Hội chứng... sợ bệnh viện

Thứ hai, ngày 24/10/2011 15:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều đồng bào dân tộc ở vùng cao “sợ” không tới bệnh viện dẫn đến hàng loạt các căn bệnh hiểm nghèo chỉ được phát hiện trong những đợt khám bệnh miễn phí trực tiếp.
Bình luận 0

Hơn 10 năm mới đi khám bệnh

Ấn tượng khó phai đối với các bác sĩ khám miễn phí cho 500 bệnh nhân nghèo trên địa bàn huyện Phong Thổ (Lai Châu) là bệnh nhân Tẩn Sài Chu, dân tộc Dao ở bản Lao Chải, xã Sì Lở Lầu. “Khi tôi thăm khám bệnh, ông Chu nói “tôi bị đau trong lòng”.

img
Bác sĩ của EVN khám bệnh cho đồng bào ở xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu).

Phải nhờ tới phiên dịch tôi mới hiểu ý ông ấy nói là đau bụng. Qua các bước khám, chúng tôi phát hiện ông Chu bị viêm loét dạ dày trong thời gian dài” - bác sĩ Huỳnh Anh Dũng – Trạm trưởng Trạm Y tế của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết.

Hơn 10 năm nay, ông Chu mới đi khám bệnh tại đợt khám miễn phí này. Không chỉ có ông Chu, có đến hàng trăm bệnh nhân nói với bác sĩ là đã nhiều năm nay chưa từng tới trạm xá hay bệnh viện để khám sức khoẻ hoặc điều trị bệnh.

Theo BS Lê Văn Tám - khoa Ngoại (Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, Lai Châu): “Ngoài lý do sợ nhà xa, điều trị tốn kém, đồng bào vùng cao thường có tâm lý “sợ” bệnh viện. Mặc dù người dân đều có thẻ BHYT miễn phí, nhưng cả năm cũng chẳng ra tới trạm xá xã chứ đừng nói là tới bệnh viện huyện cách đó tới gần 100 cây số. Chỉ khi nào mắc bệnh đau không chịu được, họ mới đi khám, lúc đó hầu hết các căn bệnh đều đã rất nghiêm trọng”.

Y sĩ, Tạ Văn Hạnh ở Đồn Biên phòng 289 đóng trên địa bàn Sì Lở Lầu cũng khẳng định: “Năm 2007, khi mới vào đây công tác, tôi thấy hầu hết đồng bào dân tộc khi có bệnh đều tới thầy cúng, trẻ em bị suy dinh dưỡng rất phổ biến. Đặc biệt, họ rất sợ đi bệnh viện vì sợ… dao kéo. Cứ nhìn thấy nhân viên y tế lấy các dụng cụ khám bệnh là sợ”.

Nhiều bệnh hiểm nghèo

Bác sĩ Huỳnh Anh Dũng chia sẻ: “Thói quen không quan tâm tới sức khỏe của người dân ở nông thôn, nhất là đồng bào ở miền núi hiện nay là rất nguy hiểm. Có khoảng 70% người dân trong độ tuổi lao động ở Sì Lở Lầu tới khám bệnh đã phát hiện bệnh viêm dạ dày, nếu để lâu ngày có thể dẫn tới các biến chứng như thủng dạ dày, ung thư dạ dày”.

Ngoài căn bệnh phổ biến là viêm dạ dày, qua khám bệnh, các bác sĩ tình nguyện cho biết, đồng bào vùng cao còn mắc phải nhiều căn bệnh rất hiểm nghèo. Trong số các bệnh nhân nữ được khám có khoảng 90% chị em mắc bệnh phụ khoa; có người do đẻ nhiều lần còn mắc phải bệnh trực tràng thông với âm đạo. Đặc biệt, dù ở vùng cao, cách thị xã Lai Châu tới hơn 100km, nhưng ở Sì Lở Lầu cũng phát hiện 3 ca nghi mắc bệnh tay chân miệng.

Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao ngoài đầu tư cơ sở vật chất còn cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân bỏ thói quen “sợ” bệnh viện. Nếu không, cơ sở vật chất có tốt cũng vô nghĩa.

“Qua những dấu hiệu bên ngoài, chúng tôi nghi ngờ 3 cháu nhỏ mắc bệnh tay chân miệng, nhưng để xác định chính xác có phải bệnh đó không, cần có những xét nghiệm. Chúng tôi đã tư vấn cho người dân đưa trẻ lên tuyến trên để khám lại và được điều trị kịp thời, tránh để lây ra các trẻ nhỏ xung quanh” - BS Huỳnh Anh Dũng cho biết.

Theo BS Lê Văn Tám, ở nhiều xã vùng cao, căn bệnh lỵ cũng xảy ra khá phổ biến, những năm trước còn có nhiều người tử vong vì căn bệnh này .“Có thời điểm, nhiều người dân bị mắc bệnh lỵ ở cấp độ nguy hiểm, gây mất nước, tiêu chảy, sốt cao, có khi đi ngoài 40 - 50 lần/ngày.

Để vào được xã Sì Lở Lầu vào những ngày trời mưa chỉ có cách duy nhất là …đi bộ. Dù chúng tôi đã cố hết sức, nhưng nhiều khi vào tới nơi mọi sự đã muộn” - bác sĩ Tám chia sẻ. Theo bác sĩ Tám, từ 2 năm trở lại đây, hệ thống y tế thôn bản được tập huấn về căn bệnh này nên đã giảm được các ca tử vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem