Học phí đóng theo kỳ nhưng học theo tín chỉ ở các trường đại học Mỹ, phụ huynh đọc để tránh bị "sốc"

Tào Nga Thứ hai, ngày 16/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Đóng học phí thế nào, mỗi kỳ học bao nhiêu tín chỉ, liệu có trường hợp đóng học phí cả kỳ nhưng chỉ được học 1 môn hay không?... là những câu hỏi phụ huynh quan tâm ở các trường đại học Mỹ.
Bình luận 0

Học phí các trường đại học Mỹ: Mỗi sinh viên có chính sách đóng khác nhau

Liên quan đến vấn đề học thuật và học phí các trường đại học ở Mỹ đang được phụ huynh, sinh viên quan tâm, trao đổi với PV báo Dân Việt, anh Giang Nguyễn, Giám đốc The Ivy-League Vietnam, tốt nghiệp đại học Cornell, đại học Luật Boston và đại học Luật Pennsylvania, Mỹ, cho biết: "Học phí là câu chuyện "sòng phẳng" ở các đại học Mỹ. 

Học phí được công khai trên website của mỗi trường. Hơn nữa, trước khi nhập học, nhà trường sẽ gửi thông báo chi tiết học phí và mọi phụ phí kèm theo tới từng học sinh. 

Ví dụ, học phí của một đại học công bố trên website là 65.000 USD mỗi năm thì phụ huynh phải hiểu đây chỉ là học phí. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác như phí bảo hiểm, phí trường (school fee), phí tài liệu, chi phí ăn ở... 

Học phí được đóng theo từng học kỳ. Cứ đến đầu kỳ, phòng tài chính của trường (bursar) sẽ gửi hóa đơn thu học phí tới tài khoản học tập của học sinh. Học sinh có nghĩa vụ phải kiểm tra tài khoản và hoàn thành nghĩa vụ học phí đúng hạn. Nếu nộp chậm sẽ bị phạt lãi suất tối thiểu. Nếu không nộp sẽ bị tạm đình chỉ học, trừ trường hợp có lý do chính đáng. 

Mỗi học sinh có một chính sách học phí khác nhau vì mỗi học sinh sẽ được hưởng một mức ưu đãi học phí (financial aid) khác nhau. Học phí là bảo mật (private and confidential). Nhà trường không có nghĩa vụ phải công khai mức học phí của từng học sinh tới bất kỳ ai, trừ trường hợp có yêu cầu chính đáng của tòa án hoặc một cơ quan có thẩm quyền khác.

Học phí các trường đại học Mỹ đóng theo kỳ nhưng học theo tín chỉ, phụ huynh đọc tránh bị "sốc" - Ảnh 1.

Anh Giang Nguyễn, Giám đốc The Ivy-League Vietnam. Ảnh: NVCC

Quy định số tín chỉ học

Theo anh Giang Nguyễn, đại học Mỹ không quy định số lượng môn học bắt buộc mỗi học kỳ mà sẽ quy định số tín chỉ học sinh phải đăng ký mỗi học kỳ và tùy vào số lượng tín chỉ học sinh sẽ lấy số môn tương ứng. Số tín chỉ tối thiểu và tối đa cũng khác nhau tùy theo từng trường. 

Ví dụ, một trường đại học ở bang New York có thể quy định mỗi học kỳ một học sinh phải lấy tối thiểu 12 tín chỉ (credit) và tối đa không quá 17 tín chỉ. Theo đó, học sinh sẽ lấy khoảng 3 tới 4 môn tùy theo số lượng tín chỉ của từng môn. Cụ thể, môn Giải tích (Calculus) có 4 tín chỉ, môn Sinh học (Biology) 3 tín chỉ, môn Vật lý (Physics) 4 tín chỉ, môn Hóa học (Chemistry) 4 tín chỉ. Như vậy tổng số là 15 tín chỉ, vượt mức tối thiểu nhưng chưa chạm mức tối đa. 

"Có những trường lại không quy định mức tín chỉ tối đa mà cho học sinh lấy các môn học thoải mái miễn là không trùng lịch học. Ví dụ khi tôi học ở đại học Cornell, tôi được phép học thoải mái các môn miễn là lịch học không trùng nhau. Cornell thời tôi học không quy định số tín chỉ tối thiểu hay tối đa. Nhưng mỗi chương trình học quy định số lượng tín chỉ tối thiểu để tốt nghiệp. Ví dụ chương trình thạc sỹ của Đại học Cornell quy định 48 tín chỉ để tốt nghiệp. Như vậy nếu mỗi học kỳ sinh viên lấy 24 tín chỉ (điều này là gần như không thể) thì có thể đủ tín chỉ tốt nghiệp sau một năm, và năm còn lại học sinh có thể học bất cứ môn nào mình muốn", anh Giang Nguyễn chia sẻ.

Học phí các trường đại học Mỹ đóng theo kỳ

Học phí đóng theo kỳ nhưng đăng ký học theo tín chỉ, vậy liệu có trường hợp sinh viên phải đóng tiền cả kỳ nhưng chỉ đăng ký được 1 môn? Trước vấn đề này, anh Giang Nguyễn lý giải: "Tôi nghĩ tùy theo từng trường, nhưng chuẩn mực chung là mỗi học sinh sẽ phải lấy ít nhất số tín chỉ tối thiểu một học kỳ. Ví dụ, tại đại học Pennsylvania tôi đang theo học, mỗi sinh viên phải lấy ít nhất 9 tín chỉ (credit) một học kỳ. Nhưng với những trường không quy định số tín chỉ tối thiểu một học kỳ mà chỉ quy định số tín chỉ tối thiểu cho cả chương trình học thì về lý thuyết một học sinh có thể học một môn học một học kỳ. 

Việc học sinh học bao nhiêu môn một học kỳ không liên quan tới học phí học kỳ đó vì học phí là đóng nguyên cục (lump sum) còn học bao nhiêu như thế nào là tùy sinh viên đó theo chính sách học thuật của từng trường. Không có chuyện học môn nào đóng tiền môn đó, trừ trường hợp chẳng hạn như học sinh trường luật muốn sang học một môn nào đó bên trường kinh doanh thì phải đóng tiền cho môn học đó".

"Có người cho rằng đóng học phí như vậy là thiệt thòi cho phụ huynh khi học 1 môn cũng phải đóng như sinh viên học 3, 4 môn. Theo tôi, phụ huynh đã tin tưởng nhà trường thì cứ giao con cho nhà trường đào tạo, còn đào tạo như thế nào là quyền của nhà trường. Phụ huynh cứ đóng học phí theo quy định và thỏa thuận (nếu có financial aid) ban đầu. Học sinh lấy bao nhiêu môn và bao nhiêu tín chỉ đề tốt nghiệp là việc của học sinh và nhà trường. Việc này phụ huynh không nên và không thể can thiệp. 

Các trường ở Mỹ rất nghiêm khắc về vấn đề này. Không có chuyện hơi tí là phụ huynh đến trường làm om sòm lên như ở Việt Nam. Nếu phụ huynh hay sinh viên không hài lòng với chính sách học phí và học thuật của nhà trường thì có thể khởi kiện, còn việc khởi kiện đó có căn cứ pháp lý hay không là do tòa án quyết định.

Việc kỳ nào học môn nào để tốt nghiệp là hoàn toàn phụ thuộc vào sinh viên và nhà trường. Mỗi trường đều có cố vấn học thuật và sinh viên có thể trao đổi với cố vấn để lấy các môn phù hợp kịp tốt nghiệp. Trong trường hợp không thể lấy nổi đủ số môn để tốt nghiệp mà không phải do lỗi của sinh viên thì nhà trường phải bố trí cho sinh viên đó học môn bổ sung nào đó để tốt nghiệp.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Chia sẻ về việc học ở Mỹ, anh Giang Nguyễn cho hay: "Việc cạnh tranh giành suất học một môn nào đó ở Mỹ là rất khốc liệt. Mỗi học kỳ đều có thời gian đăng ký sớm kéo dài 2 tuần trước khi bắt đầu năm học. Đây là thời gian để các học sinh đấu thầu (bidding) môn học và nếu được giáo sư nhận thì sẽ được học. Mỗi môn đều có hạn chế số lượng tối đa học sinh tham gia, nếu đủ học sinh rồi thì không thể đăng ký được nữa. Học sinh phải nằm trong danh sách đợi (waitlist) cho tới khi được gọi theo thứ tự. Nếu đó là môn học để kịp tốt nghiệp cho học kỳ tới thì thường giáo sư sẽ ưu tiên nếu học sinh đề nghị.

Mọi thứ thật đơn giản và bất kỳ sinh viên nào qua Mỹ học đều thấy thật dễ dàng. Mỗi trường đại học Mỹ là cả một nguồn lực to lớn mà mỗi sinh viên tự biết cách khai thác sao cho có lợi nhất cho bản thân. Tự mỗi sinh viên phải tìm hiểu và làm quen, nếu không hiểu thì đi hỏi phòng quản lý học thuật hoặc tài chính".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem