Hơn 50 công ty lớn trên thế giới lũ lượt "tháo chạy" khỏi Trung Quốc

Việt Anh - The Washington Post Thứ sáu, ngày 19/07/2019 20:25 PM (GMT+7)
Trong suốt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục khẳng định cuộc xung đột này sẽ buộc nhiều công ty rút dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, và sau 1 năm, điều này đã đúng được một nửa.
Bình luận 0

img

Hàng loạt công ty nước ngoài đang rục rịch rút khỏi Trung Quốc, do lo sợ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại (Ảnh:AFP)

Hơn 50 tập đoàn đa quốc gia đã công bố, hoặc dự định công bố, kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất của mình ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, theo ghi nhận của tờ Nikkei Asian Review. Apple, Google, Nintendo và Dell, cùng với nhiều công ty khác, đang cố né tránh các hình phạt lên tới 250 tỷ đô la Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng thay vì chuyển các hoạt động của họ sang nước Mỹ, như những gì Tổng thống Trump yêu cầu, rất nhiều trong số các công ty này đang dự định xây dựng lại các dây chuyền cung ứng của họ ở nước ngoài, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á.

Nintendo, gã khổng lồ trong lĩnh vực trò chơi điện tử, đã chuyển hướng sản xuất máy chơi game Switch nổi tiếng của họ từ Trung Quốc về Việt Nam, theo ghi nhận từ tờ Wall Street Journal. Google cũng đã chuyển dây chuyền sản xuất bo mạch chủ Cloud cùng với các sản phẩm thuộc hệ thống nhà thông minh Nest sang Đài Loan và Malaysia. Cả Hewlett-Packard và Dell đều đã lên kế hoạch di dời các phân đoạn sản xuất máy tính cá nhân của họ sang khu vực Đông Nam Á.

Một cuộc khảo sát trong tháng 7 này từ hãng kiểm toán chất lượng và dây chuyển cung ứng QIMA cho thấy nhu cầu khảo sát thị trường Trung Quốc của các công ty Mỹ đã giảm 13% trong nửa đầu năm 2019. Cũng trong cùng bối cảnh trên, nhu cầu khảo sát tại thị trường Đông Nam Á đã tăng 34%.

Apple đang ước tính chi phí cho việc di chuyển từ 15 đến 30% dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, thị trường quốc tế lớn nhất của công ty này, cũng là nơi mà hãng này đã đặt cơ sở sản xuất trong suốt 20 năm. Một giám đốc của Apple cho biết với Nikkei rằng những nguy cơ sản xuất ngày càng tăng tại Trung Quốc đồng nghĩa với việc Apple vẫn sẽ di chuyển ra khỏi nước này, bất luận việc một thỏa thuận thương mại có đạt được hay không.

“Tỷ lệ sinh thấp hơn, chi phí nhân công cao hơn, và các nguy cơ từ việc tập trung sản xuất tại một quốc gia duy nhất…những yếu tố bất lợi này sẽ khiến tình hình chẳng đi đến đâu cả,” vị giám đốc này cho biết.

Foxconn, hãng gia công chuyên lắp ráp các loại iPhone, iPad và Mac, một trong số các công ty sản xuất theo hợp đồng lớn nhất trên thế giới, vào tháng trước cho biết hãng này vẫn có thể đáp ứng đủ các yêu cầu từ người dùng Mỹ với các cơ sở sản xuất hiện có bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Trong quá trình chuyển hướng sản xuất của mình, Apple cũng đang hướng mắt đến các lựa chọn ở khu vực Đông Nam Á, với Ấn Độ và Việt Nam đang trở thành các ứng cử viên hàng đầu cho dây chuyền sản xuất iPhone mới. Công ty này cho biết sẽ sớm thử nghiệm việc sản xuất Airpods tại Việt Nam, mở đầu cho quá trình sản xuất hàng loạt tại nước này.

Trong bối cảnh chảy máu cả trong kinh doanh lẫn sản xuất, Trung Quốc đang phải nỗ lực tìm kiếm các đối tác mới từ bên ngoài. Nước này đã phải cắt giảm những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài ở một số ngành như dầu khí, nông nghiệp, khai khoáng và sản xuất, theo như thông báo từ cơ quan kế hoạch Trung Quốc vào tháng trước. Những thay đổi trên sẽ có hiệu lực vào ngày 30 tháng 7 tới.

Sự tháo chạy của các công ty Mỹ, cùng với những tổn thương từ chiến tranh thương mại, đã giáng một đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc. Trong tuần này, giới chức Trung Quốc phải thừa nhận kinh tế nước này đã tăng trưởng chậm nhất trong 27 năm qua.

“Các điều kiện kinh tế ở trong và ngoài nước vẫn còn rất khó khăn, nền kinh tế toàn cầu đang phát triền chậm lại, những biến động và bất ổn từ bên ngoài vẫn đang gia tăng,“ ông Mao Shengyong, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong một buổi họp báo, “ Dù vậy, sự phát triển mất cân đối và nhiều khiếm khuyết ở trong nước vẫn còn rất gay gắt, và nền kinh tế đang phải hứng chịu áp lực suy thoái mới.”

Bị Mỹ trừng phạt, Trung Quốc phản ứng gay gắt

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động bất hợp pháp như vậy để tránh gây tổn hại cho hợp tác song phương trong...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem