Học tại nhà khó mà hiệu quả?

Nguyễn Thiêm Thứ tư, ngày 10/05/2017 10:55 AM (GMT+7)
Không phải tự nhiên mà hầu hết các nước tiên tiến ở trên thế giới như Đức, Thụy Điển, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy hoàn toàn cấm việc tự học tại nhà.
Bình luận 0

Khi chương trình giáo dục phổ thông mới đang được đưa ra mổ xẻ, góp ý rầm rộ thì dư luận lại đổ dồn sự quan tâm đến câu chuyện về của một gia đình sẵn sàng “khước từ” phương pháp giáo dục ở trường, lớp để về nhà... đóng cửa dạy con.

Đó là câu chuyện của gia đình anh Đặng Quốc Anh, chị Lê Thị Thanh ở TP.HCM cùng 2 con trai là Đặng Thái Anh (sinh năm 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh năm 1998). Cả hai cậu con trai đều đã được cho nghỉ học vì cảm thấy quá mệt mỏi với trường lớp.

Chia sẻ với báo chí, chị Thanh cho biết, các con chị từng gặp những “bất công” khi học ở trường. Con trai lớn vì không thuộc bài đã từng bị cô giáo bắt phạt cùng 20 bạn khác đứng trước cửa phòng giám hiệu để học.

Con trai nhỏ thì thường được “đặc cách” gọi truy bài và có lần được giao 10 trang bài tập về nhà, làm không hết sẽ bị phạt ngồi xuống đứng lên. Tất cả chỉ vì con... không đi học thêm(?!).

img

Thái Anh và Nhật Anh tự học tại nhà. Ảnh: Infonet

Cũng là giáo viên nên vợ chồng chị cho rằng, cách giáo dục như vậy là phản khoa học. Hơn nữa, anh chị cũng nhận thấy chương trình học của các con quá nặng nề nhưng chỗ cần thì vẫn... thiếu.

Có hai luồng ý kiến trái chiều quanh câu chuyện này, một bộ phận phụ huynh đang loay hoay thích nghi với những cải cách giáo dục thì cho rằng đây có thể là một hướng đi mới, hay ít nhất là một “lời cáo trạng lạnh lùng”.

Ngược lại, các chuyên gia thì cho rằng dù môi trường giáo dục có như thế nào đi chăng nữa thì dạy con tại nhà cũng không phải là một lựa chọn đúng đắn. Họ cho rằng, ngoài việc phải tốn quá nhiều công sức, tiền bạc, thời gian... bố mẹ không thể giúp con có được những mối quan bạn bè, thầy cô, những kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, chia sẻ khi nhốt con trong... lồng kính.

img

Học tại trường với sự hướng dẫn của giáo viên là phương án tối ưu. Ảnh: Ngọc Thọ

Bản thân tôi không muốn bàn luận thêm về việc phải - trái, đúng - sai của phương pháp giáo dục tại nhà này mà chỉ muốn kể lại một câu chuyện đi học của cô bé Totto - chan.

Totto - chan là một học sinh đặc biệt, em bị đuổi học chỉ sau 1 tuần bước vào... lớp 1. Lý do giáo viên đưa ra vì em rất thích “làm loạn trong lớp học” và không kiềm chế được việc thể hiện những điều mình thích.

Rất đau lòng khi con bị coi là học sinh cá biệt và bị trường học từ chối, nhưng mẹ của Totto - chan chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ để cô bé ở nhà tự giáo dục. Bà cho rằng, dứt khoát phải tìm được một trường nào họ hiểu con bà và dạy con cách cư xử với mọi người.

Và người mẹ đó đã tìm đến ngôi trường Tomoe - nơi có những lớp học được dạy trong toa tàu bỏ trống, nơi có vị hiệu trưởng sẵn sàng ngồi 4 tiếng đồng hồ chăm chú lắng nghe cô bé Totto - chan thao thao bất tuyệt về đủ chuyện trên trời, dưới biển.

Đó cũng là nơi không có những hình phạt, những lời mắng mỏ. Kể cả khi cô bé múc cả hố phân bẩn thỉu lên chỉ để tìm chiếc ví bị rơi, em cũng chỉ nhận được một ánh mắt trìu mến của thầy giáo “làm xong em nhớ đổ lại tất cả nhé”.

Nơi đó, cô bé Totto - chan học được cách chia sẻ, vượt qua thử thách, có tình bạn, tình thầy trò đẹp đẽ, sự đồng cảm với những cảnh đời thiếu may mắn, sự thấu hiểu những khó khăn của những người nông dân trên đồng ruộng...

Quan trọng hơn, đó là nơi cô bé cá biệt, bị xã hội từ chối được hòa nhập, nhận được những lời chân thật, đầy tin tưởng “Em biết không, em là cô bé ngoan, thật đấy!”

Tomoe là ngôi trường có thật và chuyện đi học của Totto - chan cũng là câu chuyện thật ở Nhật Bản cách đây những ... 80 năm (1937). Tuy nhiên, câu chuyện đó, ngôi trường đó vẫn là một mơ ước xa xỉ không chỉ đối với nhiều bậc cha mẹ khác trên thế giới nhất là những người đã từng đọc qua cuốn sách này.

Tất cả những điều đó để nói lên rằng những mâu thuẫn bao giờ cũng hiện diện. Nhưng, cha mẹ vẫn phải đưa con đến trường và tìm kiếm một môi trường giáo dục tốt nhất trong điều kiện có thể để phù hợp với con và chính bản thân mình.

Lo lắng khi đưa con đến trường, cha mẹ có thể cố gắng cho con một đặc quyền sống ở một môi trường giáo dục “vô trùng”: không áp lực, không hình phạt, không bạo lực học đường... chỉ có yêu thương và sự hi sinh vô điều kiện.

Thế nhưng, cha mẹ có thể làm được điều đó bất chấp khó khăn trong 5 năm, 10 năm hay 20 năm... nhưng không thể theo con đến suốt đời.

Con sẽ vẫn phải đối mặt với những áp lực trong cuộc sống và môi trường làm việc khắt khe, sẽ có những lúc bị trừng phạt vì sai sót, sẽ có những khi phải chịu bất công, chịu chèn ép mà chẳng phải vì mình sai...

Khi đó, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục vô trùng sẽ rất dễ bị gục ngã và khó có sức đề kháng để đứng lên, làm lại từ đầu.

Không phải tự nhiên mà hầu hết các nước tiên tiến ở Châu Âu nước như Đức, Thụy Điển, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy... hay Trung Quốc, Brazil hoàn toàn cấm việc tự học tại nhà.

Những nước có giáo dục phát triển nhất như Anh, Mỹ, Úc... thì đều coi Homeschooling là một trong những lựa chọn về phương pháp giáo dục. Và để được theo lựa chọn này, học sinh vẫn phải trải qua những kỳ sát hạch theo tiêu chuẩn chung mới được công nhận.

Và thậm chí, cả “cái đích” mơ ước của nhiều bậc cha mẹ theo đuổi phương pháp Homeschooling là Trường đại học lừng danh là Harvard cũng từng thừa nhận một thực tế rằng: Trong nhiều thập kỷ nay, Harvard từng nhận những đứa trẻ Homeschool nhưng số đó chỉ chiếm chưa đến 1% sinh viên Harvard, trừ năm 2011, con số này là 3,4%.

Đủ để thấy học tại nhà không hẳn là giải pháp phù hợp với Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem