Hơn 1 triệu tỷ đồng "nằm không": Bộ Tài chính bị động, điều phối tiền trong tay Ngân hàng Nhà nước?

H.Anh Chủ nhật, ngày 04/06/2023 08:13 AM (GMT+7)
1 triệu tỷ đồng "nằm không" trong hệ thống ngân hàng là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, người dân trong tuần vừa qua. TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đã có những chia sẻ với PV Dân Việt xung quanh 1 triệu tỷ đồng "nằm không" này.
Bình luận 0

Ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng, tính đến tháng 5/2023. Trong đó, gửi Ngân hàng Nhà nước 895.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/năm, gửi ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại khoảng 130.000 tỷ đồng.

Hơn 1 triệu tỷ đồng "nhốt" tại ngân hàng, Bộ Tài chính cũng bị động

Thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM đề xuất "có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc; hoặc xây nhà ở cho thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và đào tạo, chuyển nghề cho công nhân". Ông Tuấn cho rằng, giải pháp này sẽ kích cầu ngay cho nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng, việc chậm đưa tiền vào khiến nền kinh tế mất đi động lực, tiền "nằm không" là lãng phí. Thế nhưng, dù vậy cũng không thể "đẩy" tiền ra bằng mọi giá. Bởi, nếu đưa tiền vào nền kinh tế nhưng làm thất thoát, lãng phí lớn hơn thì còn "xót xa" hơn.

Cũng có đại biểu Quốc hội cho rằng, nên linh hoạt nguồn vốn hơn 1 triệu tỷ đồng đang bị "nhốt" tại hệ thống ngân hàng này. Sự linh hoạt được vị này nêu ra đó là linh hoạt động phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tháo gỡ thủ tục hành chính để đưa tiền vào đúng địa chỉ, các dự án công trình quan trọng. Từ đó, tạo sức bật cho nền kinh tế.

"Nếu những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn này mà không có thì có khi sự lãng phí này sẽ sinh ra sự lãng phí khác", theo vị này.

Ngoài ra, có rất nhiều đề xuất khi nhắc đến 1 triệu tỷ đồng "nằm không" này chẳng hạn như đề xuất "nên lấy 1 triệu tỷ đưa vào lưu thông, tạo công ăn việc làm cho người đang thất nghiệp"; "Tiền này là tiền đã có kế hoạch chi , Bộ Tài chính gửi ngân hàng sinh lời lại bảo tồn được vốn để thực hiện kế hoạch là quá hợp lý, còn giờ chi cho các công việc khác đến lúc cần giải ngân cho các dự án đã có kế hoạch lấy tiền đâu mà chi",…

Hơn 1 triệu tỷ đồng "nằm không": Bộ Tài chính bị động, điều phối tiền trong tay Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Chia sẻ với Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thừa nhận, việc 1 triệu tỷ đồng bị "nhốt" tại ngân hàng, trong khi bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay khiến "ai cũng sốt ruột". Tuy nhiên, ông cho rằng trong vấn đề này Bộ Tài chính cũng bị động.

"Theo quy định của Luật Ngân sách, số tiền này đã có danh mục chi tiêu cố định, đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối. Vì vậy, không được điều chuyển tiền từ danh mục chi tiêu này sang danh mục chi tiêu khác. Muốn tiêu sang mục đích khác phải kiến nghị sửa Luật", TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Cũng theo vị này, trong hơn 1 triệu tỷ đồng "nằm không" tại hệ thống ngân hàng, phần lớn là tiền đầu tư công, vì vậy tốc độ "tiêu tiền" phụ thuộc vào tiến độ của giải ngân đầu tư công, có thể tháng này ít tháng sau nhiều và tháng sau nữa nhiều hơn,… Do đó, khó có thể nói cả triệu tỷ đồng "nằm không" đó tại sao không thực hiện việc khác, bởi nếu chẳng may chi tiêu vì mục đích khác đến khi tiến độ đầu tư công gia tăng thì sao? Chưa kể, trong số hơn 1 triệu tỷ đồng này còn có dự phòng rủi ro ngân sách, tức là khoản dự phòng thiên tai, dịch bệnh, định họa,… càng không thể điều chuyển được.

Vậy, làm gì với 1 triệu tỷ ngân quỹ đọng trong ngân hàng? Theo ông Nghĩa, tiền của hạng mục nào đẩy nhanh hạng mục đó, ở đây chính là đầu tư công ví dụ như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng,…

"Hiện tồn đọng lớn nhất của giải ngân đầu tư công nằm ở thủ tục pháp lý liên quan đến giải phóng mặt bằng. Do đó, cần nhanh chóng vướng về thủ tục để giải ngân mạnh đầu tư công", ông Nghĩa kiến nghị.

Ngân hàng Nhà nước "quyết định" tới hiệu quả sử dụng 1 triệu tỷ đồng?

Đồng tình với ý kiến cho rằng, nên linh hoạt nguồn vốn hơn 1 triệu tỷ đồng đang bị "nhốt" tại hệ thống ngân hàng này, thông qua sự phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc sử dụng 1 triệu tỷ đồng này có hiệu quả hay không hiện phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước.

Tại sao lại như vậy?

Ông Nghĩa phân tích, hơn 1 triệu tỷ đồng "nhốt" tại ngân hàng, điều đó đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng đang bị động hút tiền về từ lưu thông và nhốt tại hệ thống.

"Ngân hàng Nhà nước không nên chờ đợi vào việc giải ngân đầu tư công ngay lập tức sẽ có bước tiến bộ. Ngân hàng Nhà nước phải coi đó là lượng tiền mình đang nắm giữ và hoàn toàn có thể phát hành tiền của mình để ném vào lưu thông. Điều này Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động.

Nếu làm được như vậy, nền kinh tế có thêm "luồng máu mới", tạo ra tâm lý mới từ phía chính sách tiền tệ. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hơn, từ đó tăng lòng tin đối với thị trường tài sản nhất là chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản,… Trong trường hợp sau này đầu tư công phục hồi trở lại, Ngân hàng Nhà nước hút tiền về cũng không muộn", TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.

Hơn nữa, nếu nhìn vào cung tiền trong 5 tháng đầu năm có thể thấy, cung tiền chỉ mới tăng khoảng 2,7% - 3%, thấp hơn nhiều so với GDP danh nghĩa. Cung tiền thiếu Ngân hàng Nhà nước phải tăng bên này hạ bên kia để làm thế nào đó cung tiền đảm bảo lưu thông được lượng GDP danh nghĩa. Như vậy, lẽ ra trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước phải tăng cung tiền để giảm lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

"Lãi suất của chúng ta dù đã giảm nhưng còn rất cao. Chúng ta nói rằng thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, tăng trưởng tín dụng chậm do khách hàng không vay vốn thì thiếu đơn hàng,… Thanh khoản tốt nhưng chúng ta phải xem tốt với lãi suất nào?" ông Nghĩa nói.

Hơn 1 triệu tỷ đồng "nằm không": Bộ Tài chính bị động, điều phối tiền trong tay Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 3.

Dùng tiền hiệu quả hay không phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: VN)

Cũng theo vị chuyên gia này, có những ý kiến cho rằng các doanh nghiệp trong điều kiện hiện tại không biết vay làm gì? Chẳng hạn, nhà thầu xây dựng vay nhưng không có dự án nào thi công. Dệt may và giày da không có đơn hàng nên không biết vay làm gì, thậm chí xuất khẩu nông sản cũng vậy.

Thế nhưng, thực tế còn rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp muốn vay lại không vay được, ngay cả khi có tài sản đảm bảo hoặc vay với lãi suất "trên trời".

"Thanh khoản tốt thì hạ lãi suất, căng thẳng thì tăng lãi suất; nhiều người vay thì tăng lãi suất, ít người vay thì hạ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước nên mạnh dạn tăng cung tiền để giảm lãi suất xuống, phải làm đi chứ. Bên cạnh đó, điều kiện tín dụng nên nới ra một ít, khư khư điều kiện phải có tài sản đảm bảo lại còn đòi 2,3 năm liên tục có doanh thu, kinh doanh có lãi,... Các doanh nghiệp vừa thoát khỏi đại dịch, thì lấy đâu ra", TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem