dd/mm/yyyy

Học người xưa những cách chữa bệnh từ hoa thiên lý

Thông thường người dân trồng hoa thiên lý để làm cảnh và lấy hoa ăn. Tuy nhiên, trong y học tác dụng của hoa thiên lý lại rất tốt trong việc phòng ngừa rôm sảy, chữa mụn nhọt, mất ngủ...

Hoa thiên lý có đặc điểm gì?

Thiên lý (hay còn gọi là Cây hoa lý, Dạ lài hương) có tên khoa học là Telosma cordata, là một loài thực vật dạng dây leo. Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và được trồng phổ biến ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hoa thiên lý là dạng cây dây leo, thân dài từ 1 – 10m, màu lục ánh vàng, khi non có lông tơ và nhựa nước, khi già có màu xám nhạt, không lông, trên thân có các mấu xốp nhỏ thưa thớt. Lá thiên lý mọc đối, hình tim, mỏng mềm, màu xanh lục. Hoa thiên lý nhiều, mọc thành xim dạng tán ở nách lá, màu vàng lục nhạt, cánh hoa hợp thành ống dài, mùi thơm mát. Quả hạt dài.

Học người xưa những cách chữa bệnh từ hoa thiên lý - Ảnh 1.

Hoa thiên lý có tác dụng phòng và hỗ trợ chữa nhiều loại bệnh (Nguồn: Internet)

Cây thiên lý thường ra hoa vào mùa hè, nhiều nhất vào khoảng tháng 7. Người dân thường trồng thiên lý để làm cảnh và lấy hoa, lá nấu canh hoặc xào ăn bởi vừa ngon, vừa có tác dụng phòng và chữa nhiều loại bệnh.

Tác dụng của hoa thiên lý

Theo Đông y, các bộ phận của thiên lý đều có thể dùng làm thuốc. Hoa, lá thường thu hái vào mùa hạ, rễ vào mùa thu. Dùng ở dạng tươi hoặc phơi, sấy khô đều được.

Những công dụng của thiên lý thường sẽ khác nhau ở từng bộ phận của cây:

Lá thiên lý: Có vị cam, bình. Công dụng giúp tiêu viêm, thúc đẩy quá trình lên da non diễn ra nhanh chóng.

Rễ thiên lý: Có tác dụng trị tiểu rắt, tiểu có cặn trắng, có máu. 

Hoa thiên lý: Có vị ngọt tính bình. Tác dụng giải nhiệt, chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần, giúp ngủ ngon giấc, bổ thận, đỡ mệt mỏi, đau lưng. Ngoài ra, hoa thiên lý còn có tác dụng trị giun kim.

Một số cách dùng hoa thiên lý chữa bệnh:

Phòng ngừa rôm sảy mùa nóng

Để tránh rôm sảy mùa nóng, bạn nên nấu canh hoa thiên lý ăn hàng ngày. Với trẻ nhỏ, có thể nghiền lá và hoa thiên lý ra nấu lẫn với bột hoặc cháo.

Hỗ trợ chữa trị giun kim

Hoa hoặc lá thiên lý non nấu canh cho trẻ ăn sẽ giúp hỗ trợ điều trị giun kim. Để có hiệu quả tốt nên cho trẻ ăn từ 7 – 10 ngày.

Giảm đau nhức

Hoa thiên lý xào với thịt bò hoặc chấm với muối vừng ăn sẽ có tác dụng giảm đau nhức xương khớp hiệu quả.

Học người xưa những cách chữa bệnh từ hoa thiên lý - Ảnh 2.

Hoa thiên lý xào thịt bò có tác dụng giảm đau nhức xương khớp (Nguồn: Internet)

Chữa mụn nhọt

Lấy một lượng lá thiên lý vừa đủ, giả nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày thay 1 lần, đắp trong khoảng 2 – 3 ngày sẽ cải thiện tình trạng mụn nhọt.

Ngăn ngừa hoa mắt, chóng mặt

Hoa thiên lý phối hợp với bạch cúc, ngải cứu, rau má, lá đinh lăng, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần, uống trong 5 ngày liên tục.

Hỗ trợ chữa mất ngủ

Dùng hoa thiên lý, hoa nhài và tâm sen kết hợp với nhau sắc lấy nước uống trong ngày, uống liên tục từ 5 – 7 ngày. Hoặc dùng hoa thiên lý nấu canh với thịt heo nạc hay cá diếc, ăn ngày 1 lần, ăn trong 1 tuần liền. Bạn cũng có thể dùng hoa thiên lý nấu canh cùng với lá vông nem, ăn ngày 1 lần, ăn trong 1 tuần sẽ giúp giảm mệt mỏi, an thần, ngủ ngon.

Lưu ý: Liều lượng dùng hoa thiên lý hay các vị thuốc khác cần tham khảo thêm với thầy thuốc để đạt được hiệu quả mong muốn.

Ngoài ra, trong dân gian còn dùng lá thiên lý tươi non và bánh tẻ rửa sạch, giã nhỏ thêm muối bọc trong miếng gạc sạch đắp vào búi trĩ hay hay âm hộ (trường hợp bị sa dạ con), mỗi lần 1 ngày, để chữa bệnh trĩ và sa dạ con. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp dân gian, với những trường hợp bị bệnh trĩ hay bị sa dạ con người bệnh vẫn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị thích hợp.

Hồng Phượng