Hôi thối nồng nặc tấn công thôn nghèo biên giới Lạng Sơn

Hoàng Anh Tuấn - Thanh Thiên Thứ năm, ngày 22/09/2016 12:03 PM (GMT+7)
Cá dưới suối chết trắng bụng nổi lềnh bềnh dọc hai bên bờ, gà vịt xuống suối kiếm ăn, trâu bò uống nguồn nước suối cũng lăn ra chết, mùi hôi thối nồng nặc phủ khắp thôn nghèo Nà Loòng (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).
Bình luận 0

Theo phản ánh của người dân, thôn Nà Loòng, xã Tân Mỹ - nằm trên vùng giáp ranh với biên giới Trung Quốc vốn là vùng đất bình yên. Nhưng từ năm 2008, khi một người dân thôn này đưa Nhà máy Chế biến da Nguyên Hồng (Công ty Nguyên Hồng) về đây hoạt động thì cuộc sống người dân gần như đảo lộn hoàn toàn.

img

Nhà máy Chế biến da Nguyên Hồng.

Nguyên liệu sản xuất của nhà máy chủ yếu là da động vật như trâu, bò, lợn… được nhập từ nhiều nguồn. Do nước thải sau mỗi lần sản xuất chỉ được xử lý thô sơ nên nước đổ ra con suối Khuổi Luông luôn đậm đặc. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm nặng nề. Kinh hoàng hơn là nước ô nhiễm từ dòng suối Khuổi Luông đang ngày ngày ngấm dần vào lòng đất và nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn người dân nơi đây.

Theo chân người dân đến nhà máy, sộc vào mũi chúng tôi là mùi thịt thối bốc lên từ những khối da đen kịt đã qua chế biến được hàng chục công nhân phơi dọc Quốc lộ 4A. Bên trong nhà máy là hàng tấn da chờ xử lý, ngâm hóa chất đang chứa đấy trong hàng trăm thùng phuy lớn vài trăm lít.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy trình xử lý da được bắt đầu từ việc cho hàng tấn da thô còn nồng nặc mùi hôi thối vào bỏ lớn rồi tưới nước lấy từ dòng Khuổi Luông hòa với hóa chất để tẩy rửa. Sau khi những tấm da đã trươn tru được đưa vào nhà máy đốt để ép chuyển hóa thành da công nghiệp. Thành phẩm da sau đó được đóng gói xuất sang Trung Quốc để sản xuất thành áo, túi, giày, dép...

img

Một lượng nước sau sản xuất thuộc da được dồn về khu vực bể chứa nước thải thô sơ của nhà máy.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, Nhà máy chế biến da Nguyên Hồng nằm trên mảnh đất rộng hàng hàng nghìn mét vuông chạy dọc theo Quốc lộ 4A, thuộc địa phận thôn Nà Loòng. Phía trước mặt nhà máy là Quốc lộ 4A được bịt kín mít, chỉ có vài cánh cửa thỉnh thoảng được mở khi có người ra vào, còn phía sau là dòng suối Khuổi Luông. Để vào được phía trong nhà máy, ngoài việc đi vào bằng cổng chính thì mọi con đường tiếp cận xung quanh nhà máy đều rất khó khăn.

Dẫn phóng viên men theo con suối Khuổi Luông vài người dân tỏ ra ngao ngán: Trước khi nhà máy chế bến da về, suối Khuổi Lông là nơi đầy ăm ắp cá suối, lươn... Người dân chỉ cần mang công cụ bắt cá ra suối khoảng 1 tiếng là có đủ mồi nhắm cho cả chục người. Vậy mà giờ đây, nó lại trở thành dòng suối chết, nước đen xì đậm mùi hôi thối từ thịt, da lợn, trâu, bò...

img

Dòng suối Khuổi Luông khắp nơi đổi màu đỏ quạnh.

Đi khắp cũng đường thôn Nà Loòng đâu đâu phóng viên cũng thấy người dân vừa đi xe, vừa bịt mũi. Không chịu nổi mùi hôi thối hít phải, phóng viên cũng bị chóng mặt và nôn thốc, nôn tháo.

Nằm cách nhà máy gần 100 mét nhưng vẫn bị bầu không khí ô nhiễm nặng nề tấn công. Anh L.V.B. cho biết: Ngày trời lặng gió mùi hôi thối thoang thoảng len khỏi khắp nơi. Ngày oi bức, mùi thối mới kinh tởm vì nó nồng nặc bưa cơm trưa, tối mọi người không ai nuốt nổi.

Anh L.V.B cũng cho biết, Nhà máy chế biên da Nguyên Hồng vốn hoạt động  ở bên Trung Quốc, nhưng không hiểu vì sao năm 2008 lại chuyển về đây thôn Nà Loòng. Nhà máy ở đây được xây dựng rất nhanh và chỉ khi đi vào hoạt động gây ô nhiễm người dân mới biết có nhà máy chế biến da nằm ở trên đất của thôn.

img

Khu nhà công nhân của nhà máy luôn đóng kín cửa.

Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem