Học nuôi con thoát... còi

Tùng Anh Chủ nhật, ngày 11/10/2015 10:28 AM (GMT+7)
Câu lạc bộ (CLB) Dinh dưỡng là địa chỉ quen thuộc mà 2 năm nay nhiều chị em người Thái và người Mông ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) tìm đến sinh hoạt để học cách chăm con một cách khoa học.
Bình luận 0

Bỏ thói quen cũ

Cứ đúng lịch sinh hoạt một tháng 2 lần, gác việc đồng áng, chị em phụ nữ xã Hát Lừu (Trạm Tấu) lại tập trung tại Nhà văn hóa thôn Hát 2 để tham gia CLB Dinh dưỡng dành cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Không ai bảo ai, người chuẩn bị rau, người thái thịt, người nhóm bếp, dọn mâm... để chuẩn bị buổi trình diễn dinh dưỡng có tiêu đề - Nấu cháo đúng cách cho con. Sau khi khởi động bằng các trò chơi, chị Đồng Thị Quyên (dân tộc Thái) – phụ trách CLB kiểm tra lại những kiến thức đã trao đổi với chị em ở buổi sinh hoạt trước và dạy cách nấu cháo đúng dinh dưỡng cho các bà mẹ.

img

Một buổi sinh hoạt CLB Dinh dưỡng ở thôn Hát 2 (Hát Lìu, Trạm Tấu, Yên Bái). Ảnh: Tùng Anh

Để tham dự buổi sinh hoạt, chị Lò Thị Hội (thôn Hát 2) phải địu theo cả đứa con thứ 5 mới được hơn 1 tuổi đến. Tuy có tới 5 con nhưng chị Hội chưa bao giờ biết nấu cháo đúng cách cho chúng ăn, nên đứa nào cũng còi cọc và thường xuyên ốm đau. Chị bảo: “Trong chuồng có gà, có trứng, ngoài vườn có rau, đi làm cũng bắt được con tôm, con cá đấy nhưng không nấu cháo cho con ăn bao giờ. 1 tuổi thì toàn nhai cơm với muối, nhai sắn, khoai cho ăn thôi. Trẻ con không cho ăn rau, ăn cá thì tanh nên chỉ người lớn ăn thôi”.  Cũng vì không có kiến thức chăm con nên cháu Lò Đức Cường con chị Lò Thị Ịnh (thôn Hát 1) hơn 2 tuổi mà mới được có 8kg, bị suy dinh dưỡng nặng. Vậy mà khi mới được vận động tham gia CLB, chị Ịnh còn e dè, chồng và bố mẹ chồng cũng không cho đi vì cho rằng “trẻ ở miền núi bao lâu nay vẫn nuôi thế, lăn lóc như củ khoai, củ sắn rồi cũng lớn cả, cần gì phải dinh dưỡng”.

Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng

Nói về trẻ suy dinh dưỡng, ông Trịnh Văn Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu cho biết: “Hiện còn 29,71% trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ nhẹ cân cũng rất cao tập trung chủ yếu ở trẻ dân tộc Mông và Thái, mà nguyên nhân là do tập quán lạc hậu, kinh tế quá khó khăn ít quan tâm đến việc chăm sóc con cái, khi trẻ ốm đau, quặt quẹo có khi họ còn chả cho xuống trạm y tế mà để ở nhà cúng ma”.

Những ngày đầu thành lập (2014) chỉ có gần 10 người tham gia, nhưng sau 1 năm, riêng ở xã Hát Lìu đã có 5 CLB sinh hoạt thường niên và hiệu quả.  Chị Lò Thị Sen – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hát Lìu cho biết: “Ban đầu trong CLB có 30 trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu cân, thấp còi, nhưng sau 1 năm mẹ tham gia CLB thì chỉ còn 12 trẻ”.

Tại mỗi buổi sinh hoạt, chị em được dạy những kiến thức về cách cho con ăn, phòng bệnh tiêu chảy, ăn chín uống sôi, tẩy giun định kỳ cho con, trồng vườn rau dinh dưỡng tại nhà để có rau bổ sung vào bữa ăn của trẻ... thông qua các trò chơi, hình vẽ và thực hành cụ thể. Hàng tháng, chủ nhiệm CLB còn xuống tận nhà chị em để “thực địa” xem chị em có làm đúng như những gì được học không? Kiểm tra cân nặng của trẻ liên tục. 

 Được sự bảo trợ của Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision), 50/50 cán bộ y tế thôn bản và chủ nhiệm các CLB dinh dưỡng ở Trạm Tấu đã được tập huấn thực hành về dinh dưỡng, kỹ năng làm việc với các hộ gia đình, hướng dẫn, tuyên truyền và vận động thực hiện đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Đến nay mô hình đã nhân rộng lên 25 CLB thuộc 34 thôn ở Trạm Tấu với 603 trẻ được thụ hưởng. Hiện đã có 534 bà mẹ là thành viên CLB, trong đó 128 người Mông và 63 người Thái.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem