"Hội chứng đám đông" và tính minh bạch của thị trường chứng khoán
"Hội chứng đám đông" và tính minh bạch của thị trường chứng khoán
Phan Huy Hà
Thứ tư, ngày 27/04/2022 10:41 AM (GMT+7)
Hai ngày qua, thị trường chứng khoán lên xuống đảo chiều như chong chóng, hồi hộp và bất ngờ hơn… xem phim hành động. Vậy nguyên nhân gì dẫn đến hệ quả này?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã vừa chứng kiến 3 tuần rung lắc, downtrend thảm hại. Nhiều hôm, sắc đỏ làm bảng điện tử chứng khoán "rực rỡ", nhưng làm mặt nhiều người chơi chứng khoán "xám xịt". Chỉ số VN-Index lao dốc nhanh, có thời điểm rơi liên tục 12 phiên. Ngày 19/4, VN-Index giảm hơn 26 điểm, về 1406 điểm, mức thấp nhất sau khoảng nửa năm, kể từ tháng 10 năm 2021 đến lúc đó. Ngày 22/4, cuối tuần trước, VN-Index chỉ còn 1379 sau hàng loạt phiên giảm điểm.
Hai hôm đầu tuần này (ngày 25 và 26/4), thị trường chứng khoán còn đảo điên hơn. Ngày 25/4, ngày giao dịch được coi là Ngày thứ Hai đen tối của thị trường chứng khoán Việt Nam khi rất nhiều cổ phiếu nằm sàn, mất thanh khoản. VN-Index có thời điểm mất hơn 68 điểm. Tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, đám đông đua nhau bán tháo. Sáng 26/4, đám đông nhà đầu tư hoảng loạn hơn, tiếp tục bán tháo. VN – Index có lúc mất 80 điểm. Nhưng, đến kết phiên chiều, thị trường đảo chiều, tăng 30 điểm so với hôm 25/4.
Phân tích về thị trường lên xuống đảo điên những ngày qua, các chuyên gia kinh tế nhận định và mổ xẻ khá nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể kể đến: Tin đồn bắt người này người kia và cả tin bắt thật hoàng loạt doanh nhân ở FLC, Công ty chứng khoán BOS, Louis Holdings và Công ty Chứng khoán Trí Việt; niềm tin nhà đầu tư lung lay sau thời thăng hoa của thị trường, xuất hiện Hội chứng đám đông bán tháo; tỷ lệ margin của nhà đầu tư cao, bị công ty chứng khoán bán tháo thu vốn…
Vậy hội chứng đám đông trước tin đồn và thông tin chứng khoán thiếu minh bạch là như thế nào?
Ngược lại thời gian, bắt đầu từ ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, đã có tin đồn trên mạng xã hội là Trịnh Văn Quyết bị cấm xuất cảnh. Lập tức giá cổ phiếu của họ nhà FLC giảm sàn. Khi tin đồn thành thật, dân mạng và nhà đầu tư càng có cớ để tin… tin đồn. Bắt đầu từ đây, những tin đồn về bắt người này, người kia, bắt ông trưởng, bà phó… cứ râm ran. Nhiều cổ phiếu giảm giá, nằm sàn. Nhiều cổ phiếu "múa bên trăng" theo như cách nói của dân chơi là trắng bên mua, tức là chỉ có người bán mà không có người mua.
Sự việc càng đi xa hơn khi loạn tin đồn và thị trường chứng khoán xuất hiện "Hội chứng đám đông". Nhiều nhà đầu tư mới tham gia theo phong trào, theo đám đông người trước đó "lướt sóng" ăn may mà không có kiến thức cơ bản nào về thị trường chứng khoán. Khi có biến, thấy xu hướng thị trường đi xuống, xuất hiện rủi ro, liền đua nhau bán tháo cổ phiếu. VN-Index giảm sâu, thị trường bị "thổi bay" hàng ngàn tỷ đồng.
Cũng cần phải nói rõ hơn về các F0, những nhà đầu tư mới của thị trường chứng khoán.
Những tháng cuối năm 2021, thị trường chứng khoán chứng kiến sự bùng nổ của dòng tiền tham gia đầu tư của các F0. Có nhiều lý do, như dịch bệnh làm sản xuất đình trệ, lãi suất ngân hàng thấp nên thị trường chứng khoán thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân... Và đáng lưu ý hơn, có dấu hiệu mồi chài, "thổi giá" chứng khoán. Nhiều người như bị bỏ bùa mê. Bởi hầu như cứ tham gia là lãi. 1 đồn 10, 10 đồn trăm, cứ thế lập nên 1 kỷ lục cho thị trường chứng khoán.
Số người mới tham gia thị trường chứng khoán, theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, tháng 12.2021 đạt kỷ lục với 226.580 đơn vị. Tính cả năm 2021, cá nhân mở mới hơn 1,53 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 4 lần so với cả năm 2020.
Những người mới thường thích đi theo đám đông ngắn hạn nên dễ tham gia vào những nhóm cổ phiếu tăng nóng ngắn hạn để kiếm lãi. Nhưng khi thị trường gặp biến, đám đông hoảng loạn lại theo nhau bán tháo bằng mọi giá.
Vậy "Hội chứng đám đông" là gì? Có thể hiểu một cách đơn giản: "Hội chứng đám đông" là việc một số đông người thực hiện một hành động giống nhau theo vô thức, theo phong trào, không hiểu rõ và không nhận thức được ý nghĩa của hành động mình đang làm, thấy người ta làm thì mình cũng bắt chước làm theo, làm a dua theo người khác. Họ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh trong việc lựa chọn hành vi, xu hướng của mình.
Theo các chuyên gia xã hội học, "Hội chứng đám đông" trong xã hội rất cần phải được chấn chỉnh. Chúng ta đã thấy Hội chứng đám đông trong kinh doanh đa cấp bất chính. Hội chứng đám đông trong đầu cơ bất động sản. Hội chứng đám đông trong mua vàng Ngày Thần tài. Hội chứng đám đông trên mạng xã hội, khi trút giận, chửi rủa hay thương xót, bi ai về những việc mà mình chẳng nắm rõ…
Trong thị trường chứng khoán, hội chứng đám đông lại là cơ hội cho những kẻ xấu phạm tội, thao túng thị trường chứng khoán làm lợi cho mình. Trịnh Văn Quyết chỉ đạo 11 tổ chức lập ra 20 tài khoản để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả là 1 ví dụ. Mới đây nhất, ngày 20/4, Bộ Công an tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam một loạt cá nhân có hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" như Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt)...
Nhưng cũng phải nhấn mạnh, không có "Hội chứng đám đông" thì những kẻ xấu muốn phạm tội cũng "không có đất dụng võ". Và đặc biệt là sự thiếu minh bạch thông tin của nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán là "mảnh đất màu mỡ" cho kẻ xấu lợi dụng. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu minh bạch thông tin để trục lợi trong thị trường chứng khoán. Thông tin xấu, nhiễu tràn lan. Tin đồn cứ thế bị lợi dụng phát tán để kẻ xấu thao túng thị trường. Các "tổ lái" chứng khoán mặc sức bay nhảy.
Mới đây, chỉ đạo liên quan đến thị trường chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc thông tin, tuyên truyền phải khách quan, trung thực, chính xác, minh bạch. Chính phủ quyết tâm làm lành mạnh hoá thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển đất nước.
Và nhà đầu tư cổ phiếu trong thị trường chứng khoán có nên tham gia theo kiểu a dua, dễ bị lợi dụng theo hội chứng đám đông? Còn việc thông tin chứng khoán phải minh bạch, thị trường chứng khoán phải được lành mạnh hóa thì Chính phủ đã quyết tâm, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.