Huyền tích Hồ Ba Bể (kỳ 2): Chuyện của “chúa rừng” bản Dao

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 29/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Từ sự kỳ bí cùng những huyền tích về hồ Ba Bể, “chúa rừng” bản Dao - Đặng Văn Hùng (thôn Bản Nghè, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã linh hoạt biến thành chuyện kể dọc đường trong những hành trình đưa du khách leo núi, luồn rừng, khám phá và trải nghiệm quần thể du lịch Ba Bể.
Bình luận 0

"Phao cứu sinh" của "chúa rừng"

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi gặp lại Đặng Văn Hùng, người đã "hoạch định" những cung đường leo núi, luồn rừng cho du khách trong hành trình tham quan, trải nghiệm, khám phá quần thể du lịch Ba Bể.

Khác với lần gặp trước đó, Hùng mạnh dạn chia sẻ nhiều hơn về những chuyện riêng tư đời mình. Anh bảo, chính những câu chuyện, chính sự kỳ bí cùng vẻ đẹp nguyên sơ của hồ Ba Bể đã cứu vớt cuộc đời anh, vực anh dậy sau những vấp ngã đầu đời.

Đặng Văn Hùng (sinh năm 1984), lớn lên ở bản Dao của vùng hồ Ba Bể. Anh kể, thời thanh niên anh là người nghịch có tiếng trong vùng. Ngay cả khi đã có vợ, anh vẫn dắt nguyên đàn trâu của bố mẹ đem bán. Hùng tự nhận mình từng là kẻ "phá gia chi tử". Ngày ấy, bố Hùng giận lắm. Hùng sợ bố, bỏ trốn vào rừng đào củ măng, củ mài sống qua ngày. Thương chồng, chị vợ lén nhà mang đồ ăn lên núi tiếp tế.

Huyền tích Hồ Ba Bể (kỳ 2): Chuyện của “chúa rừng” bản Dao - Ảnh 1.

“Chúa rừng” bản Dao Đặng Văn Hùng (áo đen ngồi giữa) kể chuyện cho du khách tại điểm trọ. Ảnh: NVCC

Dù đôi chân thoăn thoắt trên núi cao, nhưng miệng Hùng vẫn không ngừng những câu chuyện kể. Từ sự tích Pò Giả Mải (đảo Bà Góa) đến Động Hua Mạ, Ao Tiên, đền An Mã… tất cả qua lời kể của Hùng đều trở nên hết sức sống động.

Hùng bảo, lúc ấy mới thấy ân hận và thương vợ. Những ngày lưu lại chốn rừng sâu giúp Hùng quyết tâm làm lại cuộc đời.

Năm 2013, trong một lần trên núi, Hùng gặp một nhóm khách. Họ thấy thú vị với cuộc sống rừng rú và bảo anh làm nhà trọ, lên lịch trình chuyến đi để họ được khám phá, trải nghiệm.

"Tưởng họ nói cho vui thôi, thế mà họ đi thật. Sau khi xem qua lịch trình, người dẫn đoàn đồng ý. Vậy là "trình bày" với vợ, với bố mẹ rồi quay ra vay ngân hàng 170 triệu đồng đổ đất, kè sân làm nhà trọ trên núi. Khi ấy chẳng ai tin mình sẽ thành công cả"- Hùng kể.

Đặng Văn Hùng cho biết, lúc đầu nhà trọ chỉ đón được 4 khách, sau tăng dần lên 10, 12 khách, giờ quy mô có thể đón được đoàn 24 người rồi.

"Khách nước ngoài đi mà không mệt thì họ không trả tiền đâu. Phải cho họ xem trước hành trình, ít nhất 18km trở lên họ mới gật. Mà để chuyến đi có thêm nhiều ấn tượng, chuyện kể dọc đường là không thể thiếu"- Đặng Văn Hùng chia sẻ.

Những người kể chuyện đồng rừng

Huyền tích Hồ Ba Bể (kỳ 2): Chuyện của “chúa rừng” bản Dao - Ảnh 3.

Ảnh du khách nước ngoài thích thú khi được trải nghiệm mò cua, bắt ốc tại khu vực Hồ Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: NVCC

Những câu chuyện, huyền tích, phong tục, tập quán của các cư dân vùng hồ Ba Bể được được Đặng Văn Hùng sưu tầm, thuộc nằm lòng với mục đích phục vụ du khách trong chuyến đi. Thạo việc núi, việc bản, thạo các cung đường chênh vênh, lắt léo, bởi đó không ít người gọi Đặng Văn Hùng là "chúa rừng" bản Dao.

Hùng lên kế hoạch chi tiết về những cung đường luồn rừng, vượt núi cho khách đến các bản làng sâu xa nhất của huyện Ba Bể. Đưa khách đi bẻ ngô, cấy lúa, mò cua, bắt ốc hay đánh cá… và kể họ nghe những câu chuyện vùng hồ, những sự tích, huyền tích, giới thiệu văn hóa bản địa… họ ưng lắm.

"Du khách thường thích người bản địa kể về sự tích hồ Ba Bể, giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán hay những huyền sử, huyền tích hơn là đọc sách về những câu chuyện này", "chúa" rừng bản Dao nhận định.

Bà Nguyễn Thị Hằng (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) là người kinh doanh dịch vụ homestay đã hơn 20 năm.

Huyền tích Hồ Ba Bể (kỳ 2): Chuyện của “chúa rừng” bản Dao - Ảnh 4.

Điểm đón khách du lịch tại thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn của “chúa rừng” Đặng Văn Hùng. Ảnh: NVCC

Bà Hằng cho biết, phần lớn khách đến và sử dụng dịch vụ homestay đều có nhu cầu tìm hiểu những câu chuyện liên quan đến hồ Ba Bể.

Nhu cầu của khách khi đến Ba Bể là để trải nghiệm, tham quan nhà sàn, muốn trải nghiệm bằng những tour đi bộ ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc Mông, Dao và các bản người Tày.

Thứ nữa là họ muốn thưởng thức văn hóa tinh thần, phong tục tập quán. Họ muốn ở cùng người dân, đi làm đồng, vào bếp, nghe, xem dân ca, dân vũ, thưởng thức ẩm thực bản địa và nghe những câu chuyện kỳ bí liên quan đến vùng hồ.

"Trong các bữa cơm, những lúc chuyện trò, tôi thường kể các câu chuyện về văn hóa, tâm linh, những sự tích, truyền thuyết cho du khách nghe. Dù trước khi đến hồ Ba Bể, phần lớn du khách đều có tìm hiểu, song họ thực sự hứng thú khi nghe chính người dân bản địa kể chuyện về nơi mình đang trải nghiệm"- bà Hằng cho biết thêm.

Chúng tôi lại nhớ Lý Văn Hoàng, người đã đưa chúng tôi xuyên đêm trải nghiệm, khám phá hồ Ba Bể trước đó. Hoàng cũng là người kể chuyện có duyên. Anh không diễn cảm mà mộc mạc, trầm tư, chậm rãi nhả từng câu, từng chữ. Những câu chuyện qua lời kể của Hoàng nghe thật như vừa mới xảy ra đâu đó ngày hôm qua vậy.

Sau 2 ngày cùng ăn, cùng ở với các cư dân vùng hồ Ba Bể, chúng tôi nhận thấy, phần lớn người dân nơi đây đều thuộc nằm lòng những huyền tích, những đặc sắc văn hóa bản địa. Và quan trọng, họ biết kết hợp những câu chuyện đó phục vụ nhu cầu của du khách trong những chuyến đi.

Ông Ngôn Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết, trên địa bàn xã hiện có 52 homestay, không có doanh nghiệp, chủ yếu là nông dân thực hiện mô hình lưu trú này.

"Du khách lựa chọn homestay vì được khám phá, trải nghiệm những nét đặc sắc văn hóa bản địa, trong đó không thể thiếu những chuyện kể ly kỳ liên quan đến hồ Ba Bể. Nhà tôi cũng làm mô hình du lịch Homestay, và bố tôi luôn là người kể những câu chuyện về hồ Ba Bể cho du khách. Tuy những câu chuyện được lược giản, khá ngắn gọn song du khách lại rất thích thú"- ông Sơn cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu còn đặc biệt giới thiệu cho chúng tôi một người có vốn hiểu biết sâu, rộng về văn hóa bản địa là ông Nguyễn Mạnh Cầm (thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn).

Ông Cầm là người đã dày công ghi chép, sưu tầm các sự tích, truyền thuyết, huyền sử về vùng hồ Ba Bể, người tự nhận mình là "vác tù và hàng tổng" với mong muốn truyền thừa "di sản" văn hóa ấy cho con cháu đời sau. 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem