Hội Nông Dân Hưng Yên: “Ba thêm” với Câu lạc bộ Làm vườn

Lan Dương - Thu Hà Thứ hai, ngày 15/12/2014 14:30 PM (GMT+7)
Nhiều năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Làm vườn đã trở thành địa chỉ tin cậy của hội viên nông dân (ND) xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Vào CLB, hội viên có được  “3 thêm” là thêm vui, thêm kiến thức và thêm thu nhập.  
Bình luận 0

Hỗ trợ kỹ thuật và vốn vay

Anh Nguyễn Đình Khích - Phó Chủ nhiệm CLB cho hay: “CLB Làm vườn được thành lập từ tháng 7.2013, với 22 thành viên. Hoạt động chủ yếu của CLB là tập trung vào phát triển cây nhãn, nhằm phát huy thế mạnh cây trồng truyền thống của địa phương. Toàn xã Lý Thường Kiệt có hơn 1.700 hộ, trong số đó luôn có từ 70-100 hộ tham gia trồng nhãn, tập trung nhiều nhất ở thôn Đồng Mỹ với 22 hộ trồng nhãn quy mô lớn”.

img

Anh Khích (trái) kiểm tra chất lượng cây nhãn của gia đình hội viên trong CLB.


Trước đó, các hộ chủ yếu trồng nhãn tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm có sẵn từ cha ông mà chưa có quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng. Vì vậy, từ khi CLB Làm vườn của xã được thành lập, nhiều người kỳ vọng hình thức này sẽ góp phần phát huy thế mạnh của địa phương, giúp bà con ND cải thiện cuộc sống trên mảnh đất quê hương. “CLB sinh hoạt định kỳ 2 lần/năm, mỗi thành viên sẽ tham gia đóng góp một số tiền quỹ nhất định để phòng những khi có việc đột xuất, vụ mùa, hay khi cây trồng có dịch bệnh thì trợ giúp vốn lẫn nhau cùng phát triển” - anh Khích thông tin.

 

Ban chủ nhiệm CLB bao gồm 5 thành viên, trong đó có 3 người thuộc tổ kỹ thuật, một chủ nhiệm và một phó chủ nhiệm CLB. Các thành viên này có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các hội viên trong CLB. Ban chủ nhiệm sẵn sàng trao đổi, giải đáp những thắc mắc của hội viên trong quá trình trồng nhãn, hoặc hướng dẫn, tư vấn khoa học kỹ thuật bài bản để hội viên áp dụng cho cây trồng đạt năng suất cao nhất.

Thêm vui, thêm kiến thức và thêm thu nhập

Bà Vũ Thị Thìn – một người trồng nhãn lâu năm ở thôn Đồng Mỹ, xã Lý Thường Kiệt phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: “Tôi đã có thâm niên nhiều năm trong nghề trồng nhãn. Với hơn 2 sào trồng giống nhãn thiết miền, nhiều lúc gia đình tôi cũng đau đầu trong việc cải tạo những cây nhãn đã già cỗi, bói quả kém để tăng năng suất cây trồng, nhưng thiếu khoa học kỹ thuật mới nên bó tay”. Từ khi vào CLB, bà Thìn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ tổ kỹ thuật, các thành viên trong CLB. “Nếu như trước đây, nhãn chỉ đạt trung bình 1-1,5 tấn/sào/năm thì nay luôn đạt từ 2- 2,5 tấn/sào/năm. Tôi kiếm được gần 100 triệu đồng/năm” - bà Thìn bày tỏ.

Cùng tâm trạng với bà Thìn, anh Phạm Văn Định – một thành viên khác của CLB cho biết: “Tôi bắt đầu trồng nhãn từ năm 2004, chủ yếu là ươm cây giống và trồng cây lấy quả. Lúc đầu, do chưa tiếp cận được kỹ thuật mới, tôi không chú trọng đến việc chăm bón, cải tạo cây. Khi vào CLB Làm vườn của Hội, tôi biết thêm kha khá kiến thức mới để áp dụng cho vườn nhãn của gia đình”.

Theo anh Định, cây nhãn trồng khoảng 4 năm bắt đầu bói quả và từ năm thứ 5 cho năng suất và chất lượng ổn định. Trung bình mỗi cây cho 50kg quả/vụ. Hiện với hơn 6 sào trồng nhãn, anh Định thu hoạch trung bình 10 tấn/năm, giá bán dao động tại vườn từ 20.000-25.000 đồng/kg, anh thu lãi hơn 150 triệu đồng.

  Tháng 4.2014, Hội ND xã đã hỗ trợ 14 hội viên trong CLB Làm vườn vay tổng cộng 400 triệu đồng từ Quỹ HTND trung ương, thời gian 3 năm để cải tạo vườn nhãn tạp và trồng nhãn mới.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem