Hòa Bình: Ế ẩm 1.000ha mía tím, bán được vẫn lỗ vài chục triệu/ha

Thứ tư, ngày 03/04/2019 14:46 PM (GMT+7)
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hòa Bình, toàn tỉnh trồng khoảng 3.200ha mía tím. Từ năm 2016 - 2018 việc tiêu thụ mía tím ổn định. Tuy nhiên, sang đầu năm 2019 chỉ tiêu thụ khoảng 2/3 diện tích…
Bình luận 0

img

Bạt ngàn mía tím đã đến kì thu hoạch nhưng chưa bán được

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hòa Bình: “Giá mía tím tại vườn sau tết còn 5.000 - 5.500 đồng/cây, giờ còn 3.000 - 3.500 đồng/cây. Tiêu thụ chậm từ tháng 11 - 12/2018, sang tháng 1/2019 thông tin mía tím Hòa Bình xuất khẩu sang Nhật, một phần đã kích được giá lên nhưng so với tiến độ mọi năm thì vẫn chậm. Nếu không bán được người dân phải quay sang ép mật hoặc chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác”.

Cũng theo lý giải của ông Yến, thị trường tiêu thụ mía tím Hoà Bình chủ yếu các tỉnh phía Bắc. Nếu giữ diện tích tầm 2.500 - 2.700ha thì sẽ không có hiện tượng tiêu thụ chậm. Phần nữa, nhiều nông sản ăn tươi khác đang dần thay thế, đặc biệt quả có múi số lượng nhiều lên nên nhu cầu dùng mía giảm. Bên cạnh đó, tư tưởng người trồng mía cũng phải có sự thay đổi, bán theo nhu cầu thị trường; phân loại để bán thì khả năng tiêu thụ sẽ nhanh hơn; hoặc mía róc sẵn, đóng gói chân không, làm mát bảo quản…

img

Người dân Hòa Bình điêu đứng vì mía tím

Huyện Tân Lạc có 1.550ha mía, trong đó khoảng 900ha mía tím. Tính đến thời điểm này, mía tím Tân Lạc mới tiêu thụ trên 50%, tập trung ở các xã Phú Vinh, Mỹ Hòa…

Ghi nhận thực tế tại xã Mỹ Hòa, mía trên đồi, dưới ruộng vẫn bạt ngàn. Một số khu vực nham nhở mía đang thu hoạch, xen mía mới trồng. Được biết, xã Mỹ Hòa có 300ha mía tím nhưng chỉ mới tiêu thụ khoảng 50%.

Mía được xem là cây trồng chủ lực của địa phương, kinh tế người dân Mỹ Hòa đi lên nhờ cây mía… Trước sức ép thời vụ, sang giữa tháng 4 nếu không tiêu thụ được, thì người dân buộc chặt bỏ trồng sang cây ngắn ngày hoặc bán cho thực ăn gia súc, chặt làm giống…

img

Mía tím Hòa Bình đang khó tiêu thụ vì sản lượng lớn, lại phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương

Chị Trương Thị Hường ở xóm Ngay (xã Mỹ Hòa) có hơn 3.000m2 trồng mía, trong đó có 2.000m2 trồng mía tím chưa bán được cây nào. Chị Hường ngán ngẩm: “Nhà tôi còn hơn 1 vạn cây chưa bán được, chẳng biết liên hệ với ai, để lâu mưa xuống thối hết. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào cây mía, giờ có nguy cơ trắng tay. Nếu bán được thì vớt vát được chút”.

May mắn hơn chị Hường, chị Phạm Thị Hà, xóm Ngay (xã Mỹ Hòa) bán được một nửa diện tích, nhưng giá rất bèo. Chị Hà chua chát: “Nhà tôi có 2.000m2 mía tím, mới bán được nửa diện tích với giá hơn 1.000 đồng/cây thôi. Thôi thì thu được đồng nào thì hay đồng ấy, xác định thu lại tiền gốc thì khó lắm. Đến hết tháng 4 không bán được, chúng tôi phải chặt đi trồng cây ngắn ngày hoặc bán cho người nuôi trâu bò”.

Ông Đinh Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa than thở: “Như mọi năm đến tháng 4 bà con thu hoạch xong, đến giờ này tiêu thụ rất ì ạch. Đầu vụ giá mía 7.000 - 8.000 đồng/cây ai cũng phấn khởi. Ra giêng bỗng chững lại, mía loại 1 hiện chỉ khoảng 3.000 đồng/cây. Hôm trước, có hộ chỉ bán được 800 đồng/cây”.

Ông Chu Văn Trình, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Tân Lạc chia sẻ: “Mía tím chỉ tiêu thụ được 500ha, còn khoảng 400ha sẽ khó bán hết trong thời gian tới. Giá mía 3.500 – 4.000 đồng/cây bà con hòa vốn, còn dưới 3.000 đồng/cây thì lỗ. Thậm chí có những vườn bán 1.000 - 1.500 đồng/cây thì lỗ 50 - 60 triệu đồng/ha”.

Trần Hồ (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem