Huyện Thanh Oai phát triển nông nghiệp gắn với OCOP
Huyện Thanh Oai phát triển nông nghiệp gắn với OCOP
Chủ nhật, ngày 28/08/2022 13:14 PM (GMT+7)
Huyện Thanh Oai đang tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó góp phần cải thiện đời sống người dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao và mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho biết, hợp tác xã đang có 400ha trồng lúa Bắc thơm số 7 và gần 250ha lúa nếp cái hoa vàng sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản lượng lúa chất lượng cao đạt 7.000-7.500 tấn/năm. Để đẩy mạnh tiêu thụ, hợp tác xã chú trọng xây dựng thương hiệu và tham gia Chương trình OCOP. Với 2 sản phẩm gạo của hợp tác xã đạt OCOP đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, thương hiệu gạo được người tiêu dùng ưa chuộng.
Còn theo ông Lê Văn Trẻo ở thôn Châu Mai (xã Liên Châu), gia đình ông có gần 10ha nuôi hàng nghìn con vịt đẻ và cá thương phẩm. Năm 2020, sản phẩm trứng vịt của gia đình được thành phố công nhận xếp hạng 3 sao trong Chương trình OCOP. Nhờ đó, số lượng lớn sản phẩm trứng vịt của trang trại được tiêu thụ mạnh tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố. Với hình thức chăn nuôi vịt khép kín, nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm, trang trại bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, thu lãi hơn 700 triệu đồng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho biết, huyện hiện có 46/51 làng nghề truyền thống phát triển, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng sản xuất lúa 6.453ha; vùng trồng cây ăn quả 300ha; vùng trồng rau an toàn hơn 100ha; vùng nuôi trồng thủy sản 300ha phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ. Huyện cũng đang có một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao diện tích 11,7ha, trồng hoa lan nuôi cấy mô 4.500m2, trồng dưa lưới và táo theo hướng VietGAP 5.300m2.
"Để nông nghiệp của huyện phát triển hiệu quả, huyện hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 57 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Chương trình OCOP được xem là "đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Các sản phẩm chủ lực đã xây dựng, lựa chọn đang được huyện tập trung phát triển thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho nông dân", ông Dương Bá Mẫn thông tin.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong Chương trình OCOP, Thanh Oai còn gặp khó khăn do một số sản phẩm chủ lực thiếu vốn đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản... Để Chương trình OCOP phát huy hiệu quả, theo Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước) Nguyễn Trọng Long, hợp tác xã tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt lợn an toàn và xây dựng thương hiệu, sản xuất theo chuỗi khép kín. Hợp tác xã rất cần được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể về kinh phí, khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại... Huyện cũng dành nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; trong đó tập trung vào mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương kết hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.