Hơn 1.500 ôtô bị phạt 'nguội' ở Sài Gòn

03/09/2020 16:11 GMT+7
Gần sáu tháng lắp camera giám sát ở 14 tuyến đường trung tâm, TP HCM ghi nhận 1.559 ôtô vi phạm, trong đó 265 trường hợp đã nộp phạt, chiếm gần 17%.

"Trong số này có 552 trường hợp được CSGT ghi nhận qua camera và lập hồ sơ xử lý sau hơn hai tháng nhận bàn giao từ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải", trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC08) Công TP HCM, cho biết ngày 3/9.

Hơn 1.500 ôtô bị phạt 'nguội' ở Sài Gòn  - Ảnh 1.

Biển cảnh báo ghi hình và xử phạt qua camera trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, ngày 2/9. Ảnh: Gia Minh.

Theo ông Bình, tính đến cuối tháng 8 có 69 trường hợp đến nộp phạt hơn 37 triệu đồng. Số còn lại đang chờ giải quyết trong thời hạn 30 ngày, từ lúc CSGT gửi thông báo cho chủ xe. Quá thời gian này, người vi phạm không nộp phạt bị đưa vào diện không cho đăng kiểm xe do chưa hoàn thành xử lý vi phạm.

Trước đó, sau hơn ba tháng lắp camera trên 14 tuyến đường (từ 10/3 đến 15/6), đại diện Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết đã lập hồ sơ xử lý 1.007 ôtô vi phạm dừng đỗ. Trong đó 196 người đã đến nộp phạt hơn 118 triệu đồng, 11 tài xế bị tước bằng lái và 147 trường hợp quá thời hạn đóng phạt đã được gửi cho đăng kiểm. Các trường hợp còn lại do xảy ra trong thời hạn thành phố "cách ly xã hội" nên được giãn thời gian, đơn vị này đang tiếp tục xử lý.

"Người đến giải quyết hầu hết đều thừa nhận và chấp hành việc xử phạt nguội, không xảy ra tình trạng không hợp tác", đại diện Thanh tra Sở Giao thông nói và cho biết, tình hình giao thông ở các đường ổn định hơn, vi phạm giảm dần do nhiều người nâng cao ý thức dừng đỗ xe. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn cần thêm giải pháp công nghệ nhằm tự động tất cả khâu, từ phát hiện, ghi nhận đến xử lý người vi phạm, nộp phạt...

Theo quy trình trước đây, hình ảnh từ camera ở 14 tuyến đường do Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị ghi nhận, sau đó trích xuất chuyển qua Thanh tra Sở Giao thông Vận tải xác minh biển số và lập hồ sơ gửi chủ xe. Hiện, dữ liệu đã được Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị phân quyền cho CSGT trực tiếp quản lý, làm các thủ tục xử phạt.

Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị, cho biết đơn vị sẽ đảm bảo camera hoạt động ổn định, kết nối liên tục. Hiện, trung tâm này quản lý 762 camera giám sát, trong đó 118 camera đo đếm lưu lượng, vận tốc xe chạy trên đường. Dữ liệu từ hệ thống này kết nối và chia sẻ với Công an TP HCM, Kênh VOV giao thông, các quận huyện... để tăng sự giám sát giao thông, an ninh và trật tự.

Việc xử phạt qua camera tại TP HCM thuộc chương trình tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính. 14 tuyến đường được lắp camera gồm: Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur, Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng, Tôn Đức Thắng (quận 1); Trường Sơn (Tân Bình); Điện Biên Phủ (Bình Thạnh).

Sở Giao thông Vận tải đang nghiên cứu để tăng thêm 8-10 tuyến gắn camera tại khu trung tâm, những nơi có tình hình giao thông phức tạp.

Phạt "nguội" đã được PC08 triển khai nhiều năm trước, nhưng chỉ tập trung tại Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Tháng 6 năm ngoái, 15 đội, trạm CSGT còn lại được cho phép xử phạt bằng cách bố trí lực lượng ghi hình cơ động trên các tuyến đường.

Hình thức phạt này được cho giúp nâng cao hiệu quả xử lý, giảm cự cãi giữa người vi phạm với CSGT cũng như hạn chế tiêu cực. Mới đây PC08 thí điểm dán thông báo phạt đối với ôtô trên Trần Hưng Đạo, quận 1. Các ôtô dừng đỗ sai nhưng tài xế vắng mặt, CSGT ghi hình và dán phiếu, gửi thông tin vi phạm cho chủ xe để nộp phạt.

Trước đó năm 2019, trong số hơn 60.000 trường hợp vi phạm ghi nhận qua hình ảnh, khoảng 15.000 trường hợp đến nộp phạt (chiếm 25%).

Điều 90 Nghị định 100 quy định, khi quá thời gian hạn giải quyết mà chủ ôtô vi phạm chưa đến, đơn vị xử lý gửi thông báo qua cơ quan đăng kiểm đưa vào diện cảnh báo liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Ôtô vi phạm sau đó khi đăng kiểm vẫn được thực hiện, nhưng giấy chứng nhận chỉ hiệu lực trong 15 ngày và chủ xe sẽ nhận thông báo việc có vi phạm. Trong 15 ngày sau, nếu chủ xe đến đóng phạt sẽ được xóa cảnh báo vi phạm, ngược lại khi không đóng sẽ không được đăng kiểm lúc hết hiệu lực.


Gia Minh
Cùng chuyên mục