dd/mm/yyyy

Hiệu quả phát triển kinh tế ở Mường Mô

Mường Mô là 1 trong 3 xã của huyện biên giới Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) được công nhận là xã nông thôn mới. "Không ngủ quên" trên những thành quả đã đạt được, cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ông Trần Anh Đôn, Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết: Với thực tế của địa phương hiện nay là diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp để nhường cho dự án Thủy điện Lai Châu nên việc xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân được xã rất quan tâm. Trong đó, mô hình chăn nuôi đại gia súc, cụ thể là nuôi bò được chính quyền khuyến khích các hộ tham gia và xây dựng mô hình điểm ở 8/8 bản của xã.

Lai Châu: Xây dựng mô hình kinh tế  hiệu quả ở huyện Nậm Nhùn   - Ảnh 1.

Xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) phát triển mô hình trồng xoài Đài Loan, sắn, nhãn...ở hầu hết các bản, giúp người dân tăng thêm thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

Sau thời gian triển khai, mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, từ đó thu hút thêm nhiều hộ khác tham gia. Việc chăn nuôi đại gia súc cũng thay đổi dần từ thả rông sang chăn nuôi theo quy mô chuồng trại, có nhân công chăm sóc thường xuyên.

Cùng cán bộ nông nghiệp xã, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình bà Lò Thị Dương ở bản Mường Mô (xã Mường Mô). Được chính quyền vận động, gia đình bà đầu tư hơn 80 triệu đồng mua 4 con bò, 2 con trâu giống về nuôi. Sau nửa năm, đàn trâu, bò giống này sinh thêm được 2 con bê và 1 con nghé, đây là lợi nhuận có được chỉ sau thời gian ngắn chăn nuôi khiến mọi thành viên trong gia đình đều phấn khởi. Không chăn nuôi theo phương thức thả rông, bà Dương đầu tư 20 triệu đồng xây chuồng trại với tiêu chuẩn "3 cứng" (nền cứng, khung cứng và mái cứng) cho trâu, bò; xây hố ủ phân làm phân bón cho 400 gốc xoài, nhãn của gia đình.

Lai Châu: Xây dựng mô hình kinh tế  hiệu quả ở huyện Nậm Nhùn   - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà của gia đình anh Lò Văn Công, xã Mường Mô đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo bà Dương: "Nếu công việc chăn nuôi thuận lợi, sau 1,5 - 2 năm, gia đình có thể thu được tiền vốn đầu tư mua giống, sau 3 năm là bắt đầu có lãi. Vì theo giá thị trường, có thể bán được giá 15-20 triệu đồng/con bò, khoảng 25-30 triệu đồng/con trâu. Hiện nay, một số hộ chăn nuôi lâu năm trong bản đã phát triển đàn gia súc lên đến hàng trăm con, đó là động lực để gia đình tôi duy trì và mở rộng quy mô chăn nuôi". Được biết, đến hết năm 2020, tổng đàn gia súc toàn xã Mường Mô là 3.264 con, đạt 103% kế hoạch đề ra.

Tận dụng diện tích lòng hồ thủy điện lớn hàng nghìn hécta, nhiều hợp tác xã, hộ dân bỏ vốn làm lồng nuôi cá. Điển hình trong việc chăn nuôi cá là các hợp tác xã: Long Vũ, Đằng Giang, Hồng Hà; các gia đình ông: Lò Văn Yến (bản Nậm Hài), Lò Văn Công (bản Mường Mô).

Theo rà soát của UBND xã Mường Mô, đến thời điểm này, tổng số lồng nuôi cá trên địa bàn xã đạt trên 250 lồng. Các giống cá nuôi phổ biến là: trắm, chép, rô phi đơn tính, nheo. Nhiều hộ còn triển khai nuôi cá đặc sản như: cá lăng đem lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra được thương lái cam kết thu mua từ thời điểm bắt đầu nuôi. Việc nuôi cá lồng ở các hợp tác xã, hộ gia đình đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Đối với các mô hình trồng trọt, xã Mường Mô hiện đã triển khai trồng xoài Đài Loan, sắn, nhãn… Trong đó nhiều nhất là diện tích xoài Đài Loan và nhãn, quy mô hơn 70 ha ở hầu hết các bản. Một số diện tích xoài chuẩn bị cho thu hoạch (ở các bản: Mường Mô, Nậm Hài…). Cán bộ nông nghiệp xã trực tiếp hướng dẫn người dân cách chăm sóc, thu hoạch để đảm bảo năng suất, chất lượng.

Những hộ dân thiếu đất canh tác, chính quyền xã khuyến khích việc chăn nuôi lợn cùng các loại gia cầm để tăng thu nhập. Từ việc xây dựng và phát triển hiệu quả các hô hình kinh tế, thành quả lớn nhất mà xã Mường Mô đạt được là hoàn thành xây dựng nông thôn mới; bình quân lương thực đạt 334kg/người/năm; thu nhập bình quân đạt hơn trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 9%.

Lai Châu: Xây dựng mô hình kinh tế  hiệu quả ở huyện Nậm Nhùn   - Ảnh 4.

Chăn nuôi đại gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Mường Mô tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, lấy thu nhập là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành. Trong đó, trọng tâm là phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, chăn nuôi thủy sản và trồng cây ăn quả. Vận động Nhân dân đưa diện tích khai hoang vào sản xuất, tăng diện tích lúa nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ông Trần Anh Đôn cho biết thêm, trong xây dựng các mô hình kinh tế mới có thể đem lại hiệu quả, cũng có thể có những yếu tố rủi ro, thất bại. Song dù thế nào, xã vẫn xác định phải không ngừng nghiên cứu, định hướng cho bà con nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Người dân có mức sống cao hơn nơi ở cũ chính là yếu tố khẳng định xây dựng dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Vinh Duy - Thuý Hạnh