Hủy án điều tra lại vụ "nhậu xong đi tè, tòa xử tội cướp"

Lệ Trinh Thứ bảy, ngày 20/09/2014 20:55 PM (GMT+7)
Sáng 20.9, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ cướp tài sản theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Văn Uống, đã quyết định hủy án để điều tra, truy tố và xét xử lại theo thủ tục chung.
Bình luận 0
Trong phiên xử này, người bị hại và người làm chứng lại tiếp tục vắng mặt không lý do.

Đại diện VKSND TP.HCM yêu cầu hủy án điều tra lại vì 4 điểm vi phạm tố tụng: Mâu thuẫn về số lượng bị can; không thu được tang vật; biên bản bắt người quả tang được lập không đúng quy định và các chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ.

img

Các bị cáo khẳng định mình không có tội ở nhiều lần xét xử.

Đại diện VKS chỉ rõ các điều bất hợp lý như: Trước đây Tòa sơ thẩm đã trả hồ sơ về điều tra bổ sung, sau đó cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung nhưng lại không có sự tham gia của Uống và Sỹ. Chi tiết: Cách 80m trong điều kiện trời tối, người bị hại làm sao có thể nhìn rõ có bao nhiêu người cầm cây và cây dài bao nhiêu. Cơ sở nào để khẳng định các bị cáo định chặn đường để cướp xe mà không phải là cướp tiền hay tài sản gì khác, mà lại định giá chiếc xe Attila của anh Quyền (hơn 21 triệu đồng) để làm cơ sở đề nghị khung hình phạt?

Anh Quyền khai nhìn thấy 2 người, trong khi cáo trạng và lời khai của các bị cáo khẳng định có 4 người. Theo lời khai của Uống thì sau khi nhậu xong, Đen và Sệt ra trước, liệu có phải hai người mà anh Quyền nhìn thấy đó là Đen và Sệt hay không?

HĐXX phúc thẩm nhận định: Lời khai của người bị hại trước - sau mâu thuẫn và mâu thuẫn với cả lời khai trong biên bản mà Uống và Sỹ đã nhận tội. Để đánh giá bị cáo phạm tội hay không phạm tội, đây là tình tiết rất quan trọng cần xem xét nhưng cấp sơ thẩm đã không xem xét, không cho đối chất là vi phạm Điều 138 BLTTHS: Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa hai hay nhiều người thì điều tra viên tiến hành cho đối chất. Nếu có người bị hại từ chối đối chất thì điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối.

Mặc khác, Trong bản khai đầu tiên, anh Quyền khai: "Tôi không biết người cướp là ai nhưng khi đến công an thì tôi biết đó là Trần Văn Uống (sinh năm 1989) và Khưu Khánh Sỹ (sinh năm 1982)".  Trong khi Uống khai không quen biết anh Quyền, vì sao anh Quyền có thể biết rõ được cả họ tên, năm sinh và quê quán của các bị cáo? Theo quy định tại Điều 68 BLTTHS: Người bị hại trình bày về những tình tiết của vụ án, quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và trả lời những câu hỏi đặt ra. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người bị hại trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Việc công an xã lập biên bản bắt người quả tang vào hôm sau là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai của người bị hại. Xét để đánh giá được các bị cáo có phạm tội hay không phạm tội, cần thiết phải điều tra lại để bổ sung thêm một số lời khai và thu thập chứng cứ. Từ đó, tòa quyết định hủy án như trên.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem