Hoàn thổ sau khai khoáng: Đề xuất điều chỉnh tiền ký quỹ phục hồi môi trường!

Đình Thắng (thực hiện) Thứ hai, ngày 01/08/2016 15:48 PM (GMT+7)
“Dự kiến trong quý III.2016, quy định mới sẽ được ban hành. Đây là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền cấp phép yêu cầu doanh nghiệp (DN) điều chỉnh, bổ sung số tiền ký quỹ phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác” – ông Lại Hồng Thanh (ảnh) – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) trao đổi với phóng viên Báo NTNN xung quanh việc hoàn thổ sau khai khoáng.
Bình luận 0

Hiện nay, tình trạng DN khai thác khoáng sản không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khi khai thác đang diễn ra ở mức độ nào, thưa ông?

- Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, DN sau khi kết thúc khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm lập, trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác trước đó phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Kết thúc thực hiện đề án đóng cửa mỏ, DN phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác kiểm tra, nghiệm thu làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ.

img

Bốc xúc quặng Ilemenite thô ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.    Ảnh: Trọng Đạt

Đối với các giấy phép thuộc thẩm cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), các DN đã thực hiện khá tốt nghĩa vụ này. Tuy nhiên, đối với giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, mặc dù nhiều địa phương đã có các giải pháp khá quyết liệt để yêu cầu các DN thực hiện nghĩa vụ phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ nhưng thực tế còn tình trạng DN chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ này như Báo NTNN đã nêu. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở các địa phương như Báo NTNN phản ánh mà còn ở nhiều địa phương khác.

Theo ghi nhận của Báo NTNN, ở các tỉnh miền Trung, có nhiều DN sau khi khai thác khoáng sản xong đã âm thầm ra đi, họ chịu mất số tiền ký quỹ phục hồi môi trường chứ không chịu thực hiện hoàn thổ vì kinh phí thực hiện rất tốn kém. Các địa phương cũng rất khó khăn trong việc quản lý cũng như kiểm soát tình trạng này. Phải chăng, công tác quản lý của địa phương đang có nhiều lỗ hổng?

 - Tại một số địa phương như Báo NTNN đã phản ánh, có tình trạng DN chấp nhận mất số tiền đã ký quỹ phục hồi môi trường trước đó mà không chịu thực hiện trách nhiệm hoàn phục môi trường, đóng cửa mỏ do kinh phí rất tốn kém, gây khó khăn cho công tác quản lý. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số tiền ký quỹ phục hồi môi trường đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt khi cấp phép khai thác thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế (khi đóng cửa mỏ).

Đánh giá là công tác quản lý của địa phương có nhiều lỗ hổng thì chưa có đủ cơ sở để khẳng định. Tuy nhiên, trong thực tế kiểm tra, theo dõi cho thấy, tại nhiều địa phương, công tác thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản (khi cấp phép khai thác) chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa thẩm định kỹ khối lượng, dự toán công tác cải tạo, phục hồi môi trường dẫn tới tổng số tiền ký quỹ đã duyệt không sát với thực tế (khi đóng cửa mỏ), thậm chí thấp hơn nhiều lần và là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên.

Nhằm tránh xảy ra những tình trạng tương tự, hiện nay ở Đà Nẵng đang thực hiện quy định DN phải nộp 500 triệu đồng mới được cấp phép hoặc gia hạn khai thác. Ông đánh giá thế nào về cách làm này của Đà Nẵng?

- Theo quy định tại Điều 74 của Luật Khoáng sản, khi DN bị phá sản, giải thể hoặc không có khả năng thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản (tức là thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác), cơ quan có thẩm quyền cấp phép lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân được phép khai thác. Tuy nhiên, luật chưa quy định trường  hợp sau khi đã sử dụng hết số tiền ký quỹ nêu trên mà vẫn thiếu thì sẽ bổ sung từ nguồn nào.

Theo Báo NTNN phản ánh, để tránh tính trạng DN chịu mất số tiền đã ký quỹ phục hồi môi trường mà không thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, Đà Nẵng đã áp dụng việc yêu cầu DN phải nộp trước mang tính chất như là “đặt cọc” với số tiền 500 triệu đồng để được xét cấp phép hoặc gia hạn khai thác (dù đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường). Mặc dù chưa có trong quy định của Luật Khoáng sản cũng như pháp luật về môi trường, nhưng có lẽ cách làm này là một cách xử lý mang tính chất “xử lý tình huống” của TP.Đà Nẵng nhằm bảo đảm Điều 74 Luật Khoáng sản được thực hiện.

Thực tế này đã đặt cho cơ quan quản lý ở Trung ương câu hỏi “tại sao địa phương lại phải làm như vậy”. Hướng hoàn thiện quy định của pháp luật thế nào…

Theo ông các bộ ngành địa phương liên quan cần phải làm gì để kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng này?

- Để khắc phục tình trạng nêu trên, về mặt thể chế, chính sách, Tổng cục đã đề xuất Bộ TNMT bổ sung một điều quy định về “điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường” trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9.3.2012 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản). Theo đó, việc điều chỉnh, bổ sung khối lượng, dự toán và tổng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã duyệt thực hiện trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, sau khi phê duyệt thiết kế mỏ, nếu các hạng mục công trình khai thác có thay đổi về khối lượng hoặc phát sinh hạng mục mới dẫn đến dự toán các công trình cải tạo, phục hồi môi trường vượt quá 15% tổng dự toán trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã duyệt.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện có các hạng mục công trình tăng khối lượng thực tế dẫn tới vượt quá 10% dự toán của từng hạng mục công trình trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã duyệt.

Dự thảo nghị định đã trình Chính phủ và sẽ được xem xét, ban hành trong quý III.2016. Sau khi Nghị định được ban hành, quy định này sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền cấp phép yêu cầu DN điều chỉnh, bổ sung số tiền ký quỹ phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác.

Về phía các địa phương, cần nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi cấp phép khai thác để xác định tổng số tiền mà DN phải ký quỹ gần với thực tế, không để tình trạng số tiền ký quỹ quá thấp so với yêu cầu công tác cải tạo, phục hồi môi trường thời gian qua.

Mặt khác, cần tính đến việc không xét cấp phép khai thác mới đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường đối với giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó; có giải pháp cưỡng chế việc thực hiện nghĩa vụ lập, trình phê duyệt và thực hiện đề án đóng cửa mỏ đối với các DN cố tình không thực hiện nghĩa vụ này, Nhà nước chỉ chủ trì thực hiện đối với trường hợp thuộc quy định tại Điều 74 Luật Khoáng sản như đã nêu trên.

Xin cảm ơn ông!

img

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và yêu cầu các DN khai thác theo giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TNMT thực hiện nghiêm trách nhiệm cải tạo, phục hôi trường, đóng cửa mỏ theo quy định.

Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TNMT)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem