Học - hành sát với thực tế

Thứ hai, ngày 16/08/2010 20:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trường Trung cấp nghề An Dương, Hải Phòng là đơn vị được xác định đi tiên phong trong việc thực hiện Quyết định 1956 dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 ở Hải Phòng. Lao động yên tâm học nghề, bởi nơi đây học đi đôi với làm.
Bình luận 0
img
Lao động nông thôn học nghề tại Trường Trung cấp nghề An Dương.

Được thành lập năm 1991 với những khó khăn chồng chất: Thiếu giáo viên cơ hữu, thiếu xưởng thực hành, đồng thời thiếu luôn cả... người học. Không nản, với niềm đam mê từ thời còn là sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vị Giám đốc trẻ Tống Văn Tuấn đã thổi bùng “ngọn lửa nghề" trong giáo viên và học viên trung tâm.

Năm năm sau ngày thành lập (1995), trung tâm đã đào tạo nghề cho hơn 10.000 lượt người (cả ngắn hạn và dài hạn). Do chủ trương được quán triệt ngay từ đầu "học đi đôi với hành", nên học viên đào tạo tới đâu, doanh nghiệp đón nhận tới đó.

Cũng xin được nói thêm rằng, tại thời điểm đó, nhiều địa phương (trong đó có Hải Phòng) các cơ sở đào tạo nghề mất cân đối nghiêm trọng giữa "đầu vào" và "đầu ra". Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do việc đào tạo "khập khiễng" với thực tế. Rốt cuộc, người học là nạn nhân, bị thả nổi, phó mặc tự xoay sở.

Nắm được thực tế đó, nhất là biết chia sẻ, đồng cảm với người học, Giám đốc Tống Văn Tuấn, một mặt đề xuất UBND huyện tăng cường cơ sở vật chất, mặt khác tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng cao trình độ. Ông Tuấn cho rằng, chất lượng là sự sống còn của đơn vị, song việc tìm hiểu, "bắt tay" doanh nghiệp cũng không thể xem nhẹ nếu không muốn lãng phí đào tạo.

Tất cả, như ông Tuấn tâm sự: "Cứ quay như chong chóng, việc nào cũng cần, không thể không làm". Kết quả là, những bản hợp đồng tuyển dụng lao động được doanh nghiệp ký với trung tâm ngày một nhiều, học viên tìm tới trung tâm học nghề cũng ngày càng đông.

Hiện, trung tâm đang đào tạo 28 ngành nghề. 6 tháng cuối năm 2010 này, trung tâm sẽ mở 30 lớp đào tạo- trong đó có nhiều lớp dạy nghề nông dân, với số học viên khoảng 1.000 người. Với cơ ngơi khang trang, gồm 3 dãy nhà cao tầng, 14 xưởng trường và các công trình phụ trợ khác, ông Tuấn khẳng định sẽ đảm bảo tốt nhất chất lượng dạy và học. Chính bởi vậy, dù đứng ở khu vực dày đặc các trường nghề (bình quân 3km/trường) như An Dương, nhưng năm nào nhà trường cũng tuyển đủ và dư chỉ tiêu quy định, thậm chí người lao động ở cả huyện ngoài, tỉnh ngoài cũng tìm về đây đăng ký học nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem