Theo phản ánh của người dân xóm Chiềng Đồi (xã Lỗ Sơn), năm 2013 và năm 2015 tại mỏ than do Công ty TNHH Tân Sơn hoạt động khai thác than, đã từng xảy ra vụ sập hầm lò khiến một số người bị thương vong. Sau đó Công ty bị đình chỉ hoạt động khai thác một thời gian. Tuy nhiên, cuối năm 2018, đơn vị khai thác này đã thay chủ mới và vẫn lấy tên Công ty cũ, tiếp tục vào mua đất nương của người dân để tiến hành hoạt động khai thác than.
Nhiều người dân trong xóm Chiềng Đồi rất bức xúc, lo sợ việc mất nước, ô nhiễm môi trường sẽ tái diễn, làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con.
Mỏ than hoạt động trở lại, khiến người dân lo sợ ô nhiễm nguồn nước.
Trao đổi với PV Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt, anh Bùi Văn Hậu, xóm Chiềng Đồi (xã Lỗ Sơn) bức xúc: “Trước đây chưa có mỏ than, người dân trong xóm chúng tôi có nước sinh hoạt quanh năm nhưng từ khi Công ty khai thác than, chúng tôi đều thiếu nước sinh hoạt. Để có nước dùng tôi phải vay tiền đào giếng nhưng vào mùa hè thì nước giếng cũng cạn, khổ lắm. Hơn 1.000m2 ruộng của gia đình tôi đều thiếu nước, nên chất lượng lúa cũng kém hẳn đi. Giờ việc khai thác mỏ hoạt động trở lại, nguy cơ mất nước tái diễn và ô nhiễm nguồn nước là rất cao”.
Theo người dân xóm Chiềng Đồi, việc khai thác than của Công ty TNHH Tân Sơn đã gây khói bụi và ô nhiễm môi trường.
Còn bà Bùi Thị Đọt, xóm Chiềng Đồi, xã Lỗ Sơn than thở: "Gia đình tôi khai hoang 2ha nương rẫy từ xưa, đến nay đã trồng cây sa chi, cam, bưởi, sả... Nhưng phía Công ty TNHH Tân Sơn và cán bộ xã nói đất của gia đình tôi nằm trong quy hoạch mỏ than mới. Để thuận lợi cho việc khai thác than, Công ty xuống vận động chúng tôi bán đất cho họ 1ha là 75 triệu đồng, nhưng gia đình nhất quyết không bán".
Bà Bùi Thị Đọt, xóm Chiềng Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc lo sợ nếu bán đất cho Công ty sẽ không còn kế sinh nhai.
“Trước kia, Công ty này khai thác than làm ô nhiễm môi trường lắm, trời nắng thì bụi, mưa nước chảy từ mỏ và bãi than xuống suối đầu nguồn làm bà con trong xóm không có nước sinh hoạt. Khai thác than cũng làm nước suối tưới đồng ruộng ít đi, 1 số hộ trong xóm không có nước về ruộng phải trồng cỏ voi thay thế để nuôi bò, dê. Chúng tôi sợ nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên xã nhưng không ai giải quyết cả”- bà Bùi Thị Đọt cho biết thêm.
Theo người dân xóm Chiềng Đồi, dù đang làm thủ tục mua đất khai thác lộ thiên nhưng Công ty TNHH Tân Sơn đã khai thác 1 hầm lò từ cuối năm 2018.
Ông Bùi Văn Thắng, Trưởng xóm chiềng Đồi (xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), xác nhận: “Công ty TNHH Tân Sơn khai thác than trên địa bàn xóm cũng được nhiều năm rồi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của bà con.
Sau đó, vì lý do tai nạn sập hầm lò năm 2015 làm 1 số người thương vong, nên họ bị đình chỉ dừng khai thác. Đến cuối năm 2018 mỏ than thay chủ mới, nhưng vẫn lấy tên là Công ty TNHH Tân Sơn tiến hành khai thác 1 hầm lò ở trên đồi. Tại mỏ than vẫn chưa có bể lọc, cứ trời mưa xuống là nước từ bãi thải than trôi xuống khe suối làm ảnh hưởng đến nguồn nước của 134 hộ trong xóm”.
Người dân xóm Chiềng Đồi cho biết: Công ty TNHH Tân Sơn đang tiến hành san lấp mặt bằng xây văn phòng và bãi tập kết than ở trên đồi.
Cũng theo ông Bùi Văn Thắng hiện phía Công ty TNHH Tân Sơn đang tiến hành mua đất của 15 hộ trong xóm, để khai thác than lộ thiên với thời hạn gần 30 năm, có hộ đã nhận tiền rồi, có hộ chưa. Do giá cả đền bù thấp nên một số hộ chưa chịu giao đất. Không riêng gì xóm Chiềng Đồi mà một số hộ ở xóm Sống, xã Do Nhân cũng nằm trong quy hoạch của mỏ than.
Ngoài ra, Công ty TNHH Tân Sơn còn đang san lấp mặt bằng rất rộng làm bãi tập kết than và xây trụ sở văn phòng ở trên đồi. Nhiều cuộc họp xóm, bà con đều kiến nghị về tình trạng hoạt động của mỏ than này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước và gây ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng kiến nghị lên xã, huyện nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Văn Nượm, Chủ tịch xã Lỗ, Sơn huyện Tân Lạc cho biết: "Trước kia nguồn nước sinh hoạt của 2 xóm Chiềng Đồi, Úi rất dồi dào, sau khi Công ty TNHH Tân Sơn khai thác than thì nước bắt đầu cạn, còn vấn đề nước cạn khô do Công ty gây ra hay không chúng tôi cũng không nắm rõ.
Mỏ than mới này, được tỉnh cấp phép khai thác lộ thiên, vì khai thác hầm lò quá nguy hiểm. Hiện phía Công ty đang tiến hành san gạt đất xây dựng văn phòng và bãi tập kết than. Nếu trời mưa xuống, bùn đất, nước từ bãi thải than ít nhiều cũng trôi xuống khe suối làm ảnh hưởng đến nguồn nước của người dân.
Chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bà con, nhưng việc này không thuộc thẩm quyền của xã, phải là cấp huyện, tỉnh mới can thiệp được".
Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Sơn cho rằng: “Mỏ than được ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình (nay là Chủ tịch tỉnh Hòa Bình - PV) cho phép khai thác lộ thiên. Trong quá trình triển khai có nhiều cơ quan chức năng đến kiểm tra, đo đạc đất của người dân có địa chính xã đo đạc, 2 bên đều có lợi”.
Dân Việt sẽ tiếp thông tin đến bạn đọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.