IMF: Lần thứ hai Trung Quốc "sống tốt" qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu

07/04/2021 09:38 GMT+7
Một quan chức cấp cao từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hôm 6/4 nhận định rằng phản ứng của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vừa qua là vô cùng ấn tượng.

Nền kinh tế Trung Quốc kết thúc năm 2020 với một thắng lợi lớn cho chính quyền ông Tập Cận Bình khi trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận tăng trưởng GDP dương. Trái ngược với Trung Quốc, hầu hết phần còn lại của kinh tế toàn cầu lao đao vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 do những biện pháp hạn chế kiểm dịch, phong tỏa hoặc cách ly xã hội quá nghiêm ngặt.

IMF cho biết Trung Quốc báo cáo tăng trưởng GDP 2,3% trong năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 8,4% vào năm 2021. Điều này đồng nghĩa mặc dù Trung Quốc là nơi đầu tiên bùng phát đại dịch, quốc gia này dường như không bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra cho hầu hết các nước còn lại trên thế giới.

IMF: Lần thứ hai Trung Quốc "sống tốt" qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu - Ảnh 1.

IMF: Lần thứ hai Trung Quốc "sống tốt" qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu

Tobias Adrian, giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF nhận định: “Trung Quốc thực sự là một ví dụ ấn tượng về sự ngoại lệ, theo một ý nghĩa tích cực… Họ đã kiểm soát đại dịch theo cách quyết liệt từ rất sớm, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường vào giữa năm ngoái. Như vậy, dễ hiểu vì sao họ đi trước bất cứ quốc gia nào trên thế giới”.

Các trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên đã được báo cáo ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Sau đó, virus nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới, nhưng lập trường quyết liệt của Trung Quốc trong việc phong tỏa hàng loạt tỉnh thành vào đầu năm 2020 đã cho phép quốc gia này kiểm soát tốt hơn cuộc khủng hoảng đại dịch cũng như ngăn chặn những làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

“Ở Trung Quốc, các biện pháp có thể thực hiện để ngăn chặn đại dịch là cứng rắn hơn một số quốc gia khác, và điều đó thực sự hữu ích trong tình huống này. Đây là lần thứ hai Trung Quốc vượt qua một cuộc khủng hoảng lớn theo cách ngoạn mục” - ông Tobias Adrian nhấn mạnh, nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã triển khai một lượng lớn kích thích tiền tệ và tài khóa nhằm ngăn chặn cú sốc sâu hơn từ cuộc khủng hoảng tài chính lên nền kinh tế, đồng thời còn cung cấp hàng loạt hỗ trợ quan trọng cho các quốc gia láng giềng.

“Mặc dù mặt trái là tỷ lệ nợ tăng vọt ở Trung Quốc, chẳng hạn trong lĩnh vực doanh nghiệp,... nhưng tất nhiên, sức mạnh kinh tế vững chắc sẽ là nguồn lực tuyệt vời cho các doanh nghiệp trong khi sự đổi mới vẫn đang tiếp tục diễn ra”.

Thực tế, ông Zou Lan, giám đốc bộ phận thị trường tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC hồi đầu tháng này đã cảnh báo rằng những rủi ro như sự dao động trên thị trường cổ phiếu trong nước và hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu thời gian qua có nguy cơ gây sức ép lớn lên hệ thống tài chính Trung Quốc.

“Thị trường cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa đối mặt với rủi ro biến động lớn. Một số ít doanh nghiệp quy mô lớn vẫn đang trong giai đoạn rủi ro, trong khi các doanh nghiệp trung bình và nhỏ đối diện với khó khăn tài chính và nguy cơ vỡ nợ lớn” - ông Zou Lan nhấn mạnh.

Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng lên mức 285% vào cuối quý III/2020, từ mức 251% bình quân trong giai đoạn 2016-2019, theo báo cáo của Allianz.

Tháng trước, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% cho năm 2021, một con số khiêm tốn, thấp hơn nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế. Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc đặt mục tiêu tăng trưởng thận trọng như vậy sẽ mang lại cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dư địa lớn hơn để giải quyết nhiều rủi ro dài hạn trong nền kinh tế như gánh nặng nợ nần.


NTTD
Cùng chuyên mục