Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản 100 tỷ USD: Các "đại gia" đặt tham vọng tăng trưởng 2 con số (Bài 5)
Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản 100 tỷ USD: Các "đại gia" đặt tham vọng tăng trưởng 2 con số (Bài 5)
Minh Huệ
Thứ sáu, ngày 17/01/2025 10:33 AM (GMT+7)
Nhiều mặt hàng nông sản nước ta đã tạo ra những kỷ lục xuất khẩu “vô tiền khoáng hậu” trong năm 2024, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2025. Trong đó, các "đại gia" xuất khẩu đã lập nhiều kịch bản để có thể đạt tham vọng tăng trưởng bền vững.
Chuẩn bị cho "kịch bản" giá nông sản xuất khẩu nguội dần
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex cho biết, năm 2024, Intimex đạt kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD, doanh thu 73.000 tỷ đồng. Trong đó Intimex đứng đầu cả nước về xuất khẩu cà phê với doanh số 1 tỷ USD; gạo đạt hơn 300 triệu USD.
Nhờ sự hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng, giá nhiều loại nông sản xuất khẩu liên tục tăng cao, cùng với việc mở rộng thị trường, chúng tôi đạt mức tăng trưởng kim ngạch, doanh thu đột phá so với các năm trước.
Theo dự đoán của "ông trùm" xuất khẩu cà phê và gạo Intimex, nhu cầu tiêu thụ nông sản toàn cầu vẫn sẽ tăng cao trong năm 2025.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex.
"Tuy nhiên, năm vừa qua nhiều mặt hàng đã đạt "đỉnh" về giá, như cà phê, gạo, hồ tiêu, trái cây, do đó thời gian tới có thể các mặt hàng sẽ bước vào chu kỳ mới của giá và sẽ giảm dần", ông Đỗ Hà Nam chia sẻ với Dân Việt.
Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu, những bất ổn về an ninh và kinh tế thế giới sẽ tạo ra những biến động khó lường, đứt gãy nguồn cung, đặc biệt là giá cước vận tải sẽ tăng mạnh, khiến doanh nghiệp xuất khẩu bị tăng chi phí.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nam nói: "Thực hiện Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong một tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong một ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ, các hãng vận tải phải thuê 2 lái xe thay nhau chạy đường dài, xe phải dừng nghỉ nhiều hơn, dẫn đến khan hiếm lái xe, các hãng liền tăng giá cước từ 30-50%. Vì thế chi phí vận chuyển nông sản đang tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu khi đưa hàng từ miền Nam ra cửa khẩu phía Bắc".
Để chuẩn bị cho những "kịch bản" này, Intimex xác định ngày càng phải đầu tư vào chiều sâu, tăng năng lực vận hành hệ thống để vừa hạn chế rủi ro, vừa tận dụng được cơ hội trên thị trường cả trong nước và thế giới.
"Cuối năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành giai đoạn II nhà máy cà phê hoà tan tại Bình Dương, với quy mô 20.000 tấn/năm. Điều này không chỉ giúp Intimex tăng cường năng lực sản xuất mà còn đưa ngành cà phê hòa tan Việt Nam phát triển lớn mạnh với thương hiệu nổi tiếng toàn cầu", ông Nam nói.
Bên cạnh đó, Intimex cũng tiếp tục đầu tư nâng công suất các nhà máy chế biến lúa; tập trung mở rộng thị trường tại khu vực châu Á và châu Phi - những thị trường đầy tiềm năng và tăng trưởng nhanh.
Đối với lĩnh vực trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T nhận định, tăng trưởng xuất khẩu trái cây trong năm 2025 có thể đạt 2 con số.
Ông Tùng cho biết, mục tiêu tăng trưởng mà công ty đặt ra cho năm 2025 sẽ là 15%. Điều này dựa trên cơ sở vừa qua đã có thêm sản phẩm sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, ngoài ra sắp tới sẽ có thêm trái chanh leo vào thị trường Mỹ, trái vải chính thức đi thị trường Hàn Quốc và nhãn vào thị trường Nhật Bản.
Trong đó, với trái dừa, dự báo sản lượng xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ tăng cao trong quý 1/2025. Thị trường này mỗi năm tiêu thụ khoảng 2,6 tỷ trái dừa tươi, là cơ hội rất lớn cho trái dừa tươi của Việt Nam có thể đẩy mạnh kim ngạch (nhờ có lợi thế về chi phí vận chuyển).
Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh năm 2024 đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu kĩ thị trường để chuẩn bị tiến sâu vào khu vực phía Bắc Trung Quốc. Vina T&T Group đã ký kết hợp tác với một chợ đầu mối chuyên phân phối sản phẩm ở Bắc Kinh và một doanh nghiệp logistics để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa tới đây.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T nhận định, tăng trưởng xuất khẩu trái cây trong năm 2025 có thể đạt 2 con số.
Mặc dù tiềm năng còn rộng mở, song ông Tùng nói, mỗi thị trường nhập khẩu đều dựng lên các hàng rào kỹ thuật khác nhau và rất khó khăn. Như ở Mỹ, nước này cấm 7 hoạt chất dư lượng và yêu cầu mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói do Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ cấp.
Trong khi đó, ở EU, mặc dù cho tất cả mặt hàng trái cây Việt xuất khẩu vào mà không cần phải đàm phán, nhưng lại yêu cầu cấm đến 36 hoạt chất dư lượng và họ kiểm tra ngẫu nhiên mỗi lô hàng.
Tương tự, Trung Quốc cũng ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe, ngoài mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói do phía Trung Quốc cấp thì họ cũng thường xuyên kiểm tra những chất như kim loại nặng hoặc thêm những yêu cầu mới. Điều này đòi hỏi ngành hàng rau quả Việt phải luôn theo dõi, bám sát thị trường để kịp thời điều chỉnh, cũng như phát triển hơn nữa công nghệ bảo quản để đưa trái cây đi xa hơn.
Sơ chế trái dừa tươi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T.
"Dọn đường" đưa sản phẩm chăn nuôi vào thị trường Hồi giáo
Ông Johan van den Ban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam - doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản top đầu Việt Nam nhận định, trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã chứng kiến bước nhảy vọt với sự chuyên nghiệp hóa chuỗi sản xuất, từ đó nâng cao kỹ năng lao động, giảm chi phí và sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật vẫn còn rất khiêm tốn.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt hơn 60 tỷ USD, nhưng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chỉ chiếm dưới 1%, tương đương khoảng 500 triệu USD.
Trên thị trường toàn cầu, sản phẩm chăn nuôi còn rất nhiều tiềm năng xuất khẩu. "Với năng lực sản xuất 3 triệu tấn sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản và tham gia chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ - giết mổ khép kín, De Heus Việt Nam đã cùng các đối tác trong chuỗi chủ động tìm giải pháp để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang thị trường Halal (Hồi giáo) từ năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc mọi quy trình sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi đến giết mổ, đều đáp ứng các quy định khắt khe theo Luật Hồi giáo", ông Johan cho biết.
Năm 2024, De Heus đã ký biên bản hợp tác liên kết với Công ty TNHH TM DVSX Kinh doanh Ngọc Bích và Công ty TNHH Thế giới của Kiến thức và kết nối. Theo đó, De Heus cung cấp các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản theo tiêu chuẩn Halal cho chuỗi chăn nuôi của Công ty Ngọc Bích.
Đối tác này thực hiện chăn nuôi theo quy trình công nghệ cao, cung cấp sản phẩm gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu. Ngọc Bích cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và kiểm tra các nhà chăn nuôi khác thực hiện theo đúng quy trình, tạo ra sản phẩm đạt chuẩn Halal và là điểm thu gom sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal từ De Heus và các đối tác, để cung cấp nguyên liệu cho Kiến thức và Kết nối để xuất khẩu.
Công ty TNHH Thế giới của Kiến thức và Kết nối sẽ đóng vai trò tư vấn và hướng dẫn cho các bên về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Halal, đồng thời kết nối thị trường xuất khẩu…
Những nỗ lực này sẽ sớm đưa thịt gà vào thị trường Halal thành công, mở ra chương mới đầy triển vọng cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.