Hoang tưởng nếu tuyên bố tìm ra câu trả lời về tháp Chăm

Trần Đăng Thứ năm, ngày 15/02/2018 16:25 PM (GMT+7)
Sẽ rất dễ bị ghép vào bệnh hoang tưởng nếu ai đó tuyên bố rằng, mình đã tìm ra câu trả lời về những bí ẩn của tháp Chăm.
Bình luận 0

Vào một chiều thu nhạt nắng, khi tiếng kèn Saranai gọi người Chăm vào hội bên ngọn tháp cổ kính Pôklong Galai, anh Đàng Năng Tự, 36 tuổi, một nghệ nhân Chăm xuất sắc ở làng gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận đã “hoang tưởng” với tôi về việc anh sẽ xây dựng những ngọn tháp như tiền nhân đã làm cách nay 700 - 800 năm.

Cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ

Kể từ khi các nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện ra tháp Chăm tại dải đất miền Trung, giới “Chàm học”, cả Việt Nam lẫn nước ngoài, luôn đau đáu trước câu hỏi mỗi khi có ý định phục hưng những ngọn tháp đã bị thời gian và chiến tranh xô lệch: Làm sao để kết nối các viên gạch lại với nhau mà không phải sử dụng các loại vật liệu hiện đại? Vì các ngọn tháp Chăm, thoạt nhìn có vẻ như chúng được các thợ xây xếp gạch chồng lên nhau chứ không thấy bất cứ một dấu vết nào của các loại vật liệu để gắn kết chúng lại cả. Đó là bí ẩn từng làm cho nhiều nhà nghiên cứu lao tâm khổ tứ suốt gần nửa thế kỷ qua.

img

 Đàng Năng Tự bên tháp Chăm mi ni trong vườn nhà. ảnh: Trần đăng

Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, ở Quảng Nam-nơi có số lượng tháp Chăm nhiều nhất tại miền Trung hiện nay, đã xuất hiện một “kỳ nhân” mà người ta đồn rằng  đã giải mã được những bí ẩn của tháp Chăm. Ông tên là Lê Văn Chỉnh, người quê huyện Núi Thành. Sau hàng chục năm bị những ngọn tháp Chăm quê nhà Quảng Nam làm cho mất ăn mất ngủ, ông Chỉnh đã có lúc như vỡ òa với những phát hiện của mình về các loại vật liệu để người Chăm xưa xây tháp. Chính ông cũng đã xây hai ngọn tháp theo phong cách Chăm ở Đà Nẵng để “chứng minh” rằng mình đã giải mã được những bí ẩn mà hàng chục nhà nghiên cứu đã phải thúc thủ trước sự huyền bí của tháp Chăm. Hai ngọn tháp Chăm “hiện đại” thì vẫn còn đó, chủ nhân của nó thì đã về với tổ tiên trong nghèo túng, song sự kỳ vọng của ông Chỉnh về sự vĩnh cửu của hai ngọn tháp do ông xây dựng thì phải đợi vài ba trăm năm nữa mới có thể “nghiệm thu”!

Lại nữa, đã có thời gian, các kiến trúc sư và những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm đã kết luận rằng, chủ nhân của các tháp Chăm đã dùng nhựa cây bời lời và cây ô dước- những loài cây khá phổ biến ở miền Trung Việt Nam, để “kết nối” những viên gạch trong các tháp Chăm. Họ đã sử dụng vật liệu này để trùng tu những ngọn tháp bị hao khuyết một phần. Tuy nhiên, hai viên gạch thì vẫn “dính” vào nhau bởi các loại mủ cây này, song hậu quả mà nó để lại thì vô cùng tai hại. Những vết mốc và rêu xanh đã xuất hiện tại các “khe” giữa hai viên gạch-chỉ dấu của những nguy cơ làm đổ tháp trong tương lai gần. Ở thánh địa Mỹ Sơn và một số tháp tại Bình Định, người ra đã dùng khoan để khoét lỗ giữa hai viên gạch rồi nhét xi măng vào, sau đó chập hai viên gạch lại. Thoạt trông như thể không có một chỉ dấu nào cho thấy, họ đã dùng vật liệu hiện đại để gắn kết các viên gạch mà chỉ xếp chồng chúng lên như người Chăm từng xếp ngót một ngàn năm trước. Thế rồi, chỉ qua vài mùa mưa nắng, rêu mốc đã xuất hiện bên ngoài chỗ đã trám xi măng, báo hiệu sự mất an toàn của tháp.

Truyền nhân

Tôi đã kể lại tất cả những “nguy cơ” mà mình được biết ấy cho Đàng Năng Tự với một thông điệp muốn gửi đến anh: “Nếu anh cũng làm như họ-tức các nhà khoa học đã và đang trùng tu các tháp Chăm, thì đáp số sẽ như nhau, nghĩa là tháp sẽ sớm đổ nếu xuất hiện rêu mốc quá nhiều ngay vị trí được trùng tu”. Tự quả quyết: “Tôi đã tìm hiểu khá kỹ các vật liệu được sử dụng để trùng tu tháp Chăm trong thời gian qua của các nhà khoa học nên sẽ không đi theo vết xe ấy đâu. Vì nếu làm như thế thì mãi mãi tôi sẽ không thể xây một tháp Chăm như cha ông mình từng xây”. “Vậy anh sẽ sử dụng vật liệu gì để kết nối hai viên gạch mà không phải dùng xi măng hoặc các loại mủ bời lời hoặc dầu ô dước?”- tôi đeo bám Tự. Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, Tự bảo chờ anh một lúc, rồi phóng xe đi đâu đó, xong mang về một can nhựa chừng 20 lít: “Nó đây”, Tự vừa chắt một loại nước sền sệt ra tay, vừa quẹt lên tay tôi để tôi cảm nhận loại vật liệu này như thế nào, rồi nói: “Đây chính là vật liệu để gắn kết hai viên gạch mà tôi đã cất công kiếm tìm hơn 10 năm qua”. Xong động tác giới thiệu “hàng” như vậy, Tự đậy nắp can nhựa lại, không nói gì thêm, dù tôi tò mò muốn biết đó là loại vật liệu gì. Anh nháy mắt một cách đầy bí hiểm với mẹ anh, cụ bà Đàng Thị Phan, một nghệ nhân mà tên tuổi của bà không còn bó gọn trong làng gốm Bàu Trúc mà lan ra cả châu Á từ nhiều năm nay nếu ai đó nhắc đến nghệ thuật chế tác đồ gốm.. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem