HTX đất 9 rồng "thay áo" (Bài 3): Doanh nghiệp đứng ngoài cuộc chơi

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 08/05/2019 13:28 PM (GMT+7)
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các hợp tác xã (HTX) ở ĐBSCL cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, rất cần Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ, khắc phục.
Bình luận 0

Thiếu năng lực và vốn

Cà Mau là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đó, đời sống của người dân, nhất là người dân ở vùng giáp biển ngày càng khó khăn khi diện tích đất bị thu hẹp.

img

Nhiều HTX ở ĐBSCL vẫn chưa liên kết tiêu thụ được với doanh nghiệp. Ảnh:Huỳnh Xây

"HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng, là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu... Tôi đề nghị cần có một nghị định riêng về HTX nông nghiệp, tiến dần đến ban hành luật về HTX nông nghiệp”.

Ông Lê Minh Hoan -
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

Để ứng phó với tình trạng này, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp hỗ trợ người dân thành lập các HTX. Theo lãnh đạo tỉnh này, đây là giải pháp sản xuất lớn phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay.

“Các HTX này phát triển theo hướng thích ứng với BĐKH, nổi bật nhất là mô hình lúa – tôm. Theo đó, vào mùa mưa, xã viên trồng lúa, mùa khô có nước mặn sẽ nuôi tôm. Mô hình này cũng được nhiều nước có nền nông nghiệp hiện đại đánh giá là thông minh, ứng phó được với điều kiện BĐKH” - ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau nói.

Tuy vậy, theo ông Triều, mặc dù đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nhiều HTX trong tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. “Toàn tỉnh 128 HTX nông nghiệp nhưng chỉ có 33% đạt loại khá trở lên. Nguyên nhân là do năng lực điều hành của HTX, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều dẫn đến khó khăn trong khâu chế biến của doanh nghiệp” – ông Triều cho biết thêm.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương này có diện tích bờ biển khá dài nên khi BĐKH xảy ra thì thiệt hại sẽ rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2016, đã có 30.000ha diện tích sản xuất của tỉnh bị ảnh hưởng.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do BĐKH gây ra, ngoài làm cống đập điều tiết nước, tỉnh Kiên Giang cũng hỗ trợ cho 352 HTX nông nghiệp phát triển theo hướng điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất. Đặc biệt, tỉnh này đang có 100.000ha nằm trong vùng bán đảo Cà Mau làm theo mô hình lúa – tôm. 

Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, một trong khó khăn lớn nhất của HTX trong tỉnh là không vay được vốn ngân hàng. Khó khăn lớn thứ hai là các HTX rất khó liên kết đầu vào cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm (do doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn rất ít).

Doanh nghiệp “đứng ngoài cuộc chơi”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết, thời gian qua, tỉnh có nhiều nỗ lực giúp HTX nông nghiệp phát triển nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tài chính và công nghệ thấp, năng lực quản trị của HTX yếu, thiếu khả năng tìm kiếm thị trường.

“An Giang có 132 HTX nhưng chỉ có 37 HTX đạt khá tốt, 45 HTX trung bình. Nguyên nhân là do các HTX chưa có sự tham gia của hộ dân có kinh tế khá, nhiều doanh nghiệp vẫn “đứng ngoài cuộc chơi” (do không có chính sách hỗ trợ)” – ông Nưng nói.

Vì vậy, tới đây, cần các bộ, ngành Trung ương cùng với tỉnh khắc phục tình trạng trên, cụ thể là nghiên cứu đưa người dân giàu cũng như doanh nghiệp tham gia HTX. “Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp nhưng có một số không còn phù hợp. Vì vậy, cần loại bớt chính sách đã lỗi thời, có định hướng phát triển HTX một cách mạnh mẽ hơn” – ông Nưng nhấn mạnh.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp có 166 HTX nông nghiệp. Những HTX này đang được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của lãnh đạo và xã viên, đầu tư thêm máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Nhiều HTX tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu nông sản. Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song các HTX nông nghiệp ở Đồng Tháp vẫn còn nhiều hạn chế.

Tới đây, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với HTX bằng cách bố trí cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về HTX, bổ sung cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng làm việc tại HTX. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào HTX.

Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cho rằng, người dân phải vào HTX, hợp tác với nhau một cách tự nguyện, bỏ qua quan điểm “mạnh ai nấy làm”.

“Quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều sẽ giúp hạ giá thành sản xuất, tăng chất lượng do cùng quy trình, tăng khả năng đàm phán. HTX không chỉ dừng lại ở việc liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên mà còn phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng” – ông Hoan nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem