Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Quản lý chồng chéo, chi phí kinh doanh cao
Về tiếp cận đất đai, thủ tục giải phóng mặt bằng, giá thuê đất cao cùng các thủ tục cấp phép nêu trên vẫn là vấn đề nan giải với doanh nghiệp.
Quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa còn lỏng lẻo; hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả; hàng rào kỹ thuật chưa phát huy tác dụng… dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép sản xuất trong nước và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Về tiếp cận tín dụng, chỉ 40% doanh nghiệp đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng dù NHNN và hệ thống NHTM đã có nhiều nỗ lực cải thiện.
Chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, đặc biệt là chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục. Lãi suất vay vốn bình quân của Việt Nam hiện từ 7 - 9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%...
Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore).
Tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8-12%, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại chỉ đạt 4-5%; mức đóng bảo hiểm 22% lương tháng là cao, so với Malaysia chỉ là 13%, Philippines là 10%. Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7-10 ngày.
Ngoài ra các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (66% doanh nghiệp trong Khảo sát PCI năm 2016 xác nhận trả loại phí này).
Lý giải nguyên nhân tạo ra thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhận thức của người đứng đầu một số Bộ ngành, địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng triển khai Nghị quyết 35 chưa đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc triển khai Nghị quyết chưa quyết liệt, hiệu quả.
Sự phối hợp giữa các Bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương trong triển khai Nghị quyết chưa tốt; chậm giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong công tác đối thoại với chính quyền còn mờ nhạt...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Có doanh nghiệp bị thanh tra 12 lần/năm
Báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ rõ những điểm nhấn trong công tác điều hành 1 năm vừa qua là cải cách thể chế, xây dựng pháp luật và cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển DN.
Trong 2016, 112 thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 tại Bộ, ngành. Con số này ở các địa phương là 8.215. Từ ngày 1.10.2016, khi hệ thống thông tin phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp đi vào hoạt động cho tới nay, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị của các DN, hiệp hội. Tỷ lệ giải quyết đạt trên 76%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể là, vẫn còn những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết, không hơp lý , tiếp tục gây khó khăn cho việc thực hiện như. thủ tục thỏa thuận ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Ngoài ra, nhiều quy định còn can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế dặn còn chưa được cụ thể dẫn đến nhiều địa phương chưa triển khai; một số cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu tiêu cực, chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả để kiểm tra, giám sát; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình có doanh nghiệp ở Đồng Nai trong 1 tháng bị thanh kiểm tra 3 lần, có doanh nghiệp ở địa phương khác bị thanh tra 12 lần/năm.
Một số bộ, ngành trung ương không gửi kế hoạch thanh, kiểm tra cho địa phương gây khó khăn cho triển khai thực hiện. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế, từ các thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, kéo dài.
Việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là DNNVV còn hạn chế, trong đó thủ tục cho vay phức tạp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp ở một số bộ ngành, địa phương còn chậm, chưa thực sự cầu thị, chưa đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp còn hạn chế...
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thực trạng nêu trên xuất phát từ việc chưa quán triệt đầy đủ, nhận thức đúng về chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động. Tư duy quản lý còn mang dấu ấn cơ chế xin - cho, bao cấp.
Việc cải cách, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bộ phận cán bộ, công chức nên gặp cản trở ngay từ bên trong. Tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều. Chẳng hạn, trong phản ánh kiến nghị về hành vi chậm trễ, thực hiện không đúng quy định trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm khoảng 60% tổng số kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai…
Ngoài ra, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn chưa thực sự đổi mới sáng tạo, dám làm, dám chịu.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp, đến Boeing cũng không thể làm được
Nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ: “Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần không có chỗ để bàn lùi. Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng thực sự, tiếp sức cho doanh nghiệp”.
Song những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức.
Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách đột ngột, sự hồi tố trong kinh doanh, nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp. Ngoài ra, nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp đến Boeing cũng không thể làm được, hay tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến. Nhiều bộ ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Trình Chính phủ, Quốc hội xử lý nợ xấu, giải phóng các khoản nợ xấu nhằm tái tạo nguồn vốn lớn để mở rộng cho vay
Sự kiên định trong điều hành của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hoạt động tín dụng đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 18,25%. Năm 2017, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm; đến cuối tháng 4.2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VND tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.
Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV.
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức cấp tín dụng theo hướng có sự chọn lọc ưu tiên phân loại doanh nghiệp góp phần vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất.
NHNN cũng đang trình Chính phủ, Quốc hội để sớm có Nghị quyết về xử lý nợ xấu, giải phóng các khoản nợ xấu này nhằm tái tạo nguồn vốn lớn để mở rộng cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nợ xấu đã được xử lý tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.