Học sinh đánh nhau, tung clip như "mốt": Bất lực?

Thứ hai, ngày 05/12/2011 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ cần vào google gõ cụm từ “clip nữ sinh đánh nhau” ngay lập tức có hơn 1,88 triệu video với những đề tựa giật gân, gây sốc.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, giới trẻ lan truyền những clip đánh nhau, làm nhục bạn như một cái “mốt”. Những clip này là tâm điểm để các chuyên gia giáo dục bàn thảo giải pháp giảm thiểu, nhưng dường như họ đang bất lực.

img
Học sinh phổ thông cần được giáo dục nhận thức đạo đức nhiều hơn.

Đạo đức hay trò đùa?

Gần đây nhất, ngày 29.11, trên mạng Internet phát tán một clip ghi học sinh nữ Trường THCS Thuận Châu (Sơn La) bị một nhóm học sinh nam “sàm sỡ” ngay tại trường học. Clip đã được xác minh việc sàm sỡ chỉ là một trò đùa, và nhóm học sinh này không ý thức được tác hại khi tung clip lên mạng nhưng vẫn để lại nhiều dư âm “gợn”.

Trước đó, ngày 20.11, cư dân mạng xôn xao về clip “Nữ sinh lớp 7 bị lột áo” tại Trường THCS Lý Tự Trọng (Trảng Bom, Đồng Nai). Điều đó cho thấy, sau rất nhiều vụ tai tiếng, những clip tương tự không hề giảm mà ngày càng gia tăng với mật độ nhiều hơn, độ tuổi nạn nhân ngày càng trẻ, khiến xã hội phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng đạo đức học sinh đang ngày càng xuống cấp?

Khảo sát mới nhất của Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học từ 200 nữ sinh tại 2 trường THPT ở Hà Nội cho thấy: 96,7% số học sinh được hỏi nói rằng hiện tượng nữ sinh đánh nhau có xảy ra tại trường mình.

Trong các em nữ từng đánh nhau thì số nữ sinh một lần đánh nhau là 12,7%, 2-3 lần là 20,7%, 4-5 lần là 10,7% và 19,3% đánh nhau từ 5 lần trở lên. Không có sự khác biệt giữa các lớp học về tỷ lệ nữ sinh có hành vi đánh nhau. Như thế, các em lớp 10 cũng sánh ngang các chị lớp 11, 12 về “thành tích” nói chuyện với bạn bè bằng vũ lực.

TS Trần Hoà Bình –Giám đốc Trung tâm cho biết: “Đáng sợ nhất là các em không nhận thức được hành vi của mình là sai, có tới 57,3% số nữ sinh từng đánh nhau coi việc đó là “bình thường” và 39,6% số nữ sinh “chấp nhận được” hành động này. Đó là một sự lệch chuẩn đạo đức nghiêm trọng”.

Ở mức độ vi phạm cao hơn, đại tá Nguyễn Đức Chung – Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết: “Từ năm 2010 đến nay riêng TP.Hà Nội đã xảy ra 42 vụ học sinh tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 2 vụ giết người từ mâu thuẫn rất nhỏ. Từ năm 2008 đến nay đã có gần 1.000 đối tượng là học sinh vi phạm hình sự, riêng năm 2011 đã phát hiện, xử lý 110 đối tượng”.

Lỗ hổng giáo dục?

TS Trần Hoà Bình cũng đưa ra phân tích: “Gia đình là cái nôi đào tạo nhân cách đầu tiên cho học sinh, nhưng có 84,7% số nữ sinh đánh nhau nói rằng trong gia đình các em có hành vi bạo lực giữa các thành viên, trong đó 12% bạo lực giữa cha mẹ; 16,7% bạo lực giữa anh, chị em và mức độ bạo lực giữa cha mẹ và con cái là 32,7%. Đó là những nguyên nhân chính tác động đến tâm lý “nổi loạn” của các em”.

Nhiều học sinh chưa nhận thức được hành vi đánh nhau, làm nhục bạn rồi quay clip phát tán là vi phạm đạo đức, pháp luật, các em hồn nhiên cho đó là những trò đùa. Điều này dẫn đến ngày càng có nhiều “trò đùa” gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, tiến sĩ văn học Đoàn Hương cho rằng: “Mọi cách cư xử hiện nay đều xuất phát từ văn hoá cả. Đơn cử như văn hoá đọc của các em hiện nay rất kém, từ sự yếu kém đó dẫn đến suy nghĩ không sâu sắc về xã hội và có những việc làm vô văn hóa”.

Bên cạnh đó, sự lệch chuẩn trong giáo dục tại nhà trường được đánh giá là yếu tố khách quan nhưng có tác động lớn. PGS - TS Phạm Hồng Tung – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Việc xem nhẹ các môn khoa học xã hội chính là xu hướng khiến các em xa dần những giá trị đạo đức nhân văn cần thiết để hình thành nhân cách”.

Cũng theo ông Tung, sức ép từ gia đình, bạn bè và xã hội chuộng bằng cấp đã khiến các em không còn thời gian… để thở. Vì vậy, cuộc chạy đua này sớm muộn cũng phải kết thúc hoặc có giải pháp can thiệp nhẹ nhàng. “Sau 12 năm học mà không thi đậu ĐH là coi như công cốc, những suy nghĩ ấy đã khiến các em chán nản và có thái độ bất cần. Điều đó rất nguy hiểm và có thể dẫn tới hành vi phạm tội” – ông Tung nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem