới, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ để làm nhanh, làm đúng. Đối với các cái dự án nhà ở xã hội đã triển khai dang dở, các chủ đầu tư cần rà soát và hoàn thiện dự án.

Thành phố có rất nhiều dự án nhà ở thương mại trên địa bàn đã hoàn thiện nhưng phần nhà ở xã hội thì vẫn còn dang dở. Vì vậy, thành phố chỉ đạo rà soát và sẽ có các biện pháp xử lý cứng rắn đối với các trường hợp này như phong tỏa, cưỡng chế, kể cả làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định.

Về chính sách, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp. Cụ thể, thành phố giao Sở Kế hoạch Đầu tư và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố phối hợp để rà soát lại, trong tháng 6 hoặc tháng 7/2025 trình HĐND TP.HCM về mức hỗ trợ và quy trình sát với chính sách khuyến khích của thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét quỹ đất 20% tổng diện tích đất ở thuộc phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thành phố mong muốn Bộ Xây dựng gỡ vướng mắc để việc triển khai thực hiện nhanh hơn. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét cải cách quy trình hồ sơ thủ tục cũng như điều chỉnh các quy định sau khi sắp xếp lại các cơ quan bộ, sở ngành.

Chương trình phát triển nhà ở của TP.HCM giai đoạn 2021-2030, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của thành phố đến năm 2030 đầu tư xây dựng từ 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội. Tính đến nay, thành phố đang triển khai 10 dự án, trong đó có 6 dự án đã hoàn thành và 4 dự án đang thi công, với tổng số gần 6.000 căn hộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem