Hy Lạp tê liệt vì vỡ kế hoạch giải cứu

Thứ năm, ngày 06/10/2011 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 5.10, tại Hy Lạp tất cả các chuyến tàu hỏa đã ngừng hoạt động; các trường học, tòa án, viện bảo tàng và di tích khảo cổ đều đóng cửa... Đây là hậu quả của các cuộc bãi công phản đối “thắt lưng buộc bụng”.
Bình luận 0

“Đại” bãi công

Sáng 5.10, khu vực nhà nước ở Hy Lạp bị tê liệt vì cuộc bãi công trên khắp nước này để phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng mới" của Chính phủ. Tất cả các chuyến tàu hỏa đã ngừng hoạt động. Các trường học, tòa án, viện bảo tàng và di tích khảo cổ đều đóng cửa, trong khi các bệnh viện chỉ duy trì hoạt động tại bộ phận cấp cứu. Hệ thống giao thông hàng không cũng rối loạn vì bãi công.

img
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại thủ đô Athen.

Sau khi các cuộc đình công được nhen nhóm từ thủ đô Athen, ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng từ các thành phố lân cận và nhanh chóng lan ra khắp cả nước. Giới bình luận cho rằng, số phận của Hy Lạp vẫn chưa được định đoạt thì các cuộc bãi công này sẽ chưa chấm dứt và đây có thể sẽ là cuộc “đại” bãi công đáng nhớ nhất trong lịch sử nước này.

Với sự ủng hộ của Tổ chức công đoàn chính GSEE, người bãi công phản đối kế hoạch đưa 30.000 lao động vào lực lượng dự trữ, một hình thức sa thải tạm thời, và tiếp tục giảm tiền lương sau đợt cắt giảm hồi năm ngoái. GSEE cũng phát động cuộc tổng bãi công phản đối các biện pháp này vào ngày 19.10 tới.

Hy Lạp đang lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng mới" nhằm mục đích giảm bớt số tiền trả lương trong khu vực nhà nước trong bối cảnh Chính phủ nước này đang phải vật lộn để cân bằng mức thâm hụt ngân sách đang ngày càng phình to, trong khi ngân sách trả lương và lương hưu sẽ cạn kiệt vào tháng 11 tới.

Đây cũng là điều kiện bắt buộc Athen phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ vỡ nợ trị giá 110 tỷ euro được Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhất trí dành cho Hy Lạp tháng 5 năm ngoái.

Vì sao chưa giải cứu Hy Lạp?

Cho dù các thị trường chứng khoán tiếp tục chao đảo sau khi Hy Lạp loan báo không thể đạt được chỉ tiêu giảm thiếu hụt ngân sách đề ra cho năm nay, các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn quyết định hoãn cấp khoản giải ngân mà Hy Lạp đang mong đợi.

Nguyên nhân do đâu? - Hãng tin BBC dẫn lời ông Jean-Claude Junker - Chủ tịch nhóm Eurogroup cho hay, các thành viên Eurozone dự kiến sẽ tiến hành một cuộc họp đặc biệt vào ngày 13.10 để quyết định vấn đề này. Lý do cơ bản khiến giới chức tài chính châu Âu ra quyết định nói trên là Chính phủ Hy Lạp không thể cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay và năm tới như đã cam kết để nhận cứu trợ từ EU/IMF.

Một nguyên nhân khác khiến cho các bộ trưởng tài chính Eurozone quyết định lùi ngày giải ngân tín dụng cho Hy Lạp là việc họ muốn các ngân hàng tư nhân chủ nợ của Athen tham gia nhiều hơn vào việc gánh vác chi phí giải cứu Hy Lạp. Cho đến nay, mức thiệt hại mà các ngân hàng phải chịu được dự trù ở mức 21%. Tỷ lệ này sẽ phải cao hơn, thậm chí lên 50%.

Theo ông Junker, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong tháng 10 này dựa trên cơ sở kết quả kiểm toán toàn diện của "bộ ba" Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Tuy nhiên, ông Junker đã kêu gọi Hy Lạp chấp nhận thêm "các biện pháp bổ sung" cho năm 2013 và năm 2014, cũng như phải đồng ý đẩy mạnh việc tư nhân hóa nhiều công ty nhà nước hơn.

Theo giới phân tích, lời kêu gọi này cho thấy các nước Eurozone chưa hài lòng về những nỗ lực tiết kiệm và chấn chỉnh tài chính của Hy Lạp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem