dd/mm/yyyy

Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu

Qua 10 năm triển khai, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vùng Nông thôn Tây Bắc tại tỉnh Lai Châu đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Có thêm nguồn thu nhập ổn định từ dịch vụ môi trường rừng, người dân tỉnh Lai Châu tích cực tham gia bảo vệ, góp phần nhân lên màu xanh cho những cánh rừng trên địa bàn.

Huyện Tam Đường (Lai Châu) hiện có hơn 33.067 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 31.800 ha và gần 2000ha rừng trồng. Mấy năm gần đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường và UBND các xã, thị trấn trong huyện chi trả hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng. Theo lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến thu nhập, đời sống của người dân trong huyện. Không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của bà con các xã, bản trên địa bàn.

Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu - Ảnh 1.

Các tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở tỉnh Lai Châu hoạt động khá hiệu quả, thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Về xã Tả Lèng (Tam Đường) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được chứng kiến màu xanh trên những cánh rừng nơi đây. Xã Tả Lèng hiện có hơn 3.300 ha rừng, trong đó diện tích rừng phòng hộ chiếm hơn 2.900 ha, còn lại là rừng sản xuất. Từ năm 2012 trở lại đây, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân trong xã được nâng lên. 100% hộ dân trong xã đều tích cực tham gia bảo vệ rừng và được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đều đặn mỗi năm.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các cánh rừng, anh Sùng A Của, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Tả Lèng cho biết, nhờ có sự tham gia bảo vệ của người dân mà những cánh rừng trên địa bàn xã ngày càng phát triển xanh tốt. Trước đây, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ý thức của người dân còn hạn chế, nên trên địa bàn xã vẫn xảy ra tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, hoặc lấy gỗ lớn đem đi bán.

Khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, trở thành động lực để người dân các bản của xã Tả Lèng tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ làm tốt việc bảo vệ nên những cánh rừng của xã ngày càng phát triển xanh tốt, Mấy năm gần đây, xã Tả Lèng không xảy ra vụ cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Tỷ lệ độ che phủ rừng của xã đến này đạt hơn 66,09%.

Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu - Ảnh 2.

Diện tích rừng của tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển xanh tốt nhờ có sự chung tay bảo vệ của người dân. (Ảnh: Thanh Ngân)

Năm 2012, tỉnh Lai Châu bắt tay vào thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ khi chính sách này được triển khai, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở tỉnh Lai Châu đã được nâng lên tầm cao mới và hiệu quả cũng rõ rệt hơn. Ngoài việc giúp người dân thay đổi nhận thức về bảo vệ rừng, chính sách chi trả môi trường rừng còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với rừng. Nhờ đó, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu không ngừng tăng lên qua các năm.

Tình trạng phá rừng, cháy rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp ở tỉnh Lai Châu trong những năm gần đây, đã giảm cả về số vụ và diện tích thiệt hại. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ, ngày càng phát triển về lượng và chất. Tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu cũng nhờ đó mà không ngừng tăng lên, đến nay đạt hơn 53%.

Thanh Ngân