Hơn 15.000 nhà nông xứ Quảng được đào tạo nghề

Trương Hồng Thứ hai, ngày 07/09/2020 14:02 PM (GMT+7)
Giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả để người học nghề tham quan, học tập, hợp tác. Đến nay toàn tỉnh có gần 61.000 lượt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, là tấm gương điển hình để người lao động nông thôn học tập và làm theo.
Bình luận 0

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (DN&HTND) trực thuộc Hội ND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm DN&HTND đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các hội đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp tổ chức đào tạo được cho 15.251 lao động nông thôn ở 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Hơn 15.000 nhà nông xứ Quảng được đào tạo nghề - Ảnh 1.

Đào tạo nghề cho nông dân ở Quảng Nam được kết hợp lý thuyết và thực hành tại chỗ, kể cả “cầm tay chỉ việc”. Ảnh: P.V

Trong đó, có 12.306 lao động được đào tạo các nghề nông nghiệp như: Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; trồng hồ tiêu; nuôi, nhận biết và trị bệnh cho lợn; nhân giống cây ăn quả; nuôi, nhận biết và trị bệnh cho gà; quản lý dịch hại tổng hợp... và 2.945 lao động ở các nghề phi nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thận - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam kiêm Giám đốc Trung tâm DN&HTND nhấn mạnh: "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Chính vì vậy, phải tổ chức dạy nghề cho thật thiết thực và hiệu quả. Cần phải có những cách thức tổ chức phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đào tạo những nghề nông nghiệp mà lao động nông thôn là hội viên, nông dân thật sự có nhu cầu, đồng thời đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả qua đào tạo, giúp cho học viên nắm vững khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên cây trồng, con vật nuôi. Chỉ tổ chức đào tạo khi dự báo chắc chắn được việc làm sau khóa học…".

Cũng theo ông Thận, nội dung đào tạo bám sát theo chương trình, giáo trình và khoa học theo mỗi nhóm đối tượng người học để phù hợp với trình độ nhận thức, độ tuổi và mục đích đào tạo. Như đối với người học nghề là người đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông thôn miền núi, ngoài việc đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề thì phải lồng ghép thêm các nội dung giúp thay đổi tư duy và nhận thức về học nghề, lập nghiệp và làm giàu chính đáng, dần dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Thận cho biết thêm: Sau đào tạo, người học nghề được tư vấn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ, các mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình để xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, các hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả để người học nghề tham quan, học tập, hợp tác. Đến nay toàn tỉnh có gần 61.000 lượt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, là tấm gương điển hình để người lao động nông thôn học tập và làm theo.

"Hiện nay, Hội ND tỉnh quản lý và trực tiếp hỗ trợ nông dân vay vốn từ Quỹ HTND hơn 60 tỷ đồng. Ngoài ra, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác nguồn vốn cho hội viên nông dân vay với tổng dư hơn 1.360 tỷ đồng, qua đó giúp hàng chục ngàn lượt hộ nông dân có điều kiện đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi" - ông Thận nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem