Hội Nông dân Bắc Giang xây dựng mới 87 sản phẩm OCOP, tạo động lực nông dân phát triển kinh tế nông thôn

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 11/12/2024 10:00 AM (GMT+7)
Phát huy vai trò nòng cốt của nông dân trong thực hiện Chương trình OCOP, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Trong 3 năm qua, các cấp Hội Nông dân Bắc Giang đã hướng dẫn, xây dựng mới 87 sản phẩm OCOP; duy trì, củng số 60 sản phẩm đã được phân hạng.
Bình luận 0

Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn được gắn OCOP 4 sao

Gạo nếp cái hoa vàng của HTX Nông nghiệp Thái Sơn, thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa vừa được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2024 của tỉnh Bắc Giang.

Anh La Văn Trọng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn cho biết: Từ nhiều năm nay, gạo nếp Thái Sơn là đặc sản và cũng là niềm tự hào của người nông dân địa phương. Hạt gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn được trồng trên đồng đất xã Thái Sơn có hạt tròn, màu trắng ngà, khi nấu dẻo thơm và đậm vị.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ người nông dân nâng cao giá trị nếp cái hoa vàng Thái Sơn.

Hội Nông dân Bắc Giang xây dựng mới 87 sản phẩm OCOP, tạo động lực nông dân phát triển kinh tế nông thôn - Ảnh 1.

Anh La Văn Trọng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn (ngoài cùng bên phải) tự hào giới thiệu sản phẩm OCOP Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn với lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tại một sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào tháng 11/2024 vừa qua.

Theo đó, từ năm 2014, Hội Nông dân Bắc Giang đã hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác để phát triển sản phẩm nếp cái hoa vàng. Từ nền tảng tổ hợp tác ban đầu, năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập HTX Nông nghiệp Thái Sơn Bắc Giang với 7 thành viên chính thức và 55 hộ gia đình liên kết sản xuất lúa nếp cái hoa vàng.

Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Giang cũng đã hỗ trợ người dân và các thành viên Hợp tác xã từ: Kỹ thuật trồng, canh tác, chăm sóc đến thiết kế bao bì, tem nhãn, mác, túi đóng sản phẩm, làm hồ sơ thủ tục để đăng ký đạt OCOP 3 sao từ năm 2021.

Trong năm 2023 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục hỗ trợ mô hình sản xuất và tiêu thụ gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn canh tác lúa thân thiện với môi trường có quy mô 60 ha, với 646 hộ của 5 tổ hợp tác trên địa bàn xã Thái Sơn.

Hội Nông dân Bắc Giang xây dựng mới 87 sản phẩm OCOP, tạo động lực nông dân phát triển kinh tế nông thôn - Ảnh 2.

Gạo nếp cái hoa vàng của HTX Nông nghiệp Thái Sơn, thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2024 của tỉnh Bắc Giang.

Tham gia mô hình liên kết, các hộ dân đã áp dụng quy trình canh tác lúa thân thiện với môi trường, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh hạn chế ô nhiễm môi trường. Các hộ nông dân cùng thống nhất thực hiện quy trình tự chọn lọc giống để giữ gìn và bảo toàn giống lúa nếp cái hoa vàng của Thái Sơn; cải tiến, nâng cấp bao bì phù hợp, đúng quy định,… năng suất lúa tăng 20% so với cùng kỳ, giá bán cao, đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân tham gia mô hình.

Năm 2024, Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang hướng dẫn, tư vấn đánh giá, phân hạng lại, nâng sao sản phẩm và được công nhận OCOP 4 sao.

Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân Bắc Giang

Theo báo cáo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, từ năm 2022-2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn, xây dựng mới 87 sản phẩm công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (năm 2022: 20 sản phẩm, năm 2023: 42 sản phẩm, tính đến tháng 10/2024: 25 sản phẩm, trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao là nụ hoa Sâm nam núi Dành khô), đơn vị đạt kết quả cao là Yên Dũng (24 sản phẩm), Hiệp Hoà (20 sản phẩm), Yên Thế (11 sản phẩm),...

Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Thực hiện Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP" giai đoạn 2022-2025", Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về ý nghĩa của việc gắn sao và nâng sao cho sản phẩm để hội viên chủ động tham gia. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn, tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất; hướng dẫn tìm hiểu bộ tiêu chí chấm điểm; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì; hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký mã số mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu...

Hội Nông dân Bắc Giang xây dựng mới 87 sản phẩm OCOP, tạo động lực nông dân phát triển kinh tế nông thôn - Ảnh 3.

Nhiều HTX mới thành lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhưng đã tích cực tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP. Trong ảnh: Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thăm mô hình trồng dưa công nghệ cao của HTX Tiến Dũng, huyện Hiệp Dũng, Bắc Giang.

Đặc biệt, các cấp Hội đã đẩy mạnh hỗ trợ thành lập và hoạt động của các tổ hợp tác, HTX tại các địa phương có các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Từ năm 2022 đến nay, các mô hình THT, HTX do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập trên địa bàn tỉnh có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Toàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập được 147 THT và 86 HTX mới nâng tổng số THT, HTX do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang hướng dẫn thành lập lên 424 THT và 173 HTX. Nhiều HTX mới thành lập nhưng đã tích cực tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP như: HTX sản xuất và kinh doanh thịt gác bếp Cao Lan, HTX Cường Nhung, huyện Yên Thế; HTX nông nghiệp sạch Thùy Dương, HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc, xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng; HTX dứa sạch Hương Sơn, huyện Lạng Giang,…

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân Bắc Giang đã tổ chức tập huấn cho trên 1.200 đối tượng là các thành viên HTX và các chủ thể trang trại sản xuất hàng hóa lớn nhằm hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã đưa hằng trăm sản phẩm nông sản lên quảng bá trên sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, Hội Nông dân phê duyệt, quyết định cho 11 tổ hợp tác, hợp tác xã là chủ thể tham gia chương trình OCOP được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.

Hiểu được nhiều nông dân còn lúng túng, gặp khó khăn trong khâu hoàn thiện hồ sơ tham gia tư vấn, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ các chủ thể tiếp cận và nắm được quy trình hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm; hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Từ năm 2022-2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tư vấn, hỗ trợ 54 sản phẩm hoàn thiện, bổ sung, nâng cấp danh mục hồ sư, phân tích sản phẩm, thiết kế mẫu bao bì, nhãn, tem truy xuất sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm ,…với số tiền gần 3 tỷ đồng, bình quân mỗi sản phẩm được hỗ trợ trên 44 triệu đồng.

Ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Cán bộ Hội Nông dân các cấp thường xuyên bám nắm tình hình phát triển kinh tế của địa phương nhằm phát hiện, lựa chọn sản phẩm có tiềm lực, thế mạnh để hướng dẫn tham gia Chương trình OCOP. Khi tư vấn, hỗ trợ các chủ thể, cán bộ hội tập trung hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng, nâng cao một số yếu tố cốt lõi của sản phẩm như chất lượng, đặc điểm, bao bì, kiểu dáng, nhãn hiệu, khả năng tiếp cận thị trường.

Đồng thời, các cấp Hội cũng duy trì, củng số 60 sản phẩm đã được phân hạng, trong đó tư vấn nâng sao 4 sao sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn, Hiệp Hòa; hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng lại 18 sản phẩm.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục khuyến khích nông dân phát triển kinh tế tập thể trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quan điểm đồng hành, sát cánh, tiến tới để nông dân làm chủ và thành thạo các bước. Cùng đó, lựa chọn, phê duyệt cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ; tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ.

Đánh giá hiệu quả Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP" giai đoạn 2022-2025, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định: Thực hiện Đề án đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân đối với chương trình OCOP, đặc biệt là đối với các chủ thể từ "thụ động" vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã "chủ động" phát huy nội sinh tham gia chương trình. Cán bộ Hội Nông dân thay đổi hành vi, nhận thức từ nghĩa vụ "phải làm" sang "được làm", tâm huyết, trở thành những tư vấn viên chuyên nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem