dd/mm/yyyy

Hiệu quả mô hình nuôi côn trùng lấy mật tại Thèn Sin

Là xã còn nhiều khó khăn của huyện Tam Đường (Lai Châu), nhưng trong phát triển kinh tế, Thèn Sin lại là một trong những xã luôn tiên phong trong phong trào phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi ong lấy mật...

Đưa chúng tôi ra khu vườn thăm quan mô hình nuôi ong tại bản Đông Phong, anh Tẩn Sáo Sinh, công chức địa chính nông nghiệp xã Thèn Sin chia sẻ: Tháng 3/2020, 16 hộ của bản Đông Phong được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cấp 180 thùng ong mật. 

Đến nay, cùng sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ chuyên môn và kinh nghiệm nuôi ong của các hộ dân, ong phát triển tốt, cho lượng mật nhiều, màu vàng tươi và thơm ngon. Trước hiệu quả bước đầu của mô hình này, bản Đông Phong đang tiếp tục nhân giống số lượng thùng nuôi ong để nâng cao thu nhập cho các hộ dân.

Hiệu quả mô hình nuôi ong tại Thèn Sin - Ảnh 1.

Cán bộ xã Thèn Sin kiểm tra số lượng và sự phát triển của ong tại bản Đông Phong.

Cũng như các hộ dân nuôi ong của bản Đông Phong, trước khi tham gia mô hình nuôi ong, anh Nguyễn Văn Bắc, sinh năm 1987, bản Đông Phong được cấp 10 thùng ong. Trước khi nhận ong về nuôi, anh Phong và các hộ dân trong bản được cán bộ nông nghiệp huyện, xã hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc, nhân đàn và cách lấy mật… Đồng thời, tổ chức cho đi tham quan các mô hình nuôi ong hiệu quả để học tập thêm kinh nghiệm.

 Anh Nguyễn Văn Bắc chia sẻ: Từ lúc nhận nuôi ong, tôi đã áp dụng đúng các kỹ thuật chăm sóc đàn ong được tập huấn trước đó. Nhờ vậy, ngoài việc đã thu được mật đảm bảo chất lượng, gia đình tôi còn nhân thêm được 5 thùng ong. Trong quá trình nuôi ong cần phải tuân thủ đúng các yêu cầu kĩ thuật, như: Thao tác mở thùng ong phải thật nhẹ nhàng, không được chạm vào ong, nếu làm không khéo ong sẽ tấn công và đốt. Đặc biệt, cầm các khay phải chắc, sau đó lật khay từ từ, xoay đều để ong không bị rơi ra ngoài sẽ khiến chúng tấn công người nuôi...

Hiệu quả mô hình nuôi ong tại Thèn Sin - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Bắc đang kiểm tra tổ ong và định ngày thu hoạch mật.

Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi ong, anh Bắc nói: Để nhiều mật và đảm bảo thơm ngon, thức ăn của ong hoàn toàn từ tự nhiên, tuyệt đối không cho ăn đường thời kỳ lấy mật. Tôi bố trí nuôi ở khu vực gần núi để ong trực tiếp được tiếp cận với các loại hoa trong rừng. Ong không chịu được lạnh, tôi dùng quần áo cũ, tấm nilon phủ vào các cầu, che chắn bên ngoài, giữ cho thùng kín, ấm và để tránh các cầu không bị ướt do mưa.

Được biết, cũng như các hộ tham gia mô hình nuôi ong, đến nay gia đình anh Bắc đã thu được 4 lần mật và mỗi lần thu được khoảng 20 lít mật. Với giá bán ra thị trường dao động từng mùa từ 200.000 nghìn đồng đến 450.000 nghìn đồng/lít mật đã vắt, gia đình anh Bắc có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong nơi đây, 1 thùng ong chỉ duy trì 1 con chúa và nuôi từ 3 cầu đến 4 cầu. Từ 5 ngày đến 7 ngày kiểm tra thùng nuôi ong một lần. Kỹ thuật nhân giống rất quan trọng. Trong thời điểm tháng 2 đến tháng 3 nhiệt độ ấm hơn thì tiến hành nhân đàn bằng cách tạo chúa. Dùng ấu trùng non làm mũ chúa, sau khi mũ chúa được 9 ngày đến 10 ngày tiến hành tách đàn.

Hiệu quả mô hình nuôi ong tại Thèn Sin - Ảnh 3.

Tổ ong vừa được thu hoạch mật và sau định kỳ 5 ngày đến 7 ngày kiểm tra một lần.

Các thao tác tách đàn cần nhẹ nhàng tránh ong đánh nhau gây tình trạng mất ổn định trong đàn và những đàn xung quanh. Nuôi ong lấy mật cho hiệu quả cao, chú trọng kỹ thuật nuôi từ khâu chọn địa điểm, tạo chúa đến thu hoạch mật. Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình nuôi, đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sản lượng và chất lượng mật, ít dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Thèn Sin, chia sẻ: So với những vật nuôi khác, mô hình nuôi ong đang đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân nơi đây. Tháng 3/2020, xã được đầu tư 180 thùng ong, triển khai nuôi tại 3 bản: Đông Phong, Thèn Sin 1, Thèn Sin 2. Hiện đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt. Đến tháng 6 đã cho thu hoạch với sản lượng mật rất cao, chất lượng được cơ quan chuyên môn đánh giá tốt. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ đưa mật ong nơi đây trở thành sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu của xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân.

Hiệu quả mô hình nuôi ong tại Thèn Sin - Ảnh 4.

Nuôi ong lấy mật được xem là mô hình phát triển kinh tế cao, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Trao đổi thêm với lãnh đạo xã Thèn Sin, được biết: Để nâng cao giá trị sản xuất cho nghề nuôi ong ở các bản, xã Thèn Sin sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật nuôi ong theo hướng tăng năng suất, sản lượng thu mật cho đàn ong. Định hướng cho các hộ thực hiện quy trình nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP. Liên kết các tổ đội nuôi ong để thu lượng mật lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa.

Ông Giàng A Tủa Chủ tịch Hội Nông dân xã Thèn Sin, chia sẻ: Qua thực tế cho thấy, nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, đối với mùa lạnh ít phấn sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất mới có thể đạt được thành công... Do vậy, cùng với việc phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong cho các hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân trong việc nhân rộng, phát triển mô hình nuôi ong để giúp các hộ dân nơi đây có thêm thu nhập ổn định từ nghề này và tạo dựng được thương hiệu cho mật ong Thèn Sin.

Hiệu quả mô hình nuôi ong tại Thèn Sin - Ảnh 5.

Thùng ong được bảo vệ cẩn thận, không để gió lùa vào vì ong không chịu được lạnh tránh sự vỡ tổ.

Đánh giá thêm về hiệu quả của mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Thèn Sin, ông Nguyễn Hùng Cường Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường, thông tin: Với những hiệu quả ban đầu mang lại, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với xã phát triển, thu hút thêm nhiều hộ dân tại các bản, nhất là những địa bàn có điều kiện tự nhiên thuận lợi tham gia nuôi và mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật. Đồng thời, đảm bảo việc nhân rộng mô hình với tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần đưa nghề nuôi ong lấy mật ở Thèn Sin thực sự trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thuý Hạnh - Tuệ Linh