Do đặc thù là xã vùng cao tiếp giáp với huyện miền Tây Hoàng Su Phì, thời tiết khắc nghiệt, mùa đông thường hay có sương muối, có năm có băng tuyết lạnh giá, nên việc phát triển các mô hình cây, con mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Tân Lập gặp không ít trở ngại.
Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, với những yếu tố thuận lợi, lấy phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi chính trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; Đảng bộ, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền giúp bà con nhận thấy rõ lợi ích của chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cán bộ Khuyến nông thường xuyên xuống cơ sở hướng dẫn bà con kĩ thuật phòng dịch bệnh, chống rét, làm chuồng nuôi nhốt, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi...
Người dân xã Tân Lập chăn nuôi đại gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, tổng đàn gia súc của xã liên tục tăng, trong đó tổng đàn trâu năm 2005 có 1.159 con, đến năm 2012 có 1.320 con, năm 2016 có 1.464 con, số gia súc nhân dân mổ thịt và bán ra thị trường bình quân mỗi năm trên 100 con trâu, lợn xuất chuồng khoảng 6 tấn và hơn 2 tấn dê thịt... Giá trị thu nhập từ chăn nuôi trâu và gia súc nói chung đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất của nhân dân trong toàn xã. Năm 2012, BCH Đảng bộ xã xây dựng Nghị quyết về phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2012 – 2015 và xây dựng trong giai đoạn những năm tiếp theo 2016 - 2020, nhằm nhân rộng các mô hình chăn nuôi lớn tại các thôn Minh Hạ, Chu Hạ, Chu Thượng và thôn Khá Thượng. Với diện tích đất tự nhiên và bãi cỏ rộng lớn, nguồn lao động của địa phương dồi dào, nhiều giống gia súc đã thích nghi và sinh sản, phát triển tốt trên địa bàn xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Trong năm 2016, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển ổn định không có dịch bệnh lớn xảy ra. Hiện nay, tổng đàn trâu của xã hiện có 1.464 con, đàn dê 1.329 con, đàn bò 55 con, đàn ngựa 13 con, đàn lợn 2.450 con; đàn gia cầm trên 7.000 con. Tổ chức tiêm phòng được 1.520 liều thuốc lở mồm, long móng; 3.040 liều tụ huyết trùng trâu bò; 5.710 liều dịch tả lợn. Triển khai hỗ trợ 3.000 mét nilon để che chắn chuồng trại của 247 hộ nghèo tại 8/8 thôn bản. Xã cũng đã tuyên truyền, triển khai tới người dân nội dung Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa, tổng hợp nhu cầu vay để phát triển nông nghiệp của nhân dân qua xác minh, thẩm định ngân hàng đã giải ngân cho 1 cơ sở chế biến chè 500 triệu đồng và 9 hộ mua trâu với số tiền 580 triệu đồng.
Ở thôn Nậm Siệu, xã Tân Lập, mô hình kinh tế của anh Triệu Chàn Châm được coi là mô hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã. Hiện tại, gia đình anh Châm có 9 con trâu, 7 con bò, 2 con ngựa và trên 20 con dê, 2 ha chè Shan tuyết... Từ mô hình kinh tế tổng hợp cũng cho gia đình anh thu nhập 100 triệu đồng/năm. Anh Châm chia sẻ: “Người Dao trong bản mình trước kia không biết tính toán làm ăn, chủ yếu cứ trồng ngô, sắn với chăn nuôi nhỏ lẻ nên nhiều khi không đủ ăn, con cái không được đi học. Mình thấy chăn nuôi đại gia súc cũng không quá khó, vì mình có bãi chăn thả, kết hợp với trồng cỏ voi, nên chăn nuôi cũng khá thuận lợi. Mình chỉ biết cứ cố gắng, chịu khó làm ăn và nuôi trâu, bò bán để thoát nghèo, ăn ở hợp vệ sinh, chịu khó học hỏi, vận động con cháu đi học...; cán bộ bảo như thế là làm theo lời Bác đấy”. Hiện nay, ở Tân Lập còn có nhiều mô hình tiêu biểu như: Hộ anh Triệu Chòi Phin và Triệu Chàn Chiêu ở thôn Minh Hạ; Triệu Chàn Khiền và Triệu Vàn Phin ở Chu Hạ... với việc phát triển chăn nuôi gia súc cũng cho thu nhập từ 50 – 300 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát huy lợi thế về chăn nuôi gia súc ở xã Tân Lập cũng còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài sự biến động về giá và dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp, nghề chăn nuôi gia súc ở đây vẫn trong tình trạng lạc hậu. Trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có 7 con trâu của xã bị sét đánh chết mùa mưa bão. Hầu hết nông dân còn nuôi các giống gia súc địa phương, tầm vóc nhỏ, tăng trưởng thấp, giá trị kinh tế không cao. Mật độ, thời gian chăn thả rông còn lớn, hạn chế về kỹ thuật chăm sóc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.
Để chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, đồng chí Triệu Chàn Khuân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập cho biết: “Đảng bộ, chính quyền xã đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi, khuyến khích chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt, thực hiện vay vốn theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Đồng thời, vận động nhân dân làm chuồng trại bảo đảm phòng bệnh, chống rét cho gia súc, góp phần vào công tác giảm nghèo, đưa chăn nuôi gia súc trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của địa phương”.
Mỹ Hằng (Báo Hà Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.