Bước đổi mới của tổ chức Hội
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN cho biết: Vị thế, vai trò của Hội NDVN ngày càng thể hiện rõ là trung tâm và nòng cốt cho các phong trào nông dân. Đoàn kết trong nông dân và tổ chức Hội ND ngày càng vững mạnh, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất-tinh thần cho hội viên, nông dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 được tổ chức sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của cán bộ, hội viên, nông dân cả nước và tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân. Điểm mới của Đại hội lần này là trong số 999 đại biểu về dự có 180 đại biểu đại diện 53 dân tộc ít người.
Toàn cảnh buổi họp báo giới thiệu Đại hội VII, Hội NDVN. ảnh: Trọng Hiếu
Bà Lý khẳng định: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước đổi mới của tổ chức Hội và phong trào thi đua của nông dân cả nước. Thời gian qua, giai cấp nông dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xây dựng, đã và đang thể hiện rõ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng:
Đại hội sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng như báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khóa VI; Đề án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023; Điều lệ Hội NDVN (bổ sung, sửa đổi). Đồng thời, Đại hội cũng tiến hành bầu ra Ban Chấp hành Hội NDVN khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023.
14 chỉ tiêu thi đua
Tại đại hội, cùng với những kết quả nổi bật, các tham luận và ý kiến đại biểu cũng sẽ thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, yếu kém của công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ 2013-2018. Từ đó, góp ý xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII cũng sẽ đề ra 14 chỉ tiêu thi đua trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023. Một trong những mục tiêu quan trọng là phấn đấu 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội NDVN. Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; phấn đấu 100% Hội ND các cấp tổ chức được hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; 100% hộ hội viên Hội ND sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có trên 60% hộ đăng ký được công nhận.
Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm
Về vai trò của Hội NDVN trong liên kết, tiêu thụ nông sản, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Lý cho biết, tất cả các cấp Hội, cán bộ, hội viên, ND bao giờ cũng đau đáu với câu hỏi: Sản xuất bán cho ai?
Để hạn chế tình trạng được mùa mất giá, T.Ư Hội NDVN đã xây dựng nghị quyết chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của ND, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất của bà con. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ND chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, truyền thống sang đẩy mạnh liên kết ND với ND, ND với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào (vật tư nông nghiệp, cây, con giống…) và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho ND.
Bà Nguyễn Hồng Lý cho biết thêm: Khó khăn nhất của người ND hiện nay đó là trình độ nghề, kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao còn rất thấp. Hiện nay, ND Việt Nam vẫn chưa có được “3 biết”, đó là: Biết tính toán, biết xây dựng kế hoạch sản xuất, biết tiêu thụ tiêu dùng hàng hóa do mình làm ra. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục chủ trì phối hợp với các đoàn thể phải đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo nghề cho ND, trong đó Hội ND sẽ đóng vai trò nòng cốt.
Theo đó, các cấp Hội NDVN sẽ bám sát cơ sở, dựa trên nhu cầu hội viên ND và theo “đơn đặt hàng” của các doanh nghiệp để dạy nghề cho ND.
Xây dựng hình mẫu người nông dân “5 mới”
Về nhiệm vụ xây dựng một thế hệ nông dân 4.0, ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng ban Tuyên huấn (T.Ư Hội NDVN), cho biết: "Chúng tôi sẽ chú trọng công tác dạy nghề theo hướng khởi nghiệp, lựa chọn những nghề phù hợp với bản thân người nông dân, với nhu cầu chuyển đổi của thị trường, nông dân phải là chủ nhân của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp; có lối sống văn hóa, hướng đến những giá trị chân thiện mỹ, tuân thủ quy ước, hương ước của cộng đồng. Hội sẽ tiếp tục xây dựng những nông dân "5 mới" (có tư duy mới; có nhận thức mới; có kiến thức mới; có đời sống văn hóa mới và có quyết tâm mới) với 10 tiêu chí cụ thể" - ông Sơn nhấn mạnh.
Đức Thịnh (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.