Học không bao giờ thừa

Thứ ba, ngày 06/11/2012 07:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có nhiều kỹ năng trồng trọt hiệu quả nhưng ông Năm vẫn thường xuyên đi các nơi, đến các trung tâm giống cây trồng để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức mới về hướng dẫn lại cho bà con.
Bình luận 0

Năm 1984, hết hạn nghĩa vụ quân sự, ông Phạm Hữu Năm (xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, Ninh Bình) về quê lập gia đình. Thực hiện chủ trương khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, ông đưa vợ con đến xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp lập nghiệp. Mặc dù đất rộng, nhưng Đông Sơn là vùng bán sơn địa, đất xấu, nên nghèo đói cứ đeo bám các nhà.

"Ngày trong quân ngũ, đóng quân ở Bắc Giang, thấy ND ở đây trồng cà chua, mướp đắng, dưa chuột… hiệu quả cao gấp nhiều lần lúa, hoa màu, tôi có ý định sẽ trồng rau ngắn ngày. Được vợ ủng hộ, tôi lên Bắc Giang lấy giống cây và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc rau" - ông Năm kể. Vụ đầu gia đình ông trồng 2 sào cà chua, mướp đắng, dưa chuột... Và hiệu quả ngoài mong đợi: Rau phát triển rất tốt, cho thu nhập khá cao.

img
Ông Năm (phải) hướng dẫn vợ chồng anh Xuân trị bệnh cho dưa chuột.

Thấy hướng đi này phù hợp, ông mở rộng diện tích. Hiện mỗi năm ông cung cấp cho thị trường hơn 40 tấn cà chua cùng với hơn chục tấn dưa chuột, mướp đắng, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng.

Nhu cầu rau quả ngày càng lớn, ông thấy phải gắn kết các hộ trong xã cùng làm. Được sự đồng ý của xã và Hội ND, ông vận động các ND thành lập Hội Làm vườn. Rồi ông đến từng hộ hướng dẫn kỹ thuật trồng cà chua, mướp đắng, dưa chuột... Khi thu hoạch, ông giúp bà con tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Xuân tâm sự: "Trước kia vợ chồng tôi trồng chè, lạc, lúa vất vả quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Từ ngày được bác Năm hướng dẫn trồng cà chua, mướp đắng, gia đình tôi đã có của ăn của để, nuôi các cháu ăn học". Cũng như vợ chồng anh Xuân, gia đình bà Phạm Thị Thu từng là một trong những hộ nghèo nhất xã. Được ông Năm hướng dẫn, bà vay ngân hàng để đầu tư trồng mướp đắng, dưa chuột, cà chua. Căn nhà tranh, vách đất của bà nay đã thay bằng ngôi nhà khang trang.

Ông Năm cho biết, từ 10 hội viên ngày thành lập, đến nay, Hội Làm vườn xã ông có 50 hội viên. Kinh tế hộ nào cũng khá giả.

Ông Phạm Đình Cư -Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn chia sẻ: "Ông Năm không chỉ đưa cà chua về đất Đông Sơn, mà còn có công rất lớn trong việc giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng".

Giờ đây, ông Năm vẫn thường xuyên đi các nơi, đến các trung tâm giống cây trồng để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức mới về hướng dẫn lại cho bà con. Ông bảo: "Học không bao giờ là thừa cả, khoa học công nghệ phát triển, nếu không áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì sẽ tụt hậu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem