Hội Nông dân An Giang giúp HTX trồng lúa chất lượng cao có thu nhập tốt

Đức Thịnh Thứ bảy, ngày 08/02/2025 07:10 AM (GMT+7)
HTX Nông nghiệp Phú Thạnh ở ấp Phú Đức A, xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân, An Giang) là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Hội Nông dân tuyên truyền vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập.
Bình luận 0

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Minh Đức cho biết: Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp vận động hơn 40 HTX liên kết với trên 30 doanh nghiệp xây dựng chuỗi lúa gạo, đồng thời lựa chọn 100 tổ hợp tác đủ điều kiện để giới thiệu tham gia thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao".

Hội Nông dân An Giang giúp HTX trồng lúa có lãi và giảm phát thải

HTX Nông nghiệp Phú Thạnh ở ấp Phú Đức A, xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân, An Giang) là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Hội Nông dân tuyên truyền vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Ông Trần Văn Lô Ba - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh cho biết: Hiện, diện tích sản xuất lúa của HTX là 1.700ha với 1.750 hộ sản xuất. HTX có 16 ngành dịch vụ và các hoạt động sản xuất kinh doanh chính là cung cấp các dịch vụ đầu vào và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa, nếp cho thành viên và nông dân trên địa bàn toàn xã.

"Năm 2024, HTX Nông nghiệp Phú Thạnh được lựa chọn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. HTX Phú Thạnh đã hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời và các doanh nghiệp khác để tiêu thụ lúa đạt tiêu chuẩn của EU, góp phần xây dựng chuỗi giá trị bền vững"- ông Ba cho biết. Theo đánh giá của ông Ba, thực hiện triển khai đề án đã mang lại kết quả cao, giúp HTX trồng lúa có lãi và giảm phát thải. Cụ thể: mô hình tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của HTX cho thấy đã giảm lượng giống gieo sạ được 67kg/ha (tại mô hình 80kg/ha, ruộng đối chứng từ 120 - 170kg/ha). Về năng suất, ruộng mô hình đạt trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/ha (mô hình là 6,5 tấn/ha, ruộng đối chứng 6,4 tấn/ha). Chi phí sản xuất giảm trung bình 4 - 5 triệu đồng/ha.

tan/Được Hội tiếp sức, HTX thu lợi từ trồng lúa chất lượng cao - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của nông dân xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ảnh: Mỹ Hạnh

Năm 2025, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tiếp tục triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển các hình thức kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh; tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao.

Theo ông Trần Văn Lô Ba, mô hình liên kết nông hộ, HTX và doanh nghiệp đã mang lại lợi ích thiết thực, giúp ổn định đầu ra cho nông dân, tạo vùng nguyên liệu lớn, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa.

Hội Nông dân tích cực tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết: An Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn thứ 2 vùng ĐBSCL với sản lượng hàng năm từ 4 - 4,1 triệu tấn, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Phát huy lợi thế đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Cụ thể, các cấp Hội phối hợp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân, xây dựng mô hình trình diễn để nông dân tham quan, học tập; phối hợp doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào chất lượng, thân thiện với môi trường cho nông dân...

Thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh liên kết doanh nghiệp vận động hội viên tham gia theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng", tuân thủ quy định chung của hợp đồng đã ký kết. Đến nay, toàn tỉnh có 168 chi hội nông dân nghề nghiệp, 1.172 tổ hội nông dân nghề nghiệp với gần 13.000 thành viên; thành lập 297 câu lạc bộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, doanh nhân nông thôn… với trên 83.000 nông dân giỏi tham gia; góp phần thành lập, duy trì và phát triển của 1.100 tổ hợp tác, hơn 200 HTX nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX trong toàn tỉnh

Đặc biệt, để xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo chất lượng cao, Hội Nông dân các cấp phối hợp vận động hơn 40 HTX và nhiều tổ hợp tác liên kết với trên 30 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa cho nông dân, diện tích 96.000ha. Điển hình như: Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Angimex – Kitoku, Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, công ty Cổ phần Gentraco, Chi nhánh công ty CP Lương thực Bình Định tại An Giang,...

Ông Nguyễn Minh Đức cho biết: Tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL với mục tiêu đạt 150.000ha vào năm 2030.

Là tổ chức chính trị - xã hội của nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang tích cực tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trong những năm tới. Theo đó, năm 2024, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã lựa chọn 100 tổ hợp tác, HTX đủ điều kiện để giới thiệu tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Qua 1 năm triển khai Đề án, đã mang lại kết quả cao, giúp nông dân trồng lúa có lãi và giảm phát thải. Đây là tiền đề để Đề án càng ngày được lan rộng hơn ở các năm tiếp theo tại An Giang.

Năm 2025, các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, nâng cao nhận thức về kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản cho hội viên, nông dân nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy sản xuất của bà con, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững

Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ chú trọng hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm liên kết theo chuyên ngành, lĩnh vực. Trong đó, xem lực lượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là nòng cốt hình thành HTX, tổ hợp tác, doanh nhân nông thôn, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tiếp tục triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển các hình thức kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh; tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trong những năm tới. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem