Với bất kỳ ai nghĩ rằng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đang "vật lộn" để chống chọi với danh sách đen và lệnh cấm vận của Mỹ, họ có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Huawei đang tăng cường tuyển dụng nhân tài ở khắp châu Âu.

Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã săn lùng vô số nhân tài, từ những kỹ sư chip ở Munich, nhà phát triển phần mềm ở Istanbul cho đến chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Canada. Đó là chưa kể đội ngũ nhân tài hùng hậu hiện tại ở các cơ sở trong và ngoài nước. Với việc tăng cường tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, có thể thấy Huawei đang quyết tâm tìm ra một con đường mới để tăng trưởng sau các lệnh trừng phạt của Washington cũng như căng thẳng địa chính trị khiến nhiều quốc gia ngăn Huawei tham gia vào dự án cơ sở hạ tầng mạng viễn thông 5G thế hệ mới.

Bên trong nhà máy của Huawei ở Đông Quan, Trung Quốc

Tờ Nikkei Asian Review chỉ ra rằng Huawei đang tuyển dụng hàng trăm vị trí liên quan đến thuật toán trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật xe tự hành, phần mềm, cơ sở hạ tầng điện toán, phát triển chip và điện toán lượng tử trên khắp châu Âu và Canada. Đây đều là những lĩnh vực mà Mỹ cũng đang tham vọng phát triển mạnh.

Chiu Shih-fang, một nhà phân tích chuỗi cung ứng công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho hay: “Để phát triển những lĩnh vực công nghệ mới này, Huawei không thể chỉ dựa vào nhân tài trong nước mà còn cần đến các khối óc từ khắp nơi trên toàn cầu… Huawei từng tài trợ cho các chương trình nghiên cứu của các trường đại học quốc tế để thu hút tài năng trẻ, nhưng biện pháp này hiện đang gặp phải những trở ngại do quan ngại có sự can thiệp địa chính trị. Do đó, hãng phải tìm kiếm những cách khác, chẳng hạn tuyển dụng trực tiếp ở các quốc gia để duy trì đội ngũ nhân tài đa dạng, cạnh tranh”.

Hơn 2 năm lọt vào danh sách đen của Mỹ, Huawei đang "tìm đường sống" như thế nào? - Ảnh 2.

Bản thân nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng cam kết tuyển dụng ít nhất 8.000 sinh viên mới ra trường trong năm nay, đồng thời tăng mạnh chi tiêu cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). "Năm 2021 và 2022 sẽ là hai năm quan trọng và thách thức nhất để Huawei tìm kiếm con đường tồn tại và phát triển chiến lược. Nhân tài là chìa khóa quan trọng nhất" - ông Nhậm tuyên bố.

Các chiến dịch tuyển dụng quy mô lớn và kế hoạch rót hàng tỷ USD cho công tác R&D thể hiện nỗ lực kép nhằm duy trì, tăng cường sức mạnh công nghệ của Huawei trước lệnh cấm vận của Mỹ.

Vào tháng 5/2019, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen kèm theo lệnh hạn chế thương mại buộc các đối tác ở Mỹ ngừng cung cấp công nghệ và dịch vụ cho Huawei. Hãng công nghệ Trung Quốc sau đó đã buộc phải chuyển hướng sang các nhà cung cấp ngoài Mỹ để duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng không lâu sau đó, Washington tiếp tục bịt các lỗ hổng trong lệnh hạn chế thương mại bằng sắc lệnh tiếp theo buộc mọi nhà cung cấp nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cho phép nếu muốn bán hàng cho Huawei. Sắc lệnh này gần như chặn đứng hoàn toàn chuỗi cung ứng quan trọng của Huawei.

Đến thời chính quyền Tân Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục duy trì chính sách mạnh tay với Trung Quốc cũng như các công ty Trung Quốc bao gồm Huawei. Bộ trưởng Bộ Thương mại Gina Raimondo từng cho biết bà không có lý do gì để loại bỏ các công ty như Huawei ra khỏi danh sách đen dưới thời cựu chính quyền Trump. Chính Huawei cũng dự đoán rằng lệnh cấm vận của Mỹ sẽ là một "chiến dịch dài hạn".


Hơn 2 năm lọt vào danh sách đen của Mỹ, Huawei đang "tìm đường sống" như thế nào? - Ảnh 3.

Nhân tài là chìa khóa cho mọi nỗ lực “hồi sinh”

Trong nỗ lực tìm đường sinh từ cửa tử, Huawei đã đẩy mạnh các phân khúc kinh doanh hiện có song song với phát triển các phân khúc mới. Xu hướng này được thể hiện qua chiến lược tuyển dụng hiện tại của doanh nghiệp. 

Tại Munich (Đức), Huawei đang tuyển dụng một số chuyên gia phát triển chip không dây và chip ô tô.  Munich nổi tiếng là quê hương của nhà sản xuất ô tô hạng sang BMW. Công ty Trung Quốc đang đặt cược lớn vào các công nghệ ô tô tiên tiến sử dụng năng lượng sạch. Ngoài việc tuyển dụng nhiều kỹ sư công nghệ ô tô và xe tự hành, Huawei gần đây cũng hợp tác với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Seres để chế tạo xe điện thông minh.

Huawei cũng có một phòng thí nghiệm điện toán lượng tử và quang học ở Munich. Điện toán lượng tử - áp dụng các nguyên tắc của cơ học lượng tử để tạo ra hệ thống máy tính mạnh hơn các siêu máy tính thông thường - hiện là lĩnh vực cạnh tranh quan trọng của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Google và Intel.

Trong khi đó, cơ sở nghiên cứu của Huawei ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là một trong những trung tâm phát triển phần mềm ở nước ngoài lớn nhất của hãng. Cơ sở này đang đặt chỉ tiêu tuyển dụng hơn 40 chuyên gia.  Phần mềm đã trở thành ưu tiên của Huawei sau khi lệnh hạn chế thương mại của Mỹ làm tê liệt mảng kinh doanh phần cứng của hãng. Những nỗ lực và thành tựu của Huawei trong lĩnh vực phần mềm cho đến nay được thể hiện qua việc phát triển thành công hệ điều hành HarmonyOS thay thế cho Android của Google để sử dụng cho smartphone và các thiết bị thông minh khác.

Tại Canada, Phần Lan, Thụy Điển và Nga, Huawei cũng tuyển dụng nhiều vị trí nghiên cứu AI và kiến trúc máy tính.

Hơn 2 năm lọt vào danh sách đen của Mỹ, Huawei đang "tìm đường sống" như thế nào? - Ảnh 4.

Song song với xây dựng đội ngũ nhân tài hùng hậu ở nước ngoài, Huawei vẫn tuyển dụng hàng trăm kỹ sư trên khắp Trung Quốc với chính sách đãi ngộ hậu hĩnh. Trung bình một kỹ sư cấp cao của Huawei được trả khoảng 191.024 USD mỗi năm, cao hơn mức lương cơ bản bình quân của một kỹ sư cao cấp tại Google là 161.733 USD, theo một cuộc khảo sát của nền tảng tuyển dụng Glassdoor.

Trong bài phát biểu gần đây, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã nhận định việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng trong bất kỳ cuộc chiến nào. “Chúng tôi có đủ tiền, đủ không gian để tạo thành môi trường phát triển cho các tài năng toàn cầu” - ông Nhậm Chính Phi nhấn mạnh.

Hơn 2 năm lọt vào danh sách đen của Mỹ, Huawei đang "tìm đường sống" như thế nào? - Ảnh 5.

Huawei đã tuyển dụng hơn 37.000 nhân sự ở nước ngoài trong tổng số hơn 190.000 nhân sự của toàn doanh nghiệp tính đến năm 2019, theo báo cáo gần nhất của công ty. 

Câu hỏi đặt ra là liệu động lực tuyển dụng và đầu tư cho R&D có đủ sức bù đắp những thiệt hại mà lệnh cấm vận của Mỹ gây ra với hai mảng kinh doanh truyền thống của Huawei là smartphone và thiết bị viễn thông hay không.

Hơn 2 năm lọt vào danh sách đen của Mỹ, Huawei đang "tìm đường sống" như thế nào? - Ảnh 6.

Thực tế, dù vẫn là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu hành tinh nhưng thị phần của Huawei đang giảm nhanh ở bên ngoài Trung Quốc, theo Stephane Teral, nhà phân tích trưởng tại LightCounting Market Research. “Huawei đã mất hơn 90% thị phần trên khắp châu Âu, nơi mà hơn 40 hợp đồng phát triển mạng 5G đã rơi vào tay Ericsson. Huawei cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn ở nhiều khu vực ngoại trừ Nga và một số quốc gia Đông Nam Á”.

Nhà phân tích viễn thông kỳ cựu cho hay Mỹ đang tài trợ cho một số quốc gia châu Phi và Trung Đông thay thế thiết bị của Huawei trong mạng viễn thông quốc gia. Tuy nhiên nhìn chung, Huawei vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Trung Quốc - thị trường 4G và 5G lớn nhất hành tinh.

Trong khi đó, thị phần smartphone toàn cầu của Huawei đã giảm xuống 4% trong quý I/2021, từ mức 18% cùng kỳ năm ngoái khi hãng vẫn là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai toàn cầu sau Samsung. Trong năm nay, Huawei cũng đã bán thương hiệu smartphone giá rẻ Honor cho tập đoàn Công nghệ thông tin Shenzhen Zhixin. Thỏa thuận được công bố trong bối cảnh chính quyền Trump siết chặt các lệnh cấm vận nhằm vào Huawei, qua đó chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của hãng. Sự thiếu hụt nguồn cung chip buộc nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới buộc phải lựa chọn con đường cay đắng: chỉ tập trung vào dòng smartphone cao cấp.

HiSilicon Technologies, từng là nhà phát triển chip di động lớn nhất Trung Quốc và là viên ngọc quý của tập đoàn Huawei, cũng đối diện với thách thức lớn kể từ khi lệnh cấm vận của Mỹ ngăn chặn hãng tiếp xúc với đối tác sản xuất quan trọng nhất - nhà sản xuất chip hợp đồng TSMC.

Đa dạng hóa đầu tư: nỗ lực lấp lỗ hổng chuỗi cung ứng chip

Lợi thế lớn của Huawei lúc này là được hỗ trợ bởi tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng chip tự chủ, không phụ thuộc vào Mỹ của chính phủ Trung Quốc. Vào năm 2014, Trung Quốc đã ra mắt quỹ Big Fund - một quỹ đầu tư ngành công nghiệp chip. Năm 2019, sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã rót thêm 204 tỷ Nhân dân tệ (31,59 tỷ USD) vào quỹ này.

Hơn 2 năm lọt vào danh sách đen của Mỹ, Huawei đang "tìm đường sống" như thế nào? - Ảnh 7.

Ngoài ra, chính Huawei cũng rót vốn vào nhiều công ty chip nội địa. Tính đến tháng 6/2021, theo phân tích của Nikkei, Huawei đã đầu tư vào 10 công ty chip bao gồm Rainbow Simulation Technologies và LEDA Technology. LEDA Technology, được thành lập vào tháng 11/2020 với tham vọng "hiện thực hóa khả năng tự lực của Trung Quốc trong lĩnh vực EDA". Công ty này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Còn Rainbow Simulation cung cấp công cụ phần mềm thiết kế được sử dụng cho nhiều loại chip, hệ thống viễn thông, quốc phòng và công nghệ vũ trụ.

Vào tháng 2 năm nay, Huawei cũn mua 10% cổ phần của Bonotec Electronic Materials - công ty chuyên cung cấp vật liệu kết dính sử dụng trong sản xuất bảng điều khiển và màn hình chip có trụ sở tại Thượng Hải. Các cổ đông chính của Bonotec bao gồm một chi nhánh của Big Fund và nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc SMIC.

Phạm vi đầu tư của Huawei cũng đã vươn tới thiết bị sản xuất chip, một lĩnh vực khác do các nhà cung cấp Mỹ như Lam Research và KLA thống trị từ lâu. Cụ thể, Huawei đã mua khoảng 5% cổ phần của Beijing RSLaser Opto-Electronics Technology, một nhà cung cấp thiết bị laser in thạch bản được nhà nước hậu thuẫn. Bắc Kinh RSLaser cho biết trong một hồ sơ công khai rằng họ "gánh vác tham vọng của Trung Quốc trong việc tăng cường khả năng tự chủ lĩnh vực sản xuất chip."

Tất nhiên, không có gì đảm bảo những khoản đầu tư như vậy sẽ thành công. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đây là những nỗ lực lớn của Huawei nhằm vá lỗ hổng trong chuỗi cung ứng chip của doanh nghiệp, khắc phục lệnh cấm vận của Mỹ trong dài hạn.

Thực tế, có dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của Huawei dường như đã mang lại kết quả. Trong khi mảng kinh doanh smartphone và thiết bị viễn thông - đóng góp lần lượt 54% và 34% tổng doanh thu của công ty vào năm 2020 - đang chậm lại, các mảng kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng. Mảng điện toán đám mây và các giải pháp chuyển đổi kỹ thuật số, hầu hết phục vụ các cơ quan chính phủ, đã chứng kiến doanh thu tăng 23% vào năm ngoái, mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các mảng kinh doanh của Huawei. 

Donnie Tang, nhà phân tích công nghệ từ Nomura Securities nhận định: “Với Huawei lúc này, dưới áp lực của Mỹ, con đường tốt nhất là tiếp tục đầu tư cho R&D cũng như phát triển thêm các lĩnh vực mà Mỹ chưa hạn chế nghiêm ngặt. Bằng cách này, Huawei có thể nuôi dưỡng được nền tảng nhân tài hiện tại cũng như chờ đợi các cơ hội trong tương lai”.