Hội đồng quản trị Hãng phim nói gì trước những bức xúc của nghệ sĩ?

Huy Hoàng (thực hiện) Thứ bảy, ngày 16/09/2017 07:30 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Danh Thắng-  Phó TGĐ Công ty vận tải thủy đại diện Hội đồng quản trị đã trả lời Dân Việt về những bức xúc của các nghệ sĩ tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Bình luận 0

Ngay sau khi phản ánh những bức xúc của các nghệ sĩ về sự thay đổi, xáo trộn lớn ở Hãng phim truyện VN sau 2 tháng tiến hành cổ phẩn hóa, báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Danh Thắng -  Phó TGĐ Công ty vận tải thủy đại diện Hội đồng quản trị.

Mấy ngày nay, các nghệ sĩ tại Công ty TNHHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam) đang bức xúc về việc Hội đồng quản trị không thực hiện đúng cam kết. Cụ thể là về việc trả lương không theo định mức, sự chênh lệch, cao thấp không đồng đều, người có, người không?

- Lương tháng 7 chúng tôi vẫn trả theo đúng với mức lương của công ty nhà nước cũ đã giả cho các cán bộ, công nhân viên. Đầu tháng 8 cho đến thời điểm này chúng tôi vẫn đang làm công tác bàn giao nên chưa có gì mới, chưa sản xuất nên chưa thể làm gì khác. Công tác tài chính vẫn làm quyết toán, đang kiểm toán, số liệu bàn giao tài chính chúng tôi chưa được nhận. 

Hơn nữa, tôi cũng phải chia sẻ vì đang rất khó khăn về tài chính đó là thuế. Thuế nhà nước chúng tôi phải trả từ công ty nhà nước cũ chuyển sang Công ty mới là 21 tỷ đồng. Vì khó khăn trước mắt như thế, tôi có nói với các cán bộ, nhân viên là hãy cùng chia sẻ những khó khăn trước mắt với ban lãnh đạo. Nên tháng 8, Hội đồng quản trị đã tạm ứng lương cho những người đến làm việc. Tôi phải khẳng định đây chưa phải là trả lương.

img

Ông Nguyễn Danh Thắng -  Phó TGĐ Công ty vận tải thủy trả lời phỏng vấn chiều ngày 15.9. Ảnh: Thanh Hà

Một thực tế, hiện nay tại Công ty đang có hiện tượng, những người đến cơ quan, vì không có việc, chỉ đến có mặt chứ không triển khai làm phim hay việc gì khác. Còn có một số người như kiểm toán, kế toán hay đoàn làm phim của phim “Người yêu ơi” thì đang làm việc. Nên tôi đã chỉ đạo Ban giám đốc là những người đó sẽ được tạm ứng lương. Kể cả với những người mới vào làm nhưng đang thực hiện cho đoàn quay phim “Người yêu ơi” thì vẫn được tạm ứng như bình thường.

Nói như vậy, những người không đến Hãng phim sẽ không được trả lương? Nhưng căn cứ vào đâu để biết một nghệ sĩ không đến Hãng tức là không làm việc, trong khi  nghệ thuật là một lĩnh vực có đặc thù riêng?

- Điều này đã có Ban giám đốc kiểm tra và báo cáo lên Hội đồng quản trị. Trước đây, nhiều năm nay một số người đã ra làm ở ngoài nhưng danh sách bảo hiểm vẫn ở đây. Vài tháng hay cả năm họ không đến Hãng phim, chỉ đến kỳ lĩnh lương họ mới đến nhận lương.

img

Cơ sở vật chất của Hãng phim truyện VN hiện nay đang xuống cấp tới mức tồi tàn. 

Khi tôi mới về Hãng phim truyện Việt Nam, tôi cũng đã tìm hiểu, lực lượng cán bộ, nghệ sĩ rất đông, hơn 80 người mà gần hai năm nay không có việc. Mỗi năm cũng có một phim do nhà nước đặt hàng, một số người làm việc. Còn đa số là không có việc, thì lực lượng đó mặc dù không có việc nhưng hàng tháng vẫn đến Hãng, đến ngày lĩnh lương vẫn đến lĩnh. Vậy tiền ngân sách nhà nước đặt hàng cho Hãng phim, chỉ một phần phục vụ cho sản xuất phim còn đa số là giữ lại, kể cả tiền thuế. Thuế ở đây tôi nói đến là thuế VAT của nhà nước đặt hàng trả cho các bộ phim đó trong nhiều năm nay, Hãng phim truyện cũng không hề nộp, mà giữ lại để trả lương dần cho cán bộ, công nhân viên tại Hãng.

img

Các phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim...đã được dọn gom về một phòng khác tại Hãng phim Truyện Việt Nam.

Tôi được biết nhiều người đã đi ra làm ngoài nhưng đến kỳ lĩnh lương vẫn đến nhận mặc dù không làm việc gì cho Hãng. Hãng phim cũng vẫn đóng bảo hiểm đều đều cho những người này. Chính vì vậy đã để lại hậu quả nặng nề trong hãng phim là nợ thuế nhiều năm nay không nộp.

Ông có thể cho biết lý do nào Công ty đã chuyển đạo cụ, kịch bản ra khỏi Hãng phim mà không thông báo trước cho các trưởng, phó phòng có liên quan. Điều này đã gây nên bức xúc cho các nghệ sĩ?

Thực hiện chủ trương Hội đồng quản trị sau khi tiếp nhận Hãng phim Việt Nam từ 23.6. 2017 cũng là ngày Công ty đi vào hoạt động. Kể từ khi đi vào hoạt động, Hội đồng quản trị đã chủ trương cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, bởi hiện tại cơ sở, vật chất các kho đã đi vào mục nát. Vì vậy Hội đồng quản trị đã thực hiện nâng cấp và chuyển kho đạo cụ sang bên kho hàng của công ty vận tải thủy bên Gia Lâm.

Hội đồng quản trị đã chỉ đạo Ban giám đốc thực hiện giám sát cùng với người trực tiếp quản lý phòng đạo cụ, rà soát, kiểm tra những đạo cụ nào bị mục nát thì bỏ đi. Đạo cụ nào vẫn sử dụng được, liệt kê danh sách giữ lại chuyển sang kho bên Gia Lâm, tạm thời lưu giữ để chờ cải tạo nâng cấp sửa chữa kho bên này.

Về phòng kịch bản, tôi thấy mọi người trong phòng đã chuyển tất cả đồ như bàn ghế, tài liệu sang phòng khác. Riêng tủ kịch bản mọi người để lại và tôi thấy một số biên kịch đã lọc ra rồi bán một số quyển kịch bản ra ngoài (điều này đã được ghi trong biên bản cuộc họp ngày 11.9).

Tôi nhận thấy có một số kịch bản đã được dựng phim, một số chưa. Tôi nghĩ rằng đó là tài sản không thể bỏ đi trong khi bên Hãng phim không thể bảo quản đảm bảo được nên tôi lập tức liên hệ bên Viện Phim Việt Nam gửi kịch bản sang đó. Tôi cũng đã có biên bản bàn giao, thống kê chi tiết toàn bộ số lượng kịch bản với Viện Phim Việt Nam.

img

Các nghệ sĩ bức xúc chia sẻ sáng ngày 15.9 với các nhà báo tại Hãng phim Truyện Việt Nam

Còn nói đến chuyện không thông báo, trao đổi trước với các trưởng, phó phòng liên quan. Đây là cách điều hành của doanh nghiệp. Ban giám đốc đã thực hiện chỉ đạo của Hội đồng quản trị nên chỉ làm việc với các bộ phận quản lý chứ không họp chung toàn bộ cơ quan để thông báo.

Tuy nhiên tôi nghĩ đúng là trong cách điều hành của doanh nghiệp kinh doanh có khác so với đặc thù doanh nghiệp làm nghệ thuật. Với doanh nghiệp kinh doanh, khi ra chỉ thị là thực hiện ngay không cần bàn bạc nhiều, chính vì vậy có thể đã khiến một số nghệ sĩ thấy sự thay đổi không được tôn trọng hay gì đó, đã tạo thành bức xúc làm một số người đưa lên trang mạng xã hội không đúng sự thật gây lên dư luận xấu cho xã hội.

Được biết sau khi dồn các phòng về một khối nghệ thuật chung, thì những phòng đó tại phía mặt tiền Thụy Khuê đã được cho tư nhân thuê bán bún? Trong khi, Hội đồng quản trị nói rằng chỉ dọn tạm để nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất sau đó lại trả về làm phim?

Tôi chưa chỉ đạo cho tư nhân thuê hay bán bún ở đó. Tôi mới chỉ đạo cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất. Tôi chỉ mới gợi ý với mọi người, bởi đời sống cán bộ, công nhân đang rất khó khăn, thu nhập thấp. Công việc thì không có, nên nếu ai có điều kiện có thể thuê lại Công ty, kinh doanh cái gì cũng được, kể cả cà phê, phở... Tại sao mọi người không tận dụng cơ sở hạ tầng của Công ty? Nhưng tôi chưa thấy ai đặt vấn đề với Hội đồng quản trị. Bây giờ cơ chế thị trường rồi, không còn bao cấp nên phải tự nuôi mình thôi.

Nhưng ông có biết các phòng của Hãng phim truyện phía mặt tiền phố Thụy Khuê hiện tại đang được bán bún?

- Tôi chưa biết thông tin này, tới đây tôi sẽ xuống kiểm tra sự việc.

Sau những búc xúc, câu hỏi được đặt ra từ phía các trưởng, phó phòng, nghệ sĩ tại Hãng phim truyện Việt Nam,  Hội đồng quản trị của công ty vận tải thủy đã gặp gỡ và giải tỏa những bức xúc đó chưa, thưa anh?

- Chúng tôi sẽ triển khai họp toàn bộ cán bộ, công nhân viên. Khoảng sang tuần sẽ cố gắng tổ chức.

Hiện nay, Hội đồng quản trị đang phải chi hàng tháng, lương, bảo hiểm cho 80 cán bộ, công nhân viên tại Công ty THNN MTV Hãng phim Truyện Việt Nam là 500 triệu đồng. Tiền thuế đất phải nộp là 300 triệu đồng. Mỗi một tháng Công ty phải chi là tổng là 800 triệu đồng. Nên Hội đồng quản trị đã phải nghĩ làm sao thu cái gì, nếu không cứ để trôi đi trong hai năm thì công ty hết vốn.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem