“Hổng” lớn trong chuỗi liên kết, chỉ 20% nông sản bán qua siêu thị

Hải Đăng Thứ năm, ngày 05/10/2017 12:50 PM (GMT+7)
Trước thực trạng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn còn lỏng lẻo, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng: "Để lấp “lỗ hổng” trong chuỗi liên kết, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đáp ứng số lượng sản phẩm và đa dạng chủng loại".
Bình luận 0

Chỉ có 20% lượng nông sản bán qua siêu thị

Ông Đăng cho biết, đến nay, Hà Nội đã hình thành được 60 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Thông qua việc xác nhận chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, bước đầu đã hình thành điểm bán rau xanh, thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát, giám sát thường xuyên.

img

Người dân Thủ đô mua nông sản tại các phiên chợ nông sản an toàn ở Hà Nội. Ảnh: Hải Đăng 

Để mối liên kết tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp triển khai hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng trên cơ sở chia sẻ rủi ro và lợi nhuận hợp lý. Theo đó, cần có vai trò "nhạc trưởng" giám sát, điều tiết trong chỉ đạo, quy hoạch vùng sản xuất và giám sát tiêu thụ sản phẩm của chính quyền địa phương, HTX nông nghiệp.

Thế nhưng theo ông Đăng, nông sản, thực phẩm an toàn do nông dân Hà Nội sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Sản phẩm chủ yếu bán qua các kênh truyền thống, chợ dân sinh; chỉ 20% được tiêu thụ thông qua siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích.

Để khắc phục được thực trạng này, ông Đăng cho rằng: "Chính quyền địa phương cần tích cực hơn nữa trong chỉ đạo các hợp tác xã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách sản xuất từ tự phát sang theo nhu cầu của thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua các hợp tác xã và doanh nghiệp, nông dân sẽ có thông tin về nhu cầu thị trường để tổ chức sản xuất phù hợp. Các hợp tác xã cũng là nơi giúp nông dân thương thảo và chấp hành đúng theo hợp đồng, duy trì mối liên kết bền vững với doanh nghiệp".

Cũng theo ông Đăng, ngoài các giải pháp trên, chính quyền cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp thu mua nông sản theo hợp đồng; đồng thời hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật để nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật.

Có thể nói, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường là một trong những đòi hỏi tất yếu để nông sản tiêu thụ ổn định, việc liên kết sẽ từng bước hạn chế được rủi ro, thiệt hại cho người dân.

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản bền vững, ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty An Việt - một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm sạch cho hay: "Các sở, ngành cần sớm tham mưu để UBND thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ các cửa hàng, điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố; đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin về chính sách, thị trường, điều kiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn...".

img

Người sản xuất cần tuân thủ quy định

Theo ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, nông dân và doanh nghiệp chính là “hai chân” của nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, việc liên kết giữa hai thành phần này chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau.

Việc tiêu thụ sữa bò trên địa bàn huyện Ba Vì là một ví dụ. Ông Chu Đức Dũng, nông dân ở xã Tản Lĩnh cho biết, hiện doanh nghiệp thu mua sữa của nông dân trên địa bàn huyện Ba Vì với giá rất thấp, chỉ hơn 10.000 đồng/lít. Mặc dù ký hợp đồng với nông dân là trả tiền thu mua theo tháng, nhưng có thời điểm 4 tháng doanh nghiệp mới thanh toán cho người dân. Thậm chí, vào mùa đông, doanh nghiệp hạn chế thu mua, khiến nông dân phải mang đi bán lẻ với giá thấp cho cửa hàng sữa bán lẻ.

Trả lời câu hỏi vì sao sự "bắt tay" giữa nhà nông và doanh nghiệp thương mại còn chưa chặt, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho rằng: "Để nông sản có chỗ đứng trên thị trường thì người nông dân Hà Nội phải thay đổi tư duy, phương pháp canh tác, tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn và nhu cầu thị trường; doanh nghiệp thực hiện thu mua nông sản theo đúng hợp đồng và hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật".

Tuy nhiên cũng theo ông Long, để làm được việc này cần có vai trò giám sát, điều tiết cả trong chỉ đạo, quy hoạch vùng sản xuất phù hợp và giám sát tiêu thụ sản phẩm của chính quyền, nhất là hợp tác xã nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem