Hơn 300 xe nông sản đang "nằm dài" ở cửa khẩu Lạng Sơn

19/02/2020 06:00 GMT+7
Tại các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc như Hữu Nghị, Chi Ma, ga quốc tế Đồng Đăng của tỉnh Lạng Sơn hiện vẫn còn trên 300 xe nông sản, linh kiện điện tử các loại xếp hàng chờ "xuất ngoại".

Cụ thể theo thống kê ngày 18/2 tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị xuất 171 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, khẩu trang, nước rửa tay, găng tay); nhập 62 xe (linh kiện điện tử, khẩu trang, nước rửa tay, găng tay, nông sản: lê, hành, tỏi, nấm..., máy móc..); tồn 338 xe nông sản, hoa quả (mít, thanh long, ớt, nhãn), linh kiện điện tử xuất khẩu. 

Cửa khẩu Cốc Nam còn tồn 10 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm). Cửa khẩu Chi Ma, tồn 4 xe xuất khẩu (1 xe tái nhập khẩu thạch đen; 1 xe hạt tiêu, 2 xe quả sung khô). Cửa khẩu Ga quốc tế Đồng Đăng, nhập khẩu 34 toa thép, than điện cực; tồn nhập 15 toa, trong đó 8 toa thép tấm, 7 toa quặng sắt.

Hơn 300 xe nông sản vẫn "nằm dài" ở cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Hiện nay hàng hóa đã thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma, ga quốc tế Đồng Đăng tuy nhiên tiến độ rất chậm dẫn tới hàng nông sản bị tồn nhiều.

Hiện nay, lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu Lạng Sơn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng nhiều. Các lô hàng dù thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước đây dẫn đến tồn rất nhiều nông sản hàng hóa tại các cửa khẩu.

Cũng trong ngày 18/2 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc. Bộ Công Thương nêu rõ: Trong thời gian qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) diễn ra đã có tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây.

Hơn 300 xe nông sản vẫn "nằm dài" ở cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Hiện tại các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn tồn ứ hơn 300 xe nông sản và các loại hàng xuất khẩu khác.

Để tháo gỡ khó khăn, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12/2, theo đó cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng nhiều. 

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường và dự kiến dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài, các lô hàng nông sản và trái cây của Việt Nam, mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Hơn 300 xe nông sản vẫn "nằm dài" ở cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất sang Trung Quốc - Ảnh 3.

Mặc dù Bộ công thương và các tỉnh có cửa khẩu đã khuyến cáo bà con, doanh nghiệp nên hạn chế vận chuyển hàng lên cửa khẩu biên giới.

Để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là Sở NN&PTNT, Sở Công Thương khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ. 

Cụ thể đối với các loại nông sản, trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (như thanh long và dưa hấu), có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này. Đối với những diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn.

Tuấn Minh
Cùng chuyên mục